Sống một đời cho đi

Thu Phương

(Dân trí) - Hiến tạng là một nghĩa cử cao đẹp, giúp nối dài sự sống cho những người bệnh tưởng chừng đã tắt hết hy vọng.

Trương Minh Trúc (24 tuổi), làm việc tại Đài truyền hình Việt Nam tự nhận mình cá tính, ngang tàng. Nhưng cô gái trẻ ấy đã có một quyết định không phải ai cũng dám đưa ra.

"Thực ra, mình thấy việc này rất nhẹ nhàng, khi mình không biết ngày mai cuộc sống sẽ ra sao; chúng ta hiện tại có còn tươi đẹp như thế này hay không, nhất là trong thời kỳ dịch bệnh như hiện nay. Không ai có thể nói trước được điều gì. Mình luôn nghĩ sẽ làm được một điều gì đó ý nghĩa. Hiến tạng thì khi mà mình mất đi rồi vẫn có thể giúp ích cho cuộc sống cho xã hội", Trúc chia sẻ.

Sống một đời cho đi - 1

Trúc đang làm việc tại Đài truyền hình Việt Nam.

"Thực ra dự định đăng ký hiến tạng của mình xuất hiện từ năm 20 tuổi, khi xem rất nhiều bài báo, đọc rất nhiều câu chuyện về những trường hợp người mắc bệnh hiểm nghèo không tìm được tạng phù hợp, tương thích. Lý do thứ hai khiến mình đăng ký hiến tạng là một câu chuyện không vui cho lắm. Trước ngày đăng ký hiến tạng, mình biết tin một người bạn mất vì bệnh hiểm nghèo ở tuổi 24. Trước khi qua đời, bạn ấy đã quyết định hiến tạng cho y học".

Ngày đến Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, Trúc hơi run và lo lắng.

Trúc chia sẻ: "Thực sự mình nghĩ rằng quyết định hiến tạng khi 24 tuổi, 34 tuổi hay 44 tuổi đều không phải là vội vàng. Nhiều người có thể còn hiểu sai một chút về hiến tạng. Thực ra, việc hiến tạng rất đơn giản và nhẹ nhàng, các bạn đến đăng ký và có thể tùy chọn muốn hiến bộ phận nào của cơ thể, ví dụ như gan, thận hay giác mạc, hay kể cả mô, hoàn toàn là quyền lựa chọn của các bạn. Hiện tại mình 24 tuổi, tự chủ về tài chính, độc lập trong cuộc sống nên nghĩ mình không quyết định quá vội vàng".

Nhớ lại về khoảnh khắc quyết định tới Bệnh viện Việt Đức để đăng ký hiến tạng, Minh Trúc chia sẻ: "Nói không sợ thì cũng không phải. Ngay khi mình bước chân đến bệnh viện, mình đã cảm thấy hơi sợ, dù đã chuẩn bị tâm lý từ trước. Trên con đường từ cổng vào, mình nhìn thấy rất nhiều bệnh nhân nằm, trong đó có nhiều trường hợp éo le, nhìn rất thương".

Minh Trúc đã lựa chọn hiến tất cả các bộ phận trong cơ thể mình. Ý nghĩ khi mình qua đời, toàn bộ mô, tạng trên cơ thể sẽ được lấy đi để thắp lên sự sống cho nhiều người khác đã giúp Minh Trúc gan dạ hơn và mạnh mẽ hơn.

Khi được hỏi về phản ứng của bố mẹ, Trúc bộc bạch: "Thực sự đến thời điểm hiện tại, bố mẹ vẫn chưa thông cảm cho mình chuyện này và vẫn phản đối, nhưng đã nhẹ nhàng hơn trước rất nhiều. Vẫn sẽ có những cuộc tranh cãi, thảo luận nổ ra bất cứ khi nào bố mẹ đọc tin tức về việc hiến tạng và sẽ nhớ đến quyết định của con gái. Nhưng dù thế nào, mình cũng luôn tin, rồi gia đình sẽ hiểu và ủng hộ mình".

Sống một đời cho đi - 2

Trúc có suy nghĩ hiến tạng từ năm 20 tuổi.

Sau khi đăng ký hiến tạng, cô nàng tự có thêm một áp lực cho bản thân, đó là phải có trách nhiệm với sức khỏe của mình, phải sống thật lành mạnh để cơ thể khỏe mạnh nhất. "Sau khi cầm thẻ ấy trên tay, mình tự tạo cho bản thân một áp lực và trách nhiệm là phải có ý thức giữ gìn sức khỏe hơn, cố gắng sống lành mạnh để khi mình mất đi, họ có thể lấy nhiều bộ phận nhất để cứu người, hoặc mình có thể giữ tốt nhất, trọn vẹn nhất trao đến cho những người cần", Minh Trúc nói.

Câu chuyện của Trúc khiến chúng ta nhận ra cần phải sống trách nhiệm hơn với bản thân và xã hội. 

Ảnh: NVCC