Tâm điểm
Nguyễn Hồng Quân

Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa

Ngày 22/12 hàng năm vừa là ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, vừa là ngày hội Quốc phòng toàn dân.

Nói tới quốc phòng là nói tới công cuộc giữ nước bằng sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, trong đó sức mạnh quân sự là đặc trưng, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt.

Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, các thế hệ ông cha luôn đề ra kế sách "sâu rễ, bền gốc" giữ yên bờ cõi, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc. Trần Quang Khải (1241 - 1294) nhà chính trị, quân sự thời Trần từng nói: "Thái bình tu trí lực / Vạn cổ thử giang sơn".

Tạm dịch: "Thái bình nên gắng sức / Non nước ấy ngàn thu".

Vua Lê Thái Tổ (1385 - 1433) căn dặn con cháu, muôn dân trăm họ: "Biên phòng hảo vị trù phương lược / Xã tắc ung tu kế cửu an".

Tạm dịch: "Biên phòng cần có phương lược tốt / Đất nước phải có kế lâu dài".

Cùng với đó ông cha ta đã thực hiện nhiều chính sách làm cho "quốc phú, binh cường", khi đất nước thanh bình thì khuyến khích nhân dân tích cực tham gia lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, tạo sức mạnh tổng hợp đất nước, làm cơ sở để xây dựng một quân đội vững mạnh. Khi đất nước có "biến" thì ưu tiên tập trung cho việc "binh", dập tắt chiến tranh, bảo vệ hòa bình…

Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn (1231-1300) từng nói: "Thời bình, phải khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc. Đó là thượng sách giữ nước." Cùng với đó, tổ tiên ta đã thực hiện nhiều chính sách làm cho "quốc phú, binh cường".

Trong Tuyên ngôn độc lập đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy.

Sau kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chiến khu Việt Bắc về Đền Hùng dâng hương tưởng niệm. Tại đây, nói chuyện với Đại đoàn quân tiên phong trước khi về tiếp quản Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: "Các vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước".

Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa - 1

Máy bay tiêm kích Su-30MK2 thao luyện trên bầu trời Hà Nội, tháng 11/2022 (Ảnh minh họa: Mạnh Quân)

Thời kỳ Đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã khẳng định quan điểm, tư tưởng chỉ đạo "bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa" trong điều kiện mới. Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng chỉ rõ: "Chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; phát hiện sớm và xử lý kịp thời những yếu tố bất lợi, nhất là những yếu tố, nguy cơ gây đột biến".

Bảo vệ Tổ quốc "từ sớm" là sớm về tư duy, nhận thức; sớm có quan điểm chỉ đạo, phương châm hành động; sớm trong nhận diện nguy cơ; sớm có phương án, lực lượng, phương tiện để bảo vệ.

Bảo vệ Tổ quốc "từ sớm" cũng có nghĩa là phải có chiến lược bảo vệ, tự bảo vệ bên trong, từ bên trong; ngăn ngừa, triệt tiêu các nhân tố xâm lược, phá hoại, mất ổn định bên trong lẫn bên ngoài.

Bảo vệ Tổ quốc "từ xa" là chủ động, cảnh giác, sớm phát hiện, triệt tiêu các nhân tố bất lợi từ xa về không gian địa lý, xa về thời gian; phát hiện, triệt tiêu ngay từ nguyên nhân, điều kiện hình thành nguy cơ đe dọa, uy hiếp. Chủ động phân tích, dự báo, đấu tranh, làm thất bại từ bên ngoài mọi âm mưu, hành động xâm phạm độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia - dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, chế độ xã hội chủ nghĩa, Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa không chỉ giới hạn ở nhiệm vụ bảo vệ, mà còn cần có kế sách, chuẩn bị tốt các điều kiện để bảo vệ đất nước từ khi chưa xảy ra chiến tranh, xung đột hay hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; chủ động ứng phó kịp thời, hiệu quả, đảm bảo giành thắng lợi trong mọi tình huống; đồng thời đảm bảo ổn định  chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại và giữ vững quốc phòng, an ninh để tạo nên sức mạnh tổng hợp của đất nước.

Trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc thì nòng cốt là Quân đội nhân dân. Đó phải là đội quân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Hiện nay, chúng ta đang phấn đấu từng bước, để đến năm 2030 xây dựng quân đội thực sự hiện đại. Đó là lực lượng nòng cốt cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, ngăn chặn chiến tranh xung đột từ sớm, từ xa.

Ngoài lực lượng Quân đội nhân dân, còn có dân quân tự vệ, lực lượng động viên hùng hậu. Tất cả anh em đã từng tham gia quân đội, khi xuất ngũ, phục viên, nếu trong độ tuổi quy định theo luật, đều trở thành thành viên của lực lượng dự bị. Như vậy, chúng ta có lực lượng rất hùng hậu hàng chục triệu người.

Đất nước ta bao la, rộng lớn như vậy, chúng ta cần phải có lực lượng dân quân, tự vệ rộng khắp để giữ gìn trật tự, trị an, đồng thời sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ vững chắc từng tấc đất núi sông, bờ cõi Việt Nam.

Trong tình hình an ninh thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường hiện nay, chúng ta vẫn luôn thể hiện quyết tâm duy trì chính sách quốc phòng có tính chất hòa bình, tự vệ; kiên quyết, kiên trì giải quyết các tranh chấp, bất đồng với các quốc gia khác bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Quân đội nhân dân Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục được đầu tư các nguồn lực cần thiết để làm nòng cốt cho nền quốc phòng toàn dân, đủ khả năng bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, các lợi ích quốc gia - dân tộc và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng; tìm kiếm giải pháp lâu dài để giải quyết các tranh chấp, bất đồng bằng các biện pháp hòa bình, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới.

Tác giả: Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Hồng Quân nguyên là Phó viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng; nguyên Phó Cục trưởng Cục đối ngoại, Bộ Quốc phòng. Ông là chuyên gia về khoa học quân sự và lịch sử thế giới.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!