1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Nhà đầu tư góp 25 tỷ đồng mua 14 thửa đất "ảo"

Hoàng Lam

(Dân trí) - Với mỗi thửa đất "ảo", Lê Văn Bình chỉ kêu gọi một người góp vốn, kèm thông tin cụ thể về lợi nhuận được hưởng và thời hạn thanh toán. Có người góp vốn mua 14 thửa đất... trên giấy với Bình.

Ngày 17/11, Cơ quan cảnh sát điều tra (PC02) - Công an tỉnh Nghệ An thông tin, đơn vị đã có quyết định khởi tố bị can, tạm giam 4 tháng đối với Lê Văn Bình (SN 1970, trú phường Nghi Hòa, thị xã Cửa Lò, Nghệ An) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

"Lê Văn Bình là người từng giữ chức vụ ở địa phương, quá trình hoạt động phạm tội kín kẽ, thủ đoạn hết sức tinh vi, quá trình xác minh cung cấp nhiều thông tin sai lệch gây khó khăn cho công tác điều tra. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của các đồng chí trong Ban Giám đốc Công an tỉnh, PC02 đã chứng minh, làm rõ hành vi phạm tội của đối tượng Bình", đại diện PC02 cho hay.

Nhà đầu tư góp 25 tỷ đồng mua 14 thửa đất ảo - 1

Lê Văn Bình từng giữ chức Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Nghi Hòa, thị xã Cửa Lò, Nghệ An (Ảnh: M.H).

Mời góp vốn mua đất trên giấy

Lê Văn Bình trưởng thành từ phong trào địa phương, sau đó được tín nhiệm giữ chức vụ Chủ tịch UBND phường Nghi Hòa vào năm 2005. Từ tháng 11/2009, Lê Văn Bình là Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND phường Nghi Hòa. Tháng 4/2013, Lê Văn Bình được phân công làm Đội trưởng đội trật tự quản lý đô thị thị xã Cửa Lò.

Trong quá trình công tác, giữ các chức vụ chủ chốt tại địa phương, Lê Văn Bình nắm chắc quy định về đất đai nên được người dân tin tưởng, nhờ thực hiện các thủ tục cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vào năm 2017, thị xã biển Cửa Lò không nằm ngoài cơn sốt đất chung của cả nước. Từ việc làm giúp người dân giấy tờ, Bình đã có được thông tin về các thửa đất để thực hiện hành vi lừa đảo của mình.

Nhà đầu tư góp 25 tỷ đồng mua 14 thửa đất ảo - 2

Công an tỉnh Nghệ An thông báo quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với Lê Văn Bình (Ảnh: M.H).

Lê Văn Bình tung tin mình đặt cọc mua các thửa đất, đồng thời các thửa đất này đã có khách đồng ý mua lại với giá cao để huy động nhà đầu tư góp vốn. Bình cam kết trong vòng 15 ngày, nhà đầu tư sẽ nhận đủ số tiền góp vốn và lợi nhuận bán thửa đất. Trên thực tế, Bình không có đất để giao dịch nhưng bằng cách này đã huy động được 45 tỷ đồng từ 4 nhà đầu tư.

"Điều đặc biệt là có nhà đầu tư ngoại tỉnh, chỉ trong vòng hơn một tháng đã góp 25 tỷ đồng cùng Lê Văn Bình mua 14 thửa đất. Thậm chí người này chỉ mua đất trên giấy, hoàn toàn không kiểm tra thực địa. Bình thông tin đã bán được 4 thửa và trả tiền gốc, lợi nhuận cho người này. Thực tế thì đây chỉ là chiêu "lấy mỡ nó rán nó", bởi Bình không phát sinh bất kỳ giao dịch mua bán nào đối với các thửa đất đã kêu gọi nhà đầu tư góp vốn", điều tra viên phụ trách vụ án cho hay.

Đặc biệt, mỗi thửa đất Bình chỉ kêu gọi một nhà đầu tư, không có người thứ hai dẫn tới thông tin về góp vốn, mua bán hoàn toàn bí mật, khó bị phát hiện.

Lợi dụng "mác" Chủ tịch, Bí thư để lừa đảo

Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Nghệ An bước đầu làm rõ Lê Văn Bình đã huy động vốn góp của 4 cá nhân để thực hiện mua bán 30 thửa đất. Trong đó, có một người góp 25 tỷ đồng để mua 14 thửa đất, có 2 người góp vốn mua mỗi người 5 thửa và một người mua 3 thửa.

"Sở dĩ các nhà đầu tư dễ dàng tin và sẵn sàng góp vốn với Lê Văn Bình, có lẽ là do uy tín có được từ thời làm lãnh đạo địa phương và mức lợi nhuận được đưa ra một cách cụ thể kèm thời hạn thanh toán trong vòng 15 ngày. Với những thông tin Bình đưa ra, mỗi thửa đất nhà đầu tư có lợi nhuận từ 100-250 triệu đồng. Trong thời gian ngắn mà có số lợi nhuận như thế, nhà đầu tư thiếu hiểu biết và chủ quan sẽ dễ dàng sập bẫy", điều tra viên lý giải.

Nhà đầu tư góp 25 tỷ đồng mua 14 thửa đất ảo - 3

Cơ quan chức năng làm rõ Lê Văn Bình đã huy động vốn góp mua bán đất, gây thiệt hại cho các nhà đầu tư gần 29 tỷ đồng (Ảnh: M.H).

Lại nói về Bình, sau khi có được số tiền huy động từ các nhà đầu tư liền dùng để chi tiêu cá nhân và sử dụng góp vốn mở công ty chuyên kinh doanh xăng dầu ở một tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, người làm ăn cùng đã ôm luôn vốn của Bình góp, bỏ trốn ra nước ngoài. Đầu năm 2021, thị trường bất động sản có dấu hiệu hạ nhiệt, các nhà đầu tư đồng loạt yêu cầu rút vốn. Bình buộc phải sử dụng thửa đất ở rộng 1.800m2 ở thị xã Cửa Lò theo định giá khoảng 20 tỷ đồng để trừ vốn góp và bán hết tài sản để hoàn trả một số khoản cho các nhà đầu tư.

Bị các nhà đầu tư đòi tiền ráo riết, trước áp lực nợ nần, tháng 6/2021, Lê Văn Bình viết đơn xin nghỉ việc. Không đòi được tiền, 4 nhà đầu tư đã có đơn tố cáo hành vi của Bình lên cơ quan điều tra.

Quá trình được triệu tập làm việc với công an, Bình khẳng định các thửa đất để huy động vốn đầu tư là có thật, có phát sinh giao dịch mua bán hoặc đưa ra các thông tin gian dối, gây khó khăn cho hoạt động xác minh.

"Chúng tôi phải liên hệ các cơ quan chức năng để thu thập thông tin về hoạt động giao dịch liên quan đến 30 thửa đất Bình huy động góp vốn. Thực tế, trong thời gian này, nhiều thửa đất có phát sinh giao dịch, thậm chí, có những thửa đất chỉ trong vòng 2 tháng đã được mua bán, thay đổi chủ sở hữu đến 4 lần khiến việc xác minh rất khó khăn.

Tuy nhiên, quá trình xác minh cũng như đấu tranh tại cơ quan điều tra, Lê Văn Bình phải cúi đầu thừa nhận hành vi lừa đảo của mình. Số tiền các nhà đầu tư thiệt hại do góp vốn với Bình là gần 29 tỷ đồng", điều tra viên phụ trách vụ án thông tin.

Theo điều tra viên, nạn nhân của Bình không chỉ dừng lại ở 4 nhà đầu tư kể trên mà khả năng còn rất nhiều người khác. Phòng cảnh sát Hình sự - Công an tỉnh Nghệ An thông báo ai là bị hại trực tiếp của Lê Văn Bình liên hệ để giải quyết theo quy định.