1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Phẫu thuật khớp gối cho “bông hồng thép” của đội tuyển bắn súng Việt Nam

Nam Phương

(Dân trí) - Nữ huấn luyện viên của đội tuyển bắn súng Quốc gia Việt Nam Nguyễn Thị Nhung bị chấn thương khớp gối khiến chị đi lại khó khăn, đau khi chơi thể thao.

Chị Nhung hiện là huấn luyện viên trưởng Đội tuyển bắn súng Quốc gia, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên đoàn bắn súng và Trưởng bộ môn bắn súng - Tổng cục Thể dục thể thao. Chị được mệnh danh là “bông hồng thép” của đội tuyển bắn súng Quốc gia Việt Nam. 

Gần 2 năm nay, chị cảm thấy đi lại khó khăn hơn, đặc biệt rất đau khi chơi thể thao. Bản thân sợ phẫu thuật nên còn e ngại nhập viện, chị đã sử dụng nhiều phương pháp nhưng càng chữa càng đau. 

Phẫu thuật khớp gối cho “bông hồng thép” của đội tuyển bắn súng Việt Nam - 1
TS.BS Trần Hoàng Tùng khám lại cho chị Nhung.

Gần đây chị tìm đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) và được chỉ định phẫu thuật nội soi để điều trị chấn thương khớp gối. 

TS.BS Trần Hoàng Tùng, Phó trưởng khoa Phẫu thuật Chi dưới, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức - người trực tiếp mổ cho chị Nhung cho biết bệnh nhân bị rách đôi sừng sau sụn chêm trong, vón cục, đụng dập một phần dây chằng chéo trước, bong sụn mâm chày và thoái hóa khớp gối. Trước đó, bệnh nhân có biểu hiện đau tại khe khớp gối, kẹt khớp, lục khục trong khớp, đi lại khó khăn… Phim chụp cộng hưởng từ cho thấy hình ảnh tổn thương sụn chêm khớp gối. Bệnh nhân từng sử dụng nhiều phương pháp kể cả tế bào gốc, tiêm huyết tương tiểu cầu ... nhưng không đỡ, đứng và đi lại rất khó khăn.

3 ngày sau phẫu thuật và điều trị tích cực, khớp gối không sưng, không đau, chị đã đi lại được gần như bình thường và ra viện.

Theo TS Tùng, chấn thương khớp gối là một tổn thương hay gặp do tai nạn giao thông, lao động, sinh hoạt, đặc biệt trong thể thao. Với sự phát triển về chuyên môn của các bác sĩ, các tổn thương khớp gối như dây chằng chéo, sụn chêm... đều có thể được chẩn đoán chính xác và điều trị bằng phẫu thuật nội soi với kết quả rất tốt.

Phẫu thuật khớp gối cho “bông hồng thép” của đội tuyển bắn súng Việt Nam - 2
Chị Nhung được chỉ định phẫu thuật nội soi điều trị chấn thương khớp gối.

“Trong chấn thương khớp gối, sụn chêm rất hay bị rách. Sụn chêm chịu khoảng 45% trọng lượng của cơ thể và di động trên mâm chày song song với việc gấp duỗi gối. Các thể thương tổn sụn chêm có thể gặp là rách dọc, rách kiểu quai xô, rách ngang thân hay rách phức tạp… Nhờ phẫu thuật nội soi khớp gối với lỗ mổ rất bé và vô trùng cao, bác sĩ có thể khâu hoặc sửa sụn chêm cho bệnh nhân giúp họ sớm trở về hoạt động sinh hoạt bình thường”, TS Tùng cho biết thêm.

Bên cạnh đó, phục hồi chức năng sớm sau phẫu thuật giúp hạn chế được nguy cơ cứng khớp, trả lại chức năng và biên độ vận động bình thường khớp gối, giúp cho bệnh nhân sớm hòa nhập cộng đồng

Nhờ có nội soi khớp gối mà việc chẩn đoán chính xác cũng như điều trị các tổn thương của sụn chêm trở nên thuận lợi và hiệu quả hơn rất nhiều. Tuy nhiên, sau phẫu thuật bệnh nhân cần phải được tập phục hồi chức năng mới hạn chế được nguy cơ cứng khớp, trả lại chức năng và biên độ vận động bình thường khớp gối, giúp cho bệnh nhân sớm hòa nhập cộng đồng. 

PGS.TS Nguyễn Thị Kim Liên, quyền Trưởng khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết trong quá trình phục hồi chức năng cho bệnh nhân, bác sĩ thăm khám và đưa ra một chương trình tập vật lý trị liệu theo từng giai đoạn để kỹ thuật viên thực hiện. Nhờ thực hiện đúng quy trình, người bệnh có thể tập gấp duỗi và có thể đi lại ngay sau phẫu thuật mà không cần tới các dụng cụ trợ giúp bên ngoài như nạng, khung tập đi… Người bệnh có thể sớm chơi thể thao trở lại sau 3 tháng phẫu thuật. Trong những trường hợp rách sụn chêm do thoái hóa, thời gian và mức độ hoạt động thể thao trở lại còn tùy thuộc vào tổn thương sụn khớp kèm theo.

Phẫu thuật khớp gối cho “bông hồng thép” của đội tuyển bắn súng Việt Nam - 3
PGS.TS Nguyễn Thị Kim Liên hướng dẫn chị Nhung bài tập phục hồi chức năng.

Thời gian đầu khi mới phẫu thuật rách sụn chêm, người bệnh vẫn có thể đi lại bình thường, thậm chí có trường hợp có thể sớm chơi thể thao trở lại, luyện tập, thi đấu. Tuy nhiên, nếu xuất hiện những cơn đau kéo dài, sưng nề khớp gối khiến vận động dần khó khăn, người bệnh cần trao đổi ngay với các thầy thuốc. 

Vì vậy, phục hồi chức năng đòi hỏi liệu trình cụ thể, phù hợp, nhẹ nhàng, tránh gây đau, mục đích đạt được biên độ vận động khớp gối tốt, không đau và tránh teo cơ khu đùi trước và sau. 

Bên cạnh đó, trong quá trình tập luyện phục hồi chức năng theo TS Liên người bệnh cần quan tâm đến chế độ dinh dưỡng cân bằng các chất đạm, đường, mỡ và bổ sung thêm một số thành phần dinh dưỡng khác được quan tâm hơn. Chẳng hạn, axit béo omega 3 nhằm hỗ trợ kiểm soát tình trạng viêm, các chất chống oxy hóa có khả năng chống lại các chất tổn thương mô, một số vitamin C và vitamin E điều chỉnh hoạt động của cytokines, ngăn chặn nguy cơ teo cơ… Đồng thời người bệnh không được quên uống đủ nước (35 ml/kg cân nặng).

Các môn thể thao hay gặp chấn thương nhất là bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, tennis, những môn đối kháng… Đáng chú ý, nhiều bệnh nhân đến viện trong tình trạng muộn hoặc do người bệnh chủ quan cố chịu đau, sau một thời gian không khỏi mới tìm đến bác sĩ. Nhiều trường hợp để lại những biến chứng đáng tiếc như: rách sụn chêm thứ phát, bong sụn khớp, thoái hóa, làm giảm tuổi thọ của khớp… Khi đó, hiệu quả điều trị sẽ thấp, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống sau này. 

Các bác sĩ khuyến cáo khi thấy có biểu hiện bất thường nên đến các bệnh viện có trang thiết bị y tế hiện đại và đội ngũ bác sĩ có chuyên môn để được thăm khám và điều trị kịp thời. Không nên chủ quan, tự ý đi mua đơn thuốc về dùng hoặc dùng thuốc lá, thuốc nam không rõ nguồn gốc đắp, hoặc xoa bóp, không kéo, nắn, giật rất nguy hiểm, gây khó khăn cho quá trình điều trị của bác sĩ về sau.