Va chạm giao thông, người đi xe máy dùng mũ bảo hiểm đập vỡ cửa kính ô tô

Nhật Minh

(Dân trí) - Sự việc diễn ra vào sáng 13/3 tại vòng xuyến ngã 5 đường Trường Thi - Lê Hồng Phong, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Cảnh sát giao thông đã có mặt để giải quyết.

Theo hình ảnh do camera hành trình của một ô tô ghi lại, khi vào vòng xuyến, người đàn ông điều khiển xe máy có va chạm với ô tô hiệu Toyota Vios, xe máy ngã xuống đường.

Ngay sau đó, người đàn ông đi xe máy đã dùng mũ bảo hiểm đập vỡ cửa sổ ô tô và ném mũ bảo hiểm vào trong xe.

Va chạm giao thông, người đi xe máy dùng mũ bảo hiểm đập vỡ cửa kính ô tô (Video: OFFB).

Hình ảnh cho thấy có vẻ va chạm không nghiêm trọng, các phương tiện chỉ bị hư hỏng nhẹ. Tuy nhiên, người đàn ông đi xe máy đã có thái độ và hành vi khá hung hăng khi tấn công ô tô.

Việc này đã khiến nhiều người thấy bức xúc, phẫn nộ sau khi video được chia sẻ lên mạng xã hội.

"Quá khủng khiếp! Cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm người đi xe máy vì hành vi cố ý hủy hoại tài sản và tấn công người khác. Đúng - sai đã có pháp luật, nhỡ mũ bảo hiểm đập trúng đầu gây chấn thương thì sao?", tài khoản Đức Hùng bình luận sau khi xem video.

"Cần xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng bạo lực sau va chạm giao thông như thế này để làm gương. Chưa biết đúng sai đã lao vào đập phá ô tô, tấn công tài xế như vậy quá nguy hiểm, hung hãn", tài khoản Minh Thu bình luận.

"Tôi thấy va chạm không nghiêm trọng, thiệt hại của ô tô còn lớn hơn xe máy ấy chứ, vậy mà sao người đi xe máy hung hăng, côn đồ quá vậy?

Theo quy định, hành vi hành hung người khác sau khi va chạm giao thông có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, với mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng.

Ngoài ra, người vi phạm buộc phải chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bị đánh.

Đối với hành vi đập phá ô tô, theo quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 (đã được sửa đổi năm 2017), hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 24 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định khi đến gần đường giao nhau, người điều khiển phương tiện phải cho xe giảm tốc độ và nhường đường theo quy định sau đây:

- Tại nơi đường giao nhau không có báo hiệu đi theo vòng xuyến, phải nhường đường cho xe đi đến từ bên phải;

- Tại nơi đường giao nhau có báo hiệu đi theo vòng xuyến, phải nhường đường cho xe đi bên trái;

- Tại nơi đường giao nhau giữa đường không ưu tiên và đường ưu tiên hoặc giữa đường nhánh và đường chính thì xe đi từ đường không ưu tiên hoặc đường nhánh phải nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên hoặc đường chính từ bất kỳ hướng nào tới.