Đi bar liệu có xấu?

Mai Linh

(Dân trí) - Đối với nhiều người trẻ, bar là nơi tụ tập với bạn bè vui chơi lý tưởng và cũng không tiêu tốn quá nhiều tiền như mọi người lầm tưởng..

Quán bar có thể hiểu là quán phục vụ nước uống pha chế, có cồn (rượu, bia, cocktail…). Tại Việt Nam, quán bar chủ yếu hoạt động với hình thức vũ trường (hay còn gọi là hộp đêm) nơi các khách hàng có thể nhảy trên một sàn nhảy lớn theo các điệu nhạc, với công suất lớn do một DJ (người chỉnh nhạc) điều khiển. Bar, pub từ lâu đã trở nên không mấy xa lạ với giới trẻ Việt.

Đi bar liệu có xấu? - 1

(Ảnh minh họa: Vân Hương - Minh Hoàng)

Tuổi trẻ là phải vui hết mình

Tìm kiếm từ khóa "đi bar" trên Google ra hơn 6 triệu kết quả. Trong đó, rất nhiều hình ảnh, trang web mang nội dung xấu, cổ vũ ăn chơi không lành mạnh của một bộ phận giới trẻ hiện nay. Đặc biệt, sau một số sự việc không mong muốn xảy ra ở bar, thành kiến về bar và vũ trường đã nhiều, nay lại càng tăng thêm. Nặng nề hơn nữa, nhiều người còn nghĩ, quán bar chính là mầm mống cho các hoạt động tệ nạn xã hội: ma túy, mại dâm…

Vũ Minh (21 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: "Không thể không nghĩ quán bar là tụ điểm ăn chơi thiếu lành mạnh trong khi báo chí, thời sự hay thậm chí cả trên phim ảnh toàn đưa lên những hình ảnh bay lắc, tệ nạn. Nhìn những hình ảnh như vậy, đến những người trẻ chưa từng đi bar cũng khó có thể có cái nhìn thiện cảm.

Mình cũng chưa từng đi bar bao giờ và mình cũng không có ý định đi. Vì nếu đi bar chỉ để nhảy nhót giải tỏa căng thẳng thì mình sẽ tới quán cafe. Đi bar đối với mình là tốn kém. Hơn nữa, mình không thể chắc chắn 100% rằng mình sẽ không gặp những chuyện không hay ở đây".

Trong khi đó, Trần Phương Thảo (21 tuổi, Hà Nội) thẳng thắn: "Theo mình, đi bar không hề xấu như mọi người lầm tưởng. Tới đây, mình và bạn bè được thoải mái thể hiện bản thân và mở rộng thêm nhiều mối quan hệ và bạn bè tốt, không phải cứ lên bar, pub là chỉ tụ điểm những thành phần xấu.

Bạn bè mình đi học bên nước ngoài, khi về nước cũng thường tìm đến các quán bar để tụ tập. Không chỉ những cậu ấm, cô chiêu, các thành phần bất hảo mà rất nhiều trí thức, sinh viên, những người của công chúng cũng tìm tới nơi đây vui chơi, tổ chức sinh nhật".

"Còn một bộ phận đi bar ăn chơi thác loạn, chơi những chất kích thích như thuốc lắc, rồi mại dâm, say xỉn, chửi bới, gây sự đánh nhau thì mình không nói. Chính những thành phần như vậy làm mất thiện cảm của nhiều người khi nói về bar. Trên báo chí, truyền thông hay phim ảnh cũng thường phản ánh mặt xấu của bar, pub nên muốn nghĩ tốt cũng khó.", Phương Thảo cho biết thêm.

Đồng quan điểm với Phương Thảo, Vy Vân (19 tuổi, Hà Nội) cho biết, việc quy chụp bar và pub là tụ điểm không lành mạnh là không nên. "Chúng ta không thể đánh giá một người là hư hỏng chỉ vì họ đi chơi ở bar. Với mình, lên bar là để nhảy, nghe nhạc, tụ tập bạn bè giải tỏa căng thẳng sau một tuần đi học và làm việc mệt mỏi. Hơn nữa, tuổi trẻ là phải vui hết mình, trải nghiệm và sống đúng nghĩa "work hard, play hard" (làm hết mình, chơi hết sức)", Vy Vân giải thích.

Tại Hà Nội và TPHCM, càng ngày càng nhiều bar, pub được mở ra để phục vụ đông đảo giới trẻ có nhu cầu. Hầu hết mỗi quán đều có phong cách riêng phục vụ nhu cầu của khách hàng.

Đi bar liệu có xấu? - 2

Ảnh minh họa: Vân Hương - Minh Hoàng

Vui chơi phải biết cách giữ mình

Mới đây, UBND TP Hà Nội cho phép các quán bar được phép hoạt động trở lại từ 0h ngày 8/4/2022.

Hiện tại, các tụ điểm vui chơi này đã mở lại ở Hà Nội, nhiều bạn trẻ tỏ ý thỏa mãn, sẵn sàng làm việc vất vả để có tiền đi bar ăn chơi.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, một số bạn trẻ bày tỏ rõ sự vui mừng khi cuối cùng sau gần một năm im ắng của các quán xá và cuộc sống về đêm, các bạn cũng có dịp "quẩy".

Ngọc Trâm (22 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: "Mình thực sự rất phấn khích khi đọc được thông tin này, cuộc sống đang từng bước quay trở về với nhịp sống trước đó. Cuối cùng thì sau một năm "tự kỷ", mình cũng được tận hưởng lại cảm giác vui chơi trên bar. Mình đã rủ bạn bè cùng tới "quẩy" sau một tuần làm việc và học tập căng thẳng".

"Tuy vậy mình cho rằng, work hard, play hard cũng cần phải biết cách giữ mình. Nhiều bạn trẻ "vui quá đà" dẫn tới việc "quá chén", say bí tỉ ở quán bar. Cuối cùng đi giải tỏa căng thẳng lại thành "rước ngược" cái mệt vào người. Rút kinh nghiệm từ chính mình, sau một lần say bí tỉ, mình lên bar chỉ uống 1-2 chén cho vui rồi nghe nhạc và nhảy nhót là chính", Trâm thẳng thắn.

Hà My (19 tuổi, Hà Nội) vui mừng: "Đọc được thông tin các quán bar và karaoke được phép mở cửa trở lại, mình tranh thủ tụ tập bạn bè luôn. Mình là người thích sự vui vẻ và náo nhiệt trong các quán bar nên thông tin này làm mình rất hào hứng. Mình chắc chắn mình sẽ là một trong những bạn có mặt trên bar ngay những ngày đầu ngành nightlife được "giải phóng".