Nhiều người Việt trẻ mắc căn bệnh "khó nói" vì ôm điện thoại hàng giờ

Hồng Hải

(Dân trí) - Tại Việt Nam, tỉ lệ bị trĩ là 30-40% dân số. Đáng nói, trước đây căn bệnh này gặp chủ yếu ở lứa tuổi ngoài 30, thì nay nhiều người trẻ cũng nhăn nhó, đau đớn do mắc căn bệnh "khó nói" này.

Ngày 23/4, tại Hội nghị tập huấn chuyển giao kỹ thuật điều trị trĩ bằng sóng cao tần, PGS.TS Lê Mạnh Cường, Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh, Chủ tịch Hội hậu môn trực tràng Việt Nam cho biết, rất nhiều người Việt mắc bệnh trĩ.

Theo thống kê, khoảng 30-40% người Việt mắc căn bệnh này. Đáng nói, trước đây nhóm tuổi phổ biến mắc căn bệnh này là ngoài 30, thì hiện rất nhiều người trẻ, 17-18 tuổi, thậm chí có những bệnh nhân mới 14-15 tuổi mắc căn bệnh này.

"Khi khai thác từ mẹ bệnh nhân, thì hầu hết các bệnh nhân này sử dụng điện thoại rất nhiều. Có trẻ mang điện thoại, ipad vào nhà vệ sinh cả tiếng", PGS Cường cho biết.

Nhiều người Việt trẻ mắc căn bệnh khó nói vì ôm điện thoại hàng giờ - 1

PGS.TS Lê Mạnh Cường, Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh cảnh báo, ngày càng nhiều người trẻ mắc bệnh trĩ do lối sống thay đổi, ít vận động, sử dụng nhiều điện thoại (Ảnh: H.Hải).

Theo chuyên gia này, có nhiều yếu tố làm gia tăng tỉ lệ người trẻ mắc bệnh trĩ. Trong đó, môi trường thay đổi, chế độ ăn uống, sinh hoạt của các bạn trẻ cũng thay đổi. Nhiều người ăn đồ ăn nhanh nhiều, đồ ăn cay nóng, thời gian sử dụng điện thoại quá nhiều. Việc ngồi quá lâu làm nhu động ruột kém đi, là yếu tố làm gia tăng nguy cơ bệnh trĩ.

Đặc biệt, PGS Cường cảnh báo, nhiều người khi mắc trĩ ngại đi khám vì xấu hổ, tự sử dụng các thuốc bôi, đắp bán tràn lan trên mạng, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ.

"Nhiều trường hợp nhập viện trong tình trạng hoại tử búi trĩ vì tự ý dùng thuốc bôi. Các trường hợp này chúng tôi thường phải phẫu thuật cấp cứu. Người dân tuyệt đối không được điều trị theo các phương pháp truyền miệng không chính thống trên mạng xã hội", PGS Cường khuyến cáo.

Theo PGS Cường, với các phương pháp điều trị trĩ, hiện kết hợp y học cổ truyền và hiện đại điều trị mang lại nhiều hiệu quả. Mới nhất, việc điều trị bệnh trĩ bằng sóng cao tần bắt đầu được áp dụng.

Điều trị bằng sóng cao tần được sử dụng phổ biến trên thế giới, điều trị nhiều loại bệnh khác như từ u gan, u phổi, u thận, u xương, u phần mềm, u tuyến giáp, u tuyến tiền liệt. Sóng cao tần cũng được ứng dụng điều trị bệnh trĩ.

Đây là giải pháp mới, ít xâm lấn, ít can thiệp, mang lại ưu điểm, giảm tác dụng không mong muốn, hạn chế đau, tai biến, thời gian hồi phục nhanh. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ định điều trị với người mắc trĩ giai đoạn nặng, hoặc điều trị bằng phương pháp khác như không mang lại hiệu quả.

Để phòng nguy cơ mắc trĩ, PGS Cường khuyến cáo người dân cần thay đổi lối sống, vận động nhiều hơn, ăn uống lành mạnh hơn. Theo đó, nên ăn nhiều chất xơ, uống đủ nước, vận động đều đặn 60 phút mỗi ngày, giảm uống bia rượu...

Khi phát hiện có dấu hiệu mắc trĩ, mọi người không nên e ngại mà cần đi khám để được tư vấn, điều trị phù hợp.

Bệnh trĩ là hiện tượng giãn quá mức các đám rối tĩnh mạch ở mô xung quanh hậu môn. Chúng có thể gây ngứa, chảy máu và đau. 

Bệnh trĩ rất phổ biến, thường gặp ở người có chế độ ăn uống và sinh hoạt không khoa học. Bệnh lý được hình thành khi xảy ra hiện tượng căng giãn quá mức và sưng các tĩnh mạch ở phần thấp nhất của trực tràng và hậu môn bởi nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. 

Trong một số trường hợp, bạn có thể nhìn hoặc sờ thấy búi trĩ xung quanh bên ngoài trực tràng (trĩ ngoại). Trong các trường hợp khác, bạn không thể nhìn thấy vì chúng ẩn bên trong trực tràng (trĩ nội).