Người trẻ "sợ" Tết vì nhiều mục tiêu của năm cũ còn dang dở

Mai Trang

(Dân trí) - Năm cũ đang dần qua đi, không ít người tự ngẫm, một năm qua mình đã làm được gì, chưa làm được gì và dự định tương lai như thế nào? Mọi thứ cảm thấy thật chông chênh.

Trăn trở tuổi trưởng thành

Dường như ai rồi cũng phải trải qua một lần thất nghiệp, không có cơ hội được làm công việc theo ý muốn của bản thân. Năm nay, Tết đến sớm lại khiến cho nỗi buồn này trở thành áp lực rất lớn của các bạn trẻ.

Bạn Hiền Lương, sinh viên năm thứ 3 chia sẻ: "Một năm qua, hơn 2 tháng đầu thì vẫn phải ở quê học online, một năm Covid chưa làm được gì.

Mình quyết năm nay phải thay đổi bản thân, lên Hà Nội học trở lại phải học hỏi để CV thêm nhiều nổi bật. Sau khi thông báo sinh viên được quay trở lại trường mình vui lắm. Nhưng lên được một tháng mình chưa tìm được việc nên cũng áp lực vì lại phải gọi điện về xin tiền của bố mẹ.

Đợt tháng 5, tháng 6 mình có kiếm được việc nhưng do chỗ làm bất ổn, không duy trì được, mình lại phải nghỉ.

Ban đầu làm ở đấy, dù hơi cực và không giúp được cho chuyên ngành của mình. Nhưng vì có tiền để phần nào giúp bố mẹ nên mình vẫn làm. Mình cũng đã gửi CV nhiều nơi để tìm công việc nhưng đều không ổn. Đi học, nhìn bạn bè ai cũng đi làm chỗ này chỗ kia mà bản thân lại không tìm được công việc, mình cũng đôi chút xấu hổ".

Người trẻ sợ Tết vì nhiều mục tiêu của năm cũ còn dang dở - 1

Không làm mới được cho CV của bản thân là nỗi lo của Hiền Lương (Ảnh: NVCC).

Dù vẫn đang đi học, nhưng nhiều bạn vẫn lựa chọn việc đi làm thêm để có thu nhập mua những đồ dùng mình thích thay vì phải xin bố mẹ. Cuộc sống ngày càng phát triển, nỗi lo của người trẻ ngày một nhiều hơn.

Những nỗi lo đa dạng từ các khoản mua sắm và chi tiêu hay phải trả lời những câu hỏi hóc búa đã trở thành nỗi ám ảnh người trẻ những ngày giáp Tết.

Bạn Mỹ Duyên, sinh viên năm nhất đại học bộc bạch về những lo lắng của mình: "Dù chỉ là sinh viên năm nhất, nhưng khi bước chân lên Đại học được gần một năm em đã hiểu được những áp lực của bố mẹ ở nhà.

Tiền ăn, tiền học của em là một phần gánh nặng của bố mẹ. Em cũng đã đi làm thêm, và cảm thấy đúng là làm ra được đồng tiền thật vất vả.

Sắp đến Tết, bố mẹ ở nhà lại phải chuẩn bị nhiều thứ. Mọi năm em còn xin tiền mua quần áo, nhưng đến năm nay em nghĩ nếu mình tự lập được thì mình sẽ tự mua được những món đồ của mình thích thay vì xin bố mẹ như năm ngoái. Tết vui nhưng cũng áp lực".

Hứa hẹn một năm mới với những mục tiêu mới

Những chuyện đã qua đi thì chắc chắn không thể nào thay đổi. Chỉ vài ngày nữa, một năm mới lại đến. Những dự định chưa hoàn thành có thể để đến năm mới tiếp tục cố gắng.

Trưởng thành có nhiều thứ cần lo, nhưng dù sao Tết cũng là lúc để bản thân được quây quần bên gia đình và nhớ lại những kỷ niệm đẹp của một năm vừa qua.

Người trẻ sợ Tết vì nhiều mục tiêu của năm cũ còn dang dở - 2

Nhiều người cảm thấy bị áp lực mỗi khi Tết đến gần (Ảnh: NVCC).

Bạn Thu Bình, sinh viên năm thứ hai chia sẻ: "Mình thấy Tết đến nhanh quá. Một năm qua còn chưa làm được gì cả. Quay đi quay lại một tháng nữa là lại một cái Tết nữa đến rồi.

Dù một năm qua chưa làm được gì, nhưng mình nghĩ năm mới cũng sắp đến. Gạt mọi muộn phiền để chào đón năm mới với nguồn năng lực tích cực nhất.

Giờ không chỉ là người lớn lo về cái Tết, mà còn cả chúng mình những đứa đang trưởng thành cũng vậy. Mình cũng đã tự hứa năm mới đến, những mục tiêu mà bản thân đề ra nhất định mình sẽ thực hiện, không để năm sau lại phải tiếc nuối".

Bạn Hoàng Vũ, cũng là sinh viên năm thứ ba chia sẻ về những áp lực của mình: "Một năm qua đối với mình là một năm tốt hơn khi mà dịch Covid-19 đã không còn ảnh hưởng nhiều nữa.

Là một sinh viên thì việc học tập của mình đã tốt hơn khi mình đã chủ động học được nhiều, có thể lên lớp học trực tiếp cũng học như bên ngoài trường.

Người trẻ sợ Tết vì nhiều mục tiêu của năm cũ còn dang dở - 3

Hoàn thiện mình sau mỗi năm là điều Vũ mong muốn (Ảnh: NVCC).

Điều mình tiếc nuối nhất là phải chi rất nhiều tiền cho việc mua sắm đồ dùng công nghệ như máy tính điện thoại cá nhân của mình. Mong là sang năm ăn Tết xong đầu mình sẽ không chứa toàn bánh chưng nữa để còn dành làm các việc có ích cho bản thân mình hơn".