Những biện pháp phòng tránh ung thư cổ tử cung

Minh Nhật

(Dân trí) - Ung thư cổ tử cung là một trong những ung thư hay gặp ở nữ giới, chiếm khoảng 12% của tất cả các ung thư ở nữ giới và là nguyên nhân gây tử vong thứ hai sau ung thư vú.

Tuổi trung bình phụ nữ bị ung thư cổ tử cung từ 48 - 52 tuổi. Theo Ghi nhận ung thư 2020, Việt Nam có hơn 9000 ca mắc mới và có hơn 3000 ca tử vong vì căn bệnh này. Phần lớn người bệnh đến khám và điều trị khi bệnh đã ở giai đoạn muộn.

Dưới đây là những biện pháp để dự phòng ung thư cổ tử cung, theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Đà Nẵng:

- Dự phòng cấp một: Dự phòng nhiễm virus HPV (thủ phạm gây ra > 90% ung thư cổ tử cung). Hiện nay chưa có thuốc đặc trị virus HPV gây ung thư cổ tử cung. Dự phòng chủ động bằng cách tiêm vaccine phòng HPV cho thiếu niên và thanh niên trong độ tuổi được khuyến cáo, càng sớm càng tốt, tốt nhất trước khi có lần quan hệ đầu tiên.

Tại Việt Nam, Bộ Y tế khuyến cáo tiêm vaccine cho trẻ gái trong độ tuổi 9 - 26 tuổi. Một số nước trên thế giới đã có khuyến cáo tiêm cho trẻ trai độ tuổi này. Tiêm vaccine là biện pháp dự phòng chủ động nhằm phòng ngừa lây nhiễm các chủng HPV nguy cơ cao, từ đó phòng ngừa ung thư cổ tử cung và các bệnh ung thư khác liên quan đến HPV.

Việc tiêm phòng HPV ở người càng trẻ, chưa có quan hệ tình dục thì đáp ứng miễn dịch càng cao.

Những biện pháp phòng tránh ung thư cổ tử cung - 1

Xét nghiệm Pap smear (còn gọi là xét nghiệm Pap hay phết tế bào cổ tử cung), là một xét nghiệm tế bào học để tầm soát phát hiện ung thư cổ tử cung ở phụ nữ.

- Dự phòng cấp 2: Khám sàng lọc để phát hiện và điều trị sớm các tổn thương tiền ung thư cổ tử cung (thường gọi là loạn sản cổ tử cung.

Có nhiều phương pháp sàng lọc đã được Bộ Y tế hướng dẫn: nghiệm pháp V.I.A/V.I.L.I; xét nghiệm tế bào âm đạo - cổ tử cung (Pap smear, Thinprep…); xét nghiệm định tính/định type virus HPV.

Có thể thực hiện một trong các phương pháp sàng lọc này hoặc phối hợp nhiều phương pháp tùy từng trường hợp. Điều đáng nói là các phương pháp sàng lọc này khá đơn giản, chi phí không quá cao, thực hiện lấy mẫu đồng thời với quá trình khám phụ khoa thông thường.

Trước đây, Bộ Y tế khuyến cáo chú trọng sàng lọc ung thư cổ tử cung cho phụ nữ từ 30 tuổi nhưng hiện nay, độ tuổi khuyến cáo sàng lọc ung thư cổ tử cung là từ 21 tuổi. Tùy vào phương pháp và kết quả sàng lọc, bác sĩ sản phụ khoa sẽ tư vấn việc lặp lại sàng lọc sau một thời gian nhất định tùy vào từng cá thể.

Dừng sàng lọc chỉ khi thỏa mãn 2 điều kiện: Đã có ít nhất 3 lần sàng lọc định kỳ trước đó âm tính (không phát hiện nguy cơ ung thư cổ tử cung) và người phụ nữ đã qua tuổi 60.