Ung thư và polyp khác nhau như thế nào?

Minh Nhật

(Dân trí) - Nhiều tình trạng bệnh lý nguy hiểm, điển hình là ung thư và polyp đều có nguồn gốc liên quan trực tiếp đến quá trình viêm mạn tính trong thời gian dài.

Những điều cần biết về polyp

Polyp là một dạng tổn thương có hình dáng giống với một khối u nó có thể có cuống hoặc không có cuống.

Các tác nhân gây viêm khi xâm nhập vào cơ thể sẽ tạo ra các phản ứng viêm cấp tính hoặc mạn tính. Quá trình viêm gây tổn thương các tế bào và giải phóng ra các sản phẩm của quá trình viêm, có thể lại chính là các độc tố có hại cho cơ thể.

Những độc tố này tiếp tục tác động vào cơ thể để gây ra một vòng lặp bệnh lý luẩn quẩn: viêm sinh độc, độc sinh viêm.

Ung thư và polyp khác nhau như thế nào? - 1

Nhiều tình trạng bệnh lý nguy hiểm khác nhau, có nguồn gốc liên quan trực tiếp đến quá trình viêm mãn tính trong thời gian dài như: u nang, u xơ, một số loại ung thư và các polyp lành tính ở các vị trí khác nhau.

Viêm mãn tính càng nhiều càng có nguy cơ cao hình thành các khối polyp. Những vị trí viêm mãn tính thường gặp tại một số vị trí nhất định ở cơ thể gây ra polyp tương ứng: polyp đại tràng, polyp túi mật, polyp dạ dày,….

Phần lớn các polyp đều là lành tính tuy nhiên có đến 10% polyp chuyển hóa thành ác tính và gây ra một số các biến chứng sau :

- Một số polyp có kích thước lớn hoặc kích thước phát triển nhanh có nhiều khả năng bị ung thư hoặc chuyển thành ung thư theo thời gian.

- Với polyp túi mật: Viêm túi mật, viêm loét dạ dày, rối loạn tiêu hóa, nguy cơ phải cắt bỏ túi mật.

- Với polyp tử cung gây ra các rối loạn kinh nguyệt, rong kinh, chậm kinh, nặng có thể ảnh hưởng đến khả năng có con.

- Polyp đại tràng là loại polyp dễ chuyển hóa thành ung thư nhất, viêm dạ dày tá tràng, rối loạn tiêu hóa, đau quặn bụng…

Những điều cần biết về ung thư

Ung thư là hiện tượng đột biến của tế bào. Từng tế bào trong cơ thể con người không phải tồn tại vĩnh viễn, mà nó phát triển, sinh sôi, từ một tế bào phát triển thành nhiều tế bào. Hằng ngày, một số tế bào chết đi, một số tế bào mới sinh ra để cân bằng.

Khi tế bào bị đột biến, sinh ra những dòng tế bào có khả năng tăng trưởng vô hạn độ, không tuân theo quy luật, sự kiểm soát bình thường thì sẽ tạo ra những khối u.

Tế bào ngày càng phát triển khổng lồ khiến kích thước khối u ngày càng to, chèn ép các bộ phận xung quanh, di căn sang các bộ phận khác của cơ thể. Cuối cùng, do hiện tượng phát triển vô hạn độ, di căn, chèn ép, xâm lấn các bộ phận quan trọng, sử dụng hết năng lượng của cơ thể, làm cơ thể cạn kiệt dẫn đến tử vong.

Đến nay chưa xác định rõ được nguyên nhân gây ung thư, nhưng một số yếu tố được cho là làm tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm:

- Các chất gây ung thư vật lý: Tia cực tím (UV) và bức xạ ion hóa.

- Các chất gây ung thư hóa học: Khói Amiăng và khói thuốc lá.

- Các chất gây ung thư sinh học: Nhiễm trùng do virus (virus viêm gan B và ung thư gan, virus Papilloma ở người (HPV) và ung thư cổ tử cung) và vi khuẩn (Helicobater Pylori và ung thư dạ dày) và ký sinh trùng (Schistosomiasis và ung thư bàng quang). Ô nhiễm thực phẩm do độc tố nấm chẳng hạn như Aflatoxin (sản phẩm của nấm Aspergillus) gây ra ung thư gan.

- Thuốc lá: Thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc  ung thư phổi, họng, miệng, tuyến tụy, bàng quang, dạ dày, gan, thận và các loại khác.

- Chế độ ăn uống và lối sống: chế độ ăn uống không khoa học: Ăn nhiều thịt đỏ, thịt chế biến sẵn, đồ nướng, uống nhiều rượu bia cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư.