Những thói quen khiến người trẻ phá hoại làn da của mình

Quang Trường

(Dân trí) - Chăm sóc da theo trào lưu trên mạng, thường xuyên thức khuya, tẩy tế bào chết quá mạnh bạo, ăn uống nhiều đồ ngọt,…là những thói quen khiến nhiều bạn trẻ tự làm xấu làn da của mình.

"Người trẻ đầu tư chăm sóc da nhưng mắc sai lầm vì chưa đủ kiến thức"

Hiện nay, có rất nhiều bạn trẻ thắc mắc với bác sĩ rằng, mình chăm sóc da rất kỹ theo chỉ dẫn từ nhiều nguồn trên mạng nhưng làn da không những không đẹp hơn mà còn xấu dần đi.

Trao đổi với PV Dân trí, Thạc sĩ, Bác sĩ da liễu Phạm Cẩm Thúy chỉ ra một số thói quen và sai lầm phổ biến trong sinh hoạt và chăm sóc da mà nhiều người trẻ đang gặp phải.

Những thói quen khiến người trẻ phá hoại làn da của mình - 1

Bác sĩ da liễu Phạm Cẩm Thúy tốt nghiệp thạc sĩ tại Đại học Y Dược TPHCM (Ảnh: NVCC).

Theo bác sĩ Thúy, tình trạng phổ biến nhất ở các bạn trẻ là thường xuyên thức khuya và stress quá độ kéo dài.

Ban đêm là thời điểm để các tế bào da được tái tạo, mức độ tái tạo nhanh hơn so với ban ngày. Việc thức khuya khiến hiệu quả của hoạt động tái tạo và điều tiết các tế bào da bị giảm, ảnh hưởng đến chức năng da. Hậu quả là da bị lão hóa sớm, xỉn màu, xuất hiện nếp nhăn, mụn trứng cá,...

Nhiều bạn trẻ, đặc biệt là thế hệ GenZ ngày càng gặp nhiều căng thẳng, áp lực trong cuộc sống và công việc. Khi stress kéo dài, cơ thể sẽ tiết ra Cortisol - một loại hormone chống stress. Tuy nhiên, Cortisol lại khiến da tiết nhiều dầu, là một trong những nguyên nhân chính gây mụn, ức chế khả năng chữa lành những tổn thương của da, làm cho mụn viêm lâu lành, để lại vết thâm sau khi hết mụn.

Ngoài ra, Cortisol còn phá vỡ lớp bảo vệ, làm cạn kiệt độ ẩm, từ đó da ngày càng xỉn màu và thâm sạm. Hormone này cũng tiết ra khi chúng ta thường xuyên thức quá khuya, ngủ không đủ giấc.

Những thói quen khiến người trẻ phá hoại làn da của mình - 2
Sau khi điều trị cho hàng nghìn bệnh nhân, bác sĩ Thúy nhận thấy đa số các bạn trẻ đang chăm sóc da sai cách (Ảnh: NVCC).

Sử dụng quá nhiều thức ăn như trà sữa, nước ngọt, bánh ngọt cũng là những tác nhân gây hại cho da. Trong đường, sữa có một lượng lớn hormone Androgen và chất IGF-1. Các chất này làm cho tuyến bã nhờn hoạt động mạnh hơn, khiến da mặt bị bít kín lỗ chân lông và sinh nhiều dầu nhờn.

Bên cạnh đó, lượng Insulin dư thừa khi đường huyết tăng cũng khiến các tuyến bã nhờn tiết ra nhiều dầu, làm tăng sự xuất hiện của mụn trứng cá.

Nhiều người có thói quen không vệ sinh chăn, gối thường xuyên, trong khi hoạt động này đóng vai trò rất quan trọng vì chăn, gối là những đồ vật tiếp xúc trực tiếp với da nhưng lại tích tụ rất nhiều vi khuẩn, bụi bẩn nếu không được giặt sạch sẽ.

Rửa mặt quá ít hoặc quá nhiều, sử dụng sữa rửa mặt có tính tẩy rửa mạnh cũng vô tình khiến da xấu đi, làm mất đi hàng rào tự nhiên, khiến da trở nên mỏng manh và dễ kích ứng hơn.

Việc tẩy tế bào chết cho da được biết đến như một cách thức làm đẹp, hỗ trợ loại bỏ bụi bẩn, độc tố, từ đó làm thông thoáng lỗ chân lông và giúp da sạch, mịn.

"Tuy nhiên, sẽ thật khủng khiếp nếu bạn tẩy tế bào chết trên da quá mạnh bạo vì điều này sẽ trực tiếp gây tổn thương đến làn da, khiến da ửng đỏ, thậm chí là trầy xước.

Hiện nay, người trẻ, đặc biệt là các bạn nữ rất đầu tư chăm sóc da nhưng thường mắc sai lầm vì chưa đủ kiến thức", bác sĩ Thúy nhấn mạnh.

Cẩn thận với những trào lưu chăm sóc da trên Tiktok

Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Cẩm Thúy cũng bày tỏ lo ngại với một số xu hướng chăm sóc da tại nhà đang rất hot, được nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội Tiktok gần đây.

Theo bác sĩ Thúy, có nhiều bạn trẻ đã áp dụng và thành công với một số phương pháp tốt. Tuy nhiên, có những xu hướng chăm sóc da có thể làm hại làn da nếu người sử dụng không tìm hiểu kỹ trước khi thực hiện.

Những thói quen khiến người trẻ phá hoại làn da của mình - 3
Bác sĩ Thúy cảnh báo một số xu hướng chăm sóc da tại nhà đang hot có thể gây hại nếu áp dụng bừa bãi (Ảnh: NVCC).

Bác sĩ lấy ví dụ điển hình như trào lưu peel da tại nhà đang rất được quan tâm.

Peel da là phương pháp sử dụng những hợp chất hóa học tự nhiên (acid trái cây) tác động lên bề mặt để loại bỏ lớp tế bào chết, bụi bẩn, vi khuẩn bên ngoài và tái tạo lớp da mới khỏe mạnh hơn.

Peel da được ứng dụng rất nhiều tại các phòng khám da liễu để điều trị các vấn đề về da như trẻ hóa, mụn, sắc tố. Vì vậy, việc lựa chọn sản phẩm peel da phù hợp cũng như nồng độ acid sử dụng cho từng loại da đòi hỏi kiến thức và kinh nghiệm của bác sĩ.

"Người không có kiến thức chuyên môn, tự peel da tại nhà dễ có thể lựa chọn nồng độ peel hoặc sản phẩm peel không phù hợp, thiếu an toàn, gây ra tình trạng tăng sắc tố sau viêm, gây nám mảng hoặc mất sắc tố không điều trị được.

Ngoài ra, việc lột da quá mức có thể gây sẹo trên da, làm xước da đến lớp hạ bì. Hậu quả là làn da uốn lượn, gồ ghề hệt như những vết da bị bỏng", bác sĩ Thúy cảnh báo.

Theo bác sĩ, để làm đẹp da một cách tự nhiên nhất, các bạn không nên thức quá 12 giờ khuya, nên ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày, uống đủ nước và bổ sung chất dinh dưỡng cũng giúp làm giảm tác hại mà việc thức khuya gây nên.

Các bạn nên cố gắng giặt chăn và gối mỗi tuần để tránh tình trạng da bị phát ban, nấm da, mẩn ngứa do vi khuẩn.

Rửa tay sạch sẽ trước khi thoa sữa rửa mặt để tránh đưa vi khuẩn lên da, khiến mụn có cơ hội sinh sôi và phát triển. Đây là bước chăm sóc da cơ bản nhất, nhưng nhiều người thường làm qua loa.

Sử dụng kem chống nắng thường xuyên để giảm tác hại của tia UV gây ra. Nếu làn da bị tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá mức mà không được bảo vệ, khả năng cao là các dấu hiệu lão hóa sớm sẽ xuất hiện như da khô, sạm, xuất hiện rãnh sâu và nếp nhăn.

"Các bạn cũng cần quan tâm đến dưỡng ẩm cho da, đắp mặt nạ có nguồn gốc từ thiên nhiên, sử dụng những sản phẩm chăm sóc có chứa các hoạt chất dưỡng da lành tính như Hyaluronic Acid, Glycerin, Vitamin E, C", bác sĩ Thúy nói.

Những bạn đã trót bị da thâm, mụn cũng hoàn toàn có thể tự chăm sóc tại nhà giúp cải thiện tình trạng da bằng những phương pháp trên. Ngoài ra, các bạn nên đắp thêm mặt nạ sữa chua và mật ong, đặc biệt lưu ý không cố gắng nặn mụn hoặc cào vết thâm.

"Sau khi điều trị các vấn đề về da liễu cho hàng nghìn bệnh nhân, tôi nhận thấy có khoảng 70% trường hợp da bị sẹo rỗ do các bạn trẻ tự nặn mụn làm tổn thương bề mặt da", bác sĩ Thúy chia sẻ.