1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Công an Hà Nội "điểm mặt" các thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại

Phúc Lâm

(Dân trí) - Các đối tượng kết bạn, làm quen qua mạng xã hội; giả danh công an, kiểm sát, tòa án; giả làm người thân…, từ đó lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các nạn nhân.

Thời gian gần đây, thêm nhiều nạn nhân bị các đối tượng đóng giả là người của cơ quan Công an, Tòa án, Điện lực hoặc người thân, doanh nghiệp… để gọi điện, nhắn tin lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Mặc dù đây không phải là thủ đoạn mới và đã được các cơ quan chức năng cảnh báo nhưng rất nhiều bị hại vẫn sập bẫy của các đối tượng lừa đảo.

Công an Hà Nội điểm mặt các thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại - 1

Một số thủ đoạn giả danh cơ quan tư pháp, lừa đảo người dân qua điện thoại (Ảnh minh họa).

Gần đây nhất, đầu tháng 11/2021, Công an phường Ngọc Thụy (quận Long Biên, Hà Nội) nhận được đơn trình báo của bà V. (SN 1951, trú tại Long Biên, Hà Nội) về việc bị lừa đảo chiếm đoạt 800 triệu đồng.

Theo đơn trình báo, bà V. nhận được điện thoại từ các đối tượng tự xưng là Công an, Kiểm sát viên, thông báo bà có liên quan tới một vụ án. Các đối tượng yêu cầu bà V. phải cung cấp tài khoản ngân hàng, mật khẩu và mã OTP để kiểm tra.

Sau khi thực hiện theo hướng dẫn của đối tượng, bà V. phát hiện tài khoản ngân hàng bị rút 800 triệu đồng. Lúc này, bà mới biết mình bị lừa và đến cơ quan công an trình báo.

Mặc dù đây không phải là thủ đoạn mới và đã được các cơ quan chức năng cảnh báo nhưng rất nhiều bị hại đã sập bẫy của các đối tượng. Đa phần thường là những người ít cập nhật thông tin xã hội, báo chí.

Bóc trần các thủ đoạn lừa đảo

Công an thành phố Hà Nội xác định, làm rõ và cảnh báo một số hình thức phổ biến mà các đối tượng lợi dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Kết bạn, làm quen trên mạng xã hội

Các đối tượng người nước ngoài sử dụng mạng xã hội facebook, zalo để kết bạn, làm quen với người bị hại để tạo sự tin tưởng. Sau một thời gian quen biết, đối tượng thông báo gửi quà là tiền mặt hoặc tài sản có giá trị rất lớn qua đường hàng không, yêu cầu người bị hại nộp tiền để nhận được quà.

Khi bị hại không còn khả năng tiếp tục chuyển tiền, các đối tượng xóa tài khoản facebook, zalo và các số điện thoại đã sử dụng để liên lạc.

Giả danh cán bộ Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án

Các đối tượng gọi điện cho bị hại tự xưng là nhân viên bưu điện thông báo về việc có bưu phẩm gửi ở các bưu điện lâu ngày không đến nhận, thiếu nợ tiền ngân hàng hoặc liên quan đến các vụ án. Sau đó, các đối tượng nối máy cho bị hại nói chuyện với một số đối tượng khác giả danh cán bộ đang công tác tại các cơ quan tư pháp (Công an, Viện kiểm sát, Tòa án).

Lúc này, các đối tượng thông báo bị hại liên quan đến vụ án đang điều tra, nếu không thực hiện đúng theo nội dung chúng đưa ra sẽ bị khởi tố bị can, làm bị hại hoang mang, lo sợ để cung cấp thông tin cá nhân.

Tiếp theo, đối tượng yêu cầu bị hại chuyền tiền vào các tài khoản do đối tượng chỉ định hoặc hướng dẫn bị hại tải ứng dụng giả mạo để cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, cung cấp mã OTP chuyển tiền với vỏ bọc xác minh, điều tra.

Sau đó, đối tượng chiếm quyền sử dụng tài khoản của bị hại và chuyển tiền đến nhiều tài khoản khác của đối tượng nhằm chiếm đoạt tài sản.

Giả danh người thân nhờ chuyển tiền

Đối tượng lập tài khoản mạng xã hội (facebook, zalo) hoặc hack tài khoản của người khác rồi nhắn tin cho người thân, bạn bè trong danh sách liên lạc của chủ tài khoản. Giả làm người thân, các đối tượng vay mượn tiền hoặc nhờ chuyển tiền số lượng lớn vào tài khoản ngân hàng của đối tượng hoặc gửi thông báo lệnh chuyển tiền giả, kèm đường link trang web giả mạo ngân hàng, yêu cầu bị hại truy cập, từ đó chiếm đoạt toàn bộ số tiền có trong tài khoản ngân hàng của bị hại.

Nhắn tin trúng thưởng

Đối tượng sử dụng mạng xã hội facebook, zalo để gửi tin nhắn cho bị hại thông báo trúng thưởng tài sản có giá trị lớn. Sau đó, các đối tượng yêu cầu bị hại muốn làm thủ tục nhận thưởng thì phải nạp tiền qua thẻ điện thoại hoặc chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt tài sản.

Kinh doanh đa cấp qua các sàn giao dịch tiền ảo

Các đối tượng lập ra các website đầu tư tài chính, các sàn giao dịch nhị phân (Ugreengx, Wefinex, Fxtradingmarket…) rồi sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau để thu hút, lôi kéo nhiều người tham gia.

Các sàn đều được quảng cáo có nguồn gốc từ nước ngoài, cam kết người chơi sẽ được hưởng mức lãi suất cao nhưng lại an toàn, có thể rút vốn bất kỳ lúc nào, không cần đầu tư trí tuệ, thời gian khiến nhiều người dân tham gia dưới hình thức đầu tư.

Sau một thời gian, khi người tham gia muốn rút tiền lãi đầu tư, các đối tượng yêu cầu phải nộp thêm các khoản phí vay vốn ban đầu, các khoản tiền chênh lệch để thực hiện rút tiền hoặc thông báo dừng hoạt động để bảo trì hoặc lỗi không truy cập được, khách hàng không đăng nhập được để rút tiền hoặc bị mất hết tiền trong tài khoản.