Bộ TT&TT nói về vụ Facebook "sập" tối 5/3

Nguyễn Nguyễn

(Dân trí) - Đại diện của Bộ TT&TT cho biết sau khi Facebook bị sập, nhiều người Việt đã đổ xô sang những nền tảng mạng xã hội khác, đồng thời có ý thức hơn trong việc bảo vệ tài khoản của mình.

Bộ TTTT nói về vụ Facebook sập tối 5/3 - 1

Facebook gặp sự cố toàn cầu tối 5/3, khiến nhiều người dùng bị đăng xuất và không thể sử dụng dịch vụ (Ảnh: Getty).

Tối 5/3, hàng loạt nền tảng mạng xã hội của Meta, bao gồm Facebook, Messenger, Instagram, WhatsApp và Thread, đã gặp phải sự cố trên toàn cầu.

Việt Nam cũng không ngoại lệ, khi rất nhiều người dùng Facebook đột ngột bị đăng xuất và không thể truy cập lại các nền tảng này. Nhiều người thậm chí cho rằng tài khoản của mình đã bị hack, dẫn tới mất tài khoản.

Trao đổi với phóng viên Dân trí tại cuộc họp thường kỳ của Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Trần Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) nhấn mạnh rằng sự cố này của Facebook cho thấy sự phụ thuộc rất nhiều vào mạng xã hội của đông đảo người Việt.

Bằng chứng là khi vụ việc xảy ra, rất nhiều người dùng đã đổ xô sang những nền tảng khác như Zalo, Telegram hay Viber... nhưng lại hỏi về tình hình tài khoản Facebook của họ, cũng như theo dõi các tin tức liên quan.

Theo ông Hưng, sự cố lần này mặc dù không để lại hậu quả nghiêm trọng, nhưng đóng vai trò như "lời cảnh tỉnh" cho mỗi người dân về ý thức tự bảo vệ tài khoản cá nhân của mình.

Bộ TTTT nói về vụ Facebook sập tối 5/3 - 2

Ông Trần Quan Hưng, Phó Cục trưởng Cục ATTT cho rằng sự cố lần này của Facebook khiến nhiều người ý thức hơn về việc bảo vệ tài khoản cá nhân (Ảnh: Nguyễn Nguyễn).

"Nhiều người khi thấy tài khoản của mình bị đăng xuất, không thể truy cập... chắc chắn sẽ đặt câu hỏi rằng liệu mật khẩu, tài khoản của mình có an toàn không, nếu bị hack thì làm thế nào...", Phó Cục trưởng Cục ATTT chia sẻ.

"Từ đó, một số người có lẽ sẽ ý thức hơn về các biện pháp xác thực 2 bước, cũng như đặt lại mật khẩu trên mạng xã hội này".

Ông Hưng cũng cho rằng, nếu người dân có kiến thức căn bản rằng nền tảng mạng xã hội nào cũng đều có các biện pháp cơ bản để bảo vệ tài khoản của chúng ta ngay cả khi xảy ra tấn công, thì đã không lo lắng, hoang mang tới vậy.

"Dưới góc độ bảo mật thông tin mà nói, thì sự cố này của Facebook thậm chí đã mang lại giá trị tích cực cho người dân Việt Nam", ông Trần Quang Hưng cho biết, đồng thời chỉ ra rằng nhiều người dùng đã trở nên ý thức hơn vào ngày hôm sau, khi họ ngay lập tức tạo ra các bước xác thực, đổi mật khẩu...

Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, sự cố chỉ xảy ra với những ai truy cập và sử dụng Facebook trong khoảng thời gian mạng xã hội này gặp sự cố (từ 10h30 đêm 5/3 đến 0h sáng 6/3).

Trong khi đó với những ai không sử dụng và truy cập Facebook (thông qua ứng dụng hoặc trình duyệt web) trong thời gian này sẽ không bị ảnh hưởng, nghĩa là tài khoản của họ không bị đăng xuất ra khỏi thiết bị và vẫn tiếp tục sử dụng được bình thường.

Đây không phải lần đầu tiên Facebook gặp phải sự cố toàn cầu tương tự. Năm 2021, Facebook cũng gặp lỗi tương tự khi hàng loạt dịch vụ không thể truy cập trên mọi nền tảng và ở nhiều khu vực, kéo dài suốt 6 giờ đồng hồ.

Năm 2019, Facebook cũng gặp phải lỗi được cho là nghiêm trọng nhất kể từ khi bắt đầu dịch vụ, với khoảng 8 giờ để khắc phục toàn bộ sự cố.

Theo một báo cáo vào năm 2023 từ DataReportal, Việt Nam nằm trong nhóm 7 nước có người dùng Facebook đông nhất thế giới, với 66,2 triệu người dùng.