"Khoe thân" chụp ảnh trên tàu điện Cát Linh: Giới trẻ nói gì?

Văn Hiền - CTV

(Dân trí) - Nhóm thanh niên cởi trần "khoe thân" chụp ảnh trên tàu điện Cát Linh - Hà Đông để quảng cáo sản phẩm đã khiến dư luận bức xúc cho rằng rất phản cảm.

Mới đây, trên mạng xã hội đã lan truyền hình ảnh về nhóm nam thanh niên thản nhiên cởi trần, khoe thân, đứng trong khoang tàu điện Cát Linh - Hà Đông để tạo dáng, chụp ảnh quảng cáo sản phẩm. 

Khoe thân chụp ảnh trên tàu điện Cát Linh: Giới trẻ nói gì? - 1

Nhóm thanh niên cởi trần quảng cáo sản phẩm trên tàu điện và diễu hành trên phố (Ảnh: Văn Hiền).

Ngay sau khi hình ảnh được đăng tải đã nhận về phản ứng trái chiều trong dư luận. Đa phần bày tỏ sự bức xúc cho rằng đây là hành vi phản cảm, đặc biệt hành vi này lại diễn ra ở nơi công cộng là điều không thể chấp nhận được. 

Trung Đức (sinh năm 1997, Hoàn Kiếm) đã chỉ ra 3 cái sai của nhãn hàng khi sử dụng hình ảnh "xôi thịt" quảng cáo sản phẩm của mình. 3 sai đó bao gồm: Sai thời điểm, sai địa điểm, sai trang phục.

Đức nói: "Đẩy mạnh quảng cáo trong bối cảnh đổi mới kinh tế và sống chung với đại dịch Covid-19 là một trong những vấn đề quan trọng của nhiều doanh nghiệp.

Tuy nhiên, cứ ngỡ "liều ăn nhiều" bằng việc quảng cáo sản phẩm "xôi thịt" tại nơi công cộng sẽ chỉ nhận lại tác dụng ngược là sự bàn tán dư luận và thậm chí tẩy chay nhãn hàng".

"Trước khi đại dịch Covid-19 thì khách hàng sẽ thường ưu tiên những nhãn hàng biết quảng cáo để thỏa mãn thị giác. Nhưng sau khi dịch thì thứ họ cần chính là những nội dung phù hợp, lành mạnh và có văn hóa. Nếu sử dụng "xôi thịt" thiếu văn hóa như trên thì không nói đến chuyện vực dậy mà đổi lại là một đòn chí mạng cho doanh nghiệp lao đao trên bờ vực phá sản", Trung Đức khẳng định.

"Tàu điện Cát Linh - Hà Đông chính là một biểu tượng tượng trưng cho một thành phố văn minh và phát triển đô thị. Trang phục ông già Noel để gắn với tuổi thơ của các em nhỏ . Việc chọn địa điểm và trang phục để tạo ra những hình ảnh phản cảm thì cần lên án và nghiêm khắc cảnh cáo", Trung Đức cho biết.

Bạn Quang Huy chia sẻ: "Tất cả những thanh niên trong bộ ảnh và cả nhãn hàng quảng cáo đã tự khiến mình bị lỡ nhịp "chuyến tàu" phát triển văn hóa. Hành động và suy nghĩ này cần phải lên án, loại bỏ khỏi một môi trường văn hóa lành mạnh".

Trần Mạnh Tiến (26 tuổi, Nam Từ Liêm) cho rằng, sự việc nhóm thanh niên trên chính là tự đẩy mình xuống bờ vực của văn hóa. 

Ðể giới trẻ có được môi trường văn hóa lành mạnh, Mạnh Tiến cho rằng, cần tổ chức nhiều hoạt động thu hút giới trẻ tham gia các phong trào, hoạt động văn hóa có ý nghĩa. Nhà trường đẩy mạnh công tác giáo dục, giúp thanh, thiếu niên có kiến thức để phân biệt và tránh xa các loại văn hóa phẩm độc hại.

Các cơ quan chức năng cần quản lý, giám sát hoạt động mạng xã hội để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các biểu hiện, lối sống thiếu lành mạnh. Nghiêm khắc xử lý mọi hành vi lợi dụng không gian mạng để tuyên truyền văn hóa độc hại…