Xu hướng đeo trang sức bằng vàng của Gen Z Trung Quốc

Đức Chung

(Dân trí) - Việc trang sức bằng vàng trở thành mốt mới của những vị khách hàng trẻ tuổi ở Trung Quốc đang làm khuấy đảo thị trường lâu nay bị thống trị bởi bạc và kim cương.

Xu hướng đeo trang sức bằng vàng của Gen Z Trung Quốc - 1

Trước tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu và bất ổn chính trị, những người tiêu dùng Gen Z coi việc mua trang sức bằng vàng như một hình thức đầu tư lâu dài (Ảnh: Yin Fine Jewelry).

Theo kênh Tài Chính CCTV, Gen Z và Gen Y chiếm 20% doanh số trang sức bằng vàng tại các trung tâm thương mại ở Bắc Kinh, tăng so với tỷ lệ chỉ 10% hồi năm ngoái. Bà Ye Bin, quản lý một cửa hàng trang sức vàng cao cấp ở Bắc Kinh cho biết, doanh số trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu nhờ các khách hàng trẻ tuổi.

Trong khi đó, một khảo sát năm 2021 của Hội đồng Vàng thế giới cũng cho thấy 60% người tiêu dùng Trung Quốc chưa mua trang sức bằng vàng, nhưng đang cân nhắc mua, tăng nhiều so với tỷ lệ chỉ 16% của năm 2016.

Trang sức bằng vàng ngày càng được yêu thích

Khi được hỏi về trang sức vàng, Yin Chen (23 tuổi) cho biết: "Tôi từng nghĩ vàng thật "xôi thịt", nhưng bây giờ nếu có ai đó hỏi tôi chọn vàng hay kim cương, thì câu trả lời của tôi đã thay đổi - tôi chọn vàng, không chỉ vì thấy đẹp, mà còn muốn bảo toàn giá trị trang sức".

Sự lên ngôi của vàng đã khiến các thương hiệu trang sức Trung Quốc bắt tay với những tên tuổi lớn khác để thu hút đối tượng khách hàng Gen Z. Năm 2020, thương hiệu trang sức Luk Fook đã hợp tác với trò chơi Natra; còn hai nhãn hàng Chow Sang Sang và Cai Bai đã tung ra chiến dịch trang sức vàng lấy cảm hứng từ Tử Cấm Thành.

Xu hướng đeo trang sức bằng vàng của Gen Z Trung Quốc - 2

Thương hiệu trang sức Chow Tai Fook và hãng Disney đã bắt tay để ra mắt bộ sưu tập các nhân vật Disney cổ điển (Ảnh: Chow Tai Fook).

Lập thương hiệu con hoặc ra các dòng sản phẩm phụ cũng là một cách thông minh để thu hút các khách hàng trẻ. Năm 2016, Chow Tai Fook đã ra mắt thương hiệu trang sức thời trang mang tên Monologue, và năm 2017 ra mắt thương hiệu So In Love nhắm vào thị trường cưới cao cấp. Trong khi đó, năm 2019, Chow Sang Sang ra mắt thương hiệu thời trang Minty Green.

Và sau nhiều năm, những chiến dịch này đã bắt đầu cho "quả ngọt". Nhớ lại thập kỷ trước, mọi người mua vàng chỉ quan tâm trọng lượng, chứ không phải tính thẩm mỹ. Vàng được coi là một hình thức giữ tiền. 

Trong những năm qua, kỹ thuật chế tác trang sức bằng vàng ngày càng tinh xảo, mẫu mã ngày càng bắt mắt, nên thu hút giới trẻ hơn.

Đám cưới không còn là dịp duy nhất để mua vàng

Đám cưới vẫn là dịp mọi người có nhu cầu mua vàng, nhưng hiện nay, ngày càng nhiều khách hàng tìm mua dây chuyền, nhẫn và khuyên tai bằng vàng không phải để phục vụ đám cưới, mà đôi khi chỉ vì thấy thích.

Những khách hàng như Yuan Jiao mua vàng như một sở thích của bản thân. Trước Tết Nguyên đán vừa qua, cô đã mua một chiếc vòng tay và hai chiếc nhẫn vàng vì thấy chúng có thiết kế đẹp.

Xu hướng đeo trang sức bằng vàng của Gen Z Trung Quốc - 3

Những trang sức nằm trong bộ sưu tập Tử Cấm Thành của Chow Sang Sang (Ảnh: Chow Sang Sang).

Vàng bắt đầu được yêu thích cả ở phương Tây

Quan niệm của giới trẻ về trang sức đã trở nên thực dụng hơn. Các thương hiệu mới nổi, như Yin Yin và HeFang đã thành công nhờ cơ hội đó. Các thương hiệu này ghi điểm bằng những thiết kế mang tính cá nhân hóa cao hơn và dịch vụ chăm sóc khách hàng chu đáo.

Sự thức thời của các thương hiệu trang sức Trung Quốc truyền thống và sự nở rộ của các thương hiệu mới nổi, hai nhóm này đã làm gia tăng sự quan tâm, yêu thích của giới trẻ đối với vàng. Đối với những nhãn hàng quốc tế, xu hướng này cũng mở ra cho họ cơ hội khám phá thị trường Trung Quốc bằng cách tung ra các sản phẩm bằng vàng; trong khi sử dụng sự nổi tiếng và thiết kế mang tính đặc trưng của thương hiệu chính là thế mạnh của họ. Một khi họ đã vào cuộc, thị trường trang sức bằng vàng sẽ ngày càng sôi động hơn.

Theo www.voguebusiness.com