Tranh luận chuyện gửi lì xì vào "ngân hàng Mother Bank"

Mai Linh

(Dân trí) - Phụ huynh cho rằng bố mẹ nên giữ tiền lì xì của con; tuy nhiên, nhiều bạn trẻ không cho rằng đây là điều đúng đắn.

Tục mừng tuổi đầu năm đã lưu truyền từ năm này qua năm khác và cho đến tận bây giờ vẫn được gìn giữ. Lì xì là biểu tượng của sự may mắn, bình an và hạnh phúc, là điều mà bất kỳ ai cũng mong muốn có được vào ngày đầu xuân năm mới.

Tranh luận chuyện gửi lì xì vào ngân hàng Mother Bank - 1

Lì xì là biểu tượng của sự may mắn, bình an và hạnh phúc (Ảnh: Hoài Nam).

Lì xì đầu năm - nét văn hóa ngàn đời

Đêm giao thừa, thời khắc chuyển giao từ năm cũ qua năm mới là lúc mọi người bắt đầu được gửi và nhận những phong bao lì xì.

Lì xì là cách gọi theo người Hoa, nghĩa tiếng Việt là "Tiền mừng tuổi đầu năm". Lì xì là tục lệ có xuất xứ từ văn hóa Trung Quốc xa xưa, sau đó phổ biến rộng khắp các nước Á Đông và vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Tuy về ý nghĩa đã dần thay đổi theo thời đại, nhưng đây là một mỹ tục mang nét đẹp khi thăm hỏi, chúc tụng nhau nhân dịp đầu xuân năm mới, nhất là để bày tỏ sự ưu ái, thương mến giữa mọi người.

Phong bao tượng trưng cho sự kín đáo, không muốn có sự so bì dẫn đến chuyện xích mích, không vui trong ngày Tết. Phong bao mừng tuổi còn tượng trưng cho tài lộc, nhiều người nhận được hay cho đi càng nhiều bao lì xì càng tin rằng mình đã phát tài, phát lộc… Màu đỏ của chiếc bao lì xì tượng trưng cho màu như ý, cát tường, thịnh vượng trong suốt cả năm.

Không chỉ tặng lì xì những ngày đầu năm mà thậm chí là trong suốt Tháng Giêng chỉ cần gặp mặt nhau, người ta cũng đều có thể trao phong bao lì xì. Những đồng tiền trong phong bao lì xì được gọi là đồng tiền may mắn, là phúc lộc đầu năm. Bên cạnh đó, lì xì còn mang hy vọng và niềm tin. Những người được nhận lì xì luôn tin rằng mình sẽ có một năm thật nhiều may mắn với khởi đầu tài lộc, cả năm sẽ "thuận buồm xuôi gió".

Tranh cãi chuyện lì xì gửi vào "ngân hàng MotherBank"

Tết Nguyên đán năm 2022 đang đến gần, vấn đề giữ tiền lì xì của con lại một lần nữa nhận được nhiều quan tâm của các bậc phụ huynh và dư luận. Ngày nay, phong tục lì xì càng được chú trọng hơn và trẻ nhỏ càng được nhận số tiền lì xì lớn hơn từ vài triệu đến cả chục triệu đồng. Và để tránh việc con cái tiêu tiền không đúng mục đích, phần lớn các bố mẹ đều thay con giữ số tiền này.

Tuy nhiên, cho tới nay, các thế hệ trong nhiều gia đình vẫn thường tranh luận về việc bố mẹ có nên quản lý tiền lì xì ngày Tết của con cái hay không, làm như thế nào để quản lý số tiền lì xì của con trẻ.

Phụ huynh Trần Thị Tuyết Mai (Hà Nội) cho biết: "Bố mẹ nên trao đổi với con về việc giữ tiền lì xì là một cách để con đầu tư vào việc học, vì bố mẹ sẽ dùng tiền lì xì đó để chi trả những khoản phí liên quan đến giáo dục cho con. Mình không giữ hết tiền lì xì của con, mà chị sẽ để cho con giữ lại tiền lì xì của cha mẹ, ông bà... Và cũng phải trao đổi với con nên dùng tiền đó như thế nào cho hợp lý".

Đồng quan điểm, phụ huynh Hồng Diệu (Hà Nội) nói: "Việc bố mẹ giữ tiền lì xì của con là chuyện nên làm, nhất là đối với các con dưới 16 tuổi, trong khi đó các con còn nhỏ sẽ không thể sử dụng số tiền lì xì lớn đó một cách hợp lý. Bố mẹ cũng nên tư vấn, hướng dẫn con về cách chi tiêu, sử dụng tiền lì xì sao cho hợp lý nhất".

Dưới góc nhìn của người trẻ, là bổn phận con cái, nhiều bạn trẻ đã chia sẻ ý kiến cá nhân của mình. Vân Khánh (Hà Nội) cho biết: "Ngày bé, mẹ mình cũng hay giữ tiền lì xì của mình. Vì vẫn còn nhỏ nên mình luôn thắc mắc tại sao mẹ hay giữ tiền lì xì của mình như vậy, trong khi xung quanh bạn bè mình ai cũng được giữ tiền mừng tuổi. Dần dần, mình không còn cảm thấy vui mỗi khi được nhận lì xì nữa, vì mình biết chắc kiểu gì sau đó mẹ cũng cầm của mình mà.

Nhưng giờ lớn lên, mình mới hiểu việc đưa lại lì xì cho ba mẹ cũng giống như mình đầu tư cho việc học tập. Vì số tiền mừng tuổi của mình sẽ được ba mẹ dùng để đóng các khoản phí của trường, của lớp. Mình cũng nghĩ rằng lì xì giống như chuyện "có đi có lại", nên giờ mình cũng thấy khá thoải mái, thậm chí mình còn tự nguyện gửi tiền lì xì vào "ngân hàng Mother Bank" (gửi mẹ). Dù bây giờ, mẹ mình cho mình giữ lại toàn bộ tiền lì xì".

Trái ngược với Vân Khánh, cậu bạn Gia Minh lại không thích ba mẹ giữ tiền lì xì của mình. "Đối với mình, lì xì là tán lộc đầu năm và lộc của ai thì người ấy giữ. Mình biết mẹ mình lo mình sẽ tiêu xài hoang phí, không biết cách quản lý chi tiêu sao cho hợp lý nên mới đề xuất để mẹ giữ hộ tiền lì xì nhưng bản thân mình cũng đã nói chuyện rõ với bố mẹ và có kế hoạch chi tiêu rõ ràng", Gia Minh thẳng thắn.

Khoản 1, điều 75, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 về Quyền có tài sản riêng của con, quy định: "Con có quyền có tài sản riêng. Tài sản riêng của con bao gồm: tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng, thu nhập do lao động của con, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của con và thu nhập hợp pháp khác. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của con cũng là tài sản riêng của con".

Như vậy, theo quy định trên, tiền lì xì Tết cũng được coi là tài sản riêng của con. Nếu cha mẹ yêu cầu con trẻ đưa tiền lì xì cho mình mà con không đồng ý thì có thể bị xử phạt.

Nhưng nếu muốn quản lý, giữ giúp tiền lì xì hoặc tài sản riêng của con, cha mẹ có thể cùng con trao đổi, thỏa thuận để quản lý, sử dụng khoản tiền lì xì Tết hoặc tài sản riêng của con một cách hợp lý.

Bởi, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 cũng quy định: tài sản riêng của con dưới 15 tuổi, con mất năng lực hành vi dân sự do cha mẹ quản lý; con đủ 15 tuổi trở lên có thể tự quản lý tài sản của mình hoặc nhờ cha mẹ quản lý.