Trẻ tăng động giảm chú ý: can thiệp sớm giúp cải thiện khả năng học tập và giao tiếp

Toàn Thịnh

(Dân trí) - Trẻ rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) thường không có khả năng tập trung ở bất kỳ hoạt động nào, hay quên, khó kết bạn, không thể đứng yên một chỗ quá vài giây, leo trèo quá mức… làm ảnh hưởng đến khả năng học tập và giao tiếp.

Tuy nhiên, nếu được phát hiện và can thiệp từ nhỏ, trẻ sẽ sớm học cách điều chỉnh hành vi, giảm rắc rối trong học tập, các mối quan hệ xã hội; tránh hành vi gây nguy hiểm cho mình và người xung quanh khi trưởng thành.

Những điều cần biết về rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ

 Ngày càng nhiều trẻ ở Việt Nam mắc chứng tăng động giảm chú ý

Theo chuyên viên tâm lý Nguyễn Võ Minh Hiền, khoa Tâm lý lâm sàng, bệnh viện FV, năm 2022, ước tính 3,2-9,3% trẻ em Việt Nam mắc hội chứng rối loạn tăng động giảm chú ý. Theo diễn biến chung của thế giới, dự báo hội chứng này tiếp tục gia tăng.

Trẻ tăng động giảm chú ý: can thiệp sớm giúp cải thiện khả năng học tập và giao tiếp - 1
ADHD là căn bệnh chưa tìm ra nguyên nhân và cũng chưa có giải pháp phòng tránh (Ảnh: Freepik).

Một phần do y học phát triển nên cho kết quả chẩn đoán sớm (từ 4 tuổi) và chính xác hơn trước đây; đời sống ngày càng cao, thu nhập tốt lên, phụ huynh sâu sát hơn tới hành trình phát triển của con, nhận ra dấu hiệu bất thường và đưa trẻ đi thăm khám. Tại bệnh viện FV thời gian gần đây cũng tiếp nhận một số trường hợp cha mẹ chủ động khám và can thiệp ADHD cho con.

Giới y khoa cho rằng ADHD là hội chứng rối loạn phát triển chức năng của não bộ, do thiếu hụt chất dẫn truyền thần kinh ở một số khu vực của não (cụ thể là sự suy giảm các chất dopamine…). Hiện y học chưa tìm ra nguyên nhân gây ADHD, nên chưa có giải pháp phòng tránh.

Tuy nhiên, có một số yếu tố nguy cơ cao, khiến trẻ bị tăng động giảm chú ý, như: do gen di truyền (trong gia đình có người mắc chứng tăng động giảm chú ý), mẹ bầu có sử dụng chất kích thích, chất gây nghiện, rượu bia, tiếp xúc hóa chất độc hại (chì), trẻ sinh ra thiếu cân, sinh non, trẻ từng có tổn thương về não bộ, hoặc mắc một số bệnh (rubella) từ khi sinh ra.

Dấu hiệu bất thường ở trẻ từ 4 tuổi, phụ huynh không nên bỏ qua

Trẻ tăng động giảm chú ý: can thiệp sớm giúp cải thiện khả năng học tập và giao tiếp - 2
Trẻ bị chứng ADHD thường khó tập trung tiếp thu bài giảng khi đến tuổi đi học (Ảnh: Freepik).

Trẻ mắc chứng ADHD thường có các biểu hiện như: không có khả năng tập trung ở bất kỳ hoạt động nào, không nhớ bài giảng trên lớp, thường quên mọi thứ, thất lạc đồ đạc liên tục, kết quả học kém… do giảm chú ý.

Với những bé tăng động, gây ảnh hưởng tới mối quan hệ xung quanh, khó kết bạn, luôn muốn mình là người đi trước, không thể kiên nhẫn chờ tới lượt hay xếp hàng, không thể chờ mọi người nói hết câu; bé lăng xăng chạy nhảy, không thể đứng yên một chỗ quá vài giây, leo trèo quá mức, không nghe lời thầy cô, ảnh hưởng trật tự trong lớp.

Bé mắc hội chứng tăng động giảm chú ý còn có những hành động mạo hiểm, thể hiện sự phấn khích với hành động mạo hiểm đó, dễ bị chấn thương, tai nạn, có hành vi thách thức, chống đối cha mẹ.

Những biểu hiện này dễ nhầm lẫn với rối loạn hành vi, rối loạn phổ tự kỷ, rối loạn lưỡng cực ở người lớn, rối loạn thách thức chống đối…

"Trường hợp thường gặp là sự nhầm lẫn giữa các trẻ có ADHD và rối loạn phổ tự kỷ. Điểm đặc trưng để phân biệt bé bị ADHD với các rối loạn phổ tự kỷ ở chỗ, trẻ rối loạn tăng động giảm chú ý vẫn có khả năng giao tiếp và chủ động giao tiếp với người khác. Khi người khác bắt chuyện với con, con nói rất nhiều, hay thay đổi các chủ đề khác nhau, cách kể chuyện dí dỏm, phong phú, mọi thứ xung quanh đều kích thích trẻ ngắm nhìn, quan sát, đặt câu hỏi.

Với những bé bị rối loạn phổ tự kỷ, việc chủ động của con rất hạn chế, con chỉ chủ động khi người khác chủ động nói chuyện với mình", chuyên viên tâm lý Nguyễn Võ Minh Hiền cho biết.

Giai đoạn "vàng" để can thiệp, hỗ trợ trẻ ADHD là từ 4-6 tuổi

Chuyên viên tâm lý Nguyễn Võ Minh Hiền cho biết, khi thấy con thể hiện ra bên ngoài rằng: con khó tập trung vào một vấn đề hay ngồi yên một chỗ lâu, có hành vi thái quá, bốc đồng, hấp tấp…, dễ gặp tai nạn, chấn thương do chính mình gây ra, phụ huynh nên đưa con đến bệnh viện thăm khám càng sớm càng tốt.

Trẻ tăng động giảm chú ý: can thiệp sớm giúp cải thiện khả năng học tập và giao tiếp - 3
Chuyên viên tâm lý Nguyễn Võ Minh Hiền cho biết, từ 4-12 tuổi được xem là độ tuổi "vàng" để can thiệp ADHD (Ảnh: FV).

Theo chuyên viên tâm lý Nguyễn Võ Minh Hiền, thời điểm dễ nhận biết trẻ mắc phải hội chứng này và dễ can thiệp nhất là từ 4-12 tuổi do hành vi hay thay đổi và chưa trở thành một thói quen. Độ tuổi trẻ ý thức và hợp tác tốt để can thiệp hành vi là 8-12 tuổi.

Với trẻ nhỏ hơn, thường chương trình can thiệp chủ yếu tập trung vào huấn luyện phụ huynh. Khi lớn hơn, con đã hình thành thói quen nên rất khó điều chỉnh, nhiều trường hợp phải dùng thêm thuốc từ bác sĩ tâm thần (dựa trên tình trạng cụ thể) để kiểm soát hành vi hiệu quả hơn, giúp trẻ tập trung hơn trong học tập, bình tĩnh khi ứng xử mọi việc.

Đồng hành cùng trẻ trong hành trình này, không chỉ có chuyên viên tâm lý, bác sĩ tâm thần, mà phụ huynh cũng cần biết cách ứng xử, kịp thời kiểm soát, điều chỉnh hành vi của con khi ở nhà. Vai trò của nhà trường cũng rất quan trọng, trong việc thấu hiểu trẻ, có chương trình giảng dạy, tạo môi trường học phù hợp với trẻ.

"Các con nhận thức được việc mình thiếu tập trung, tăng động, bốc đồng nhưng không làm cách nào kiểm soát. Ba mẹ hãy thấu cảm, kiên nhẫn, đồng hành cùng trẻ, vì mỗi ngày, con lớn hơn một chút, con cần học thêm những kỹ năng mới để hòa nhập, mà người hỗ trợ con là cha mẹ, nhà trường, đơn vị có chuyên môn về ADHD", chuyên viên tâm lý Nguyễn Võ Minh Hiền chia sẻ.

Việc điều chỉnh hành vi của trẻ mắc chứng tăng động giảm chú ý từ 12 tuổi trở lên sẽ khó khăn hơn. Trẻ đã có chính kiến cá nhân, thậm chí che giấu rất giỏi cảm xúc hỗn loạn bên trong. Và vì quá bí bách, bất lực, nên theo bà Minh Hiền, các em dễ tự ti, chán ghét bản thân, dẫn tới trầm cảm, có hành động gây hại bản thân. Đứa trẻ lớn lên, có thể vi phạm pháp luật, gặp khó khăn trong xây dựng mối quan hệ với đồng nghiệp, đời sống hôn nhân.

Do đó, việc phát hiện sớm trẻ bị chứng tăng động giảm chú ý rất cần thiết, nhà trị liệu cùng các bên liên quan sẽ giúp trẻ điều chỉnh hành vi, học các kỹ năng mới, cho đến khi những triệu chứng ADHD giảm dần, không còn ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.

Để tìm hiểu thêm về việc điều chỉnh hành vi cho trẻ mắc chứng tăng động giảm chú ý, các phụ huynh có thể liên hệ với khoa Tâm lý lâm sàng, bệnh viện FV qua số điện thoại: (028) 54 11 33 33

Đang được quan tâm