Cần làm xét nghiệm gì để chẩn đoán ung thư tụy?

Minh Anh

(Dân trí) - Theo thống kê của WHO, ung thư tụy chỉ đứng thứ 14 về tỷ lệ mắc tuy nhiên lại đứng hàng thứ 7 về tỷ lệ tử vong do ung thư.

Điều này cho thấy tiên lượng của ung thư tụy rất xấu, trên thực tế tỉ lệ sống trung bình sau 5 năm của ung thư tụy chỉ khoảng 9,3%.

Nguyên nhân chủ yếu khiến ung thư tụy có tiên lượng xấu so với ung thư tiêu hóa khác là bởi tụy có vị trí đặc biệt ở rất sâu trong ổ bụng, triệu chứng lâm sàng nghèo nàn lại dễ nhầm với bệnh khác nên người bệnh thường được chẩn ở giai đoạn muộn. 

Hiện nay nguyên nhân cụ thể của ung thư tụy vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra được các yếu tố nguy cơ có liên quan mật thiết tới cơ chế bệnh sinh của ung thư tụy trong đó có yếu tố di truyền hoặc những người  mắc một số bệnh lý mãn tính ở tụy làm tăng nguy cơ bị ung thư tụy gồm: đái tháo đường, viêm tụy mạn, bệnh xơ nang tụy…; các yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư tụy (hút thuốc lá, béo phì, ít hoạt động thể lực, nghiện rượu…). 

Triệu chứng của ung thư tụy giai đoạn sớm thường nghèo nàn. Khi bệnh lan tràn, triệu chứng lâm sàng khá đa dạng, thay đổi tùy theo vị trí khối u và mức độ lan rộng của nó. 

Các triệu chứng thường gặp của ung thư tụy bao gồm đau bụng- đây là một trong những dấu hiệu thường gặp nhất. Tiếp theo là các dấu hiệu vàng da, nước tiểu sẫm màu, đi ngoài sống phân, suy nhược, sụt cân, chán ăn, nôn, tiêu chảy…

Qua thăm khám phát hiện các dấu hiệu bất thường, bác sĩ sẽ cho làm các xét nghiệm kiểm tra: xét nghiệm máu, chất chỉ điểm khối u, siêu âm… Trong các xét nghiệm để chẩn đoán ung thư tụy, chụp cắt lớp vi tính có vai trò quan trọng nhất, bởi qua đó bác sĩ không những phát hiện khối u tụy mà còn đánh giá mức độ lan rộng khối u, tình trạng di căn hạch… qua đó giúp đánh giá khả năng phẫu thuật triệt căn cũng như khả năng can thiệp để giải quyết các biến chứng do u gây ra: tắc mật (đặt stent đường mật, dẫn lưu đường mật qua da), đau (phong bế đám rối thần kinh giảm đau)...