Bạn trẻ tranh luận: Tính cách hướng nội và nhút nhát khác nhau như thế nào

Mai Quỳnh Anh

(Dân trí) - Người nhút nhát thường là người hướng nội, tuy nhiên người hướng nội không phải ai cũng nhút nhát. Rất nhiều bạn trẻ hướng nội vẫn rất tự tin và mạnh dạn thể hiện cá tính riêng.

Người hướng nội thường có xu hướng nhút nhát, sống thu mình

Nhắc đến người hướng nội, thường chúng ta nghĩ đến những người sống thu mình, khép kín, hạn chế giao tiếp với những người xung quanh. Chính vì vậy, người hướng nội thường được cho là những người nhút nhát, giao tiếp kém. Thậm chí, một số người đã tự đánh mất những cơ hội vì bản tính nhút nhát, khó hòa nhập với những người xung quanh.

Tự nhận là một người hướng nội, bạn Phạm Thùy Linh (sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội) từng đánh mất nhiều cơ hội vì sự nhút nhát của mình.

Nữ sinh chia sẻ: "Việc sống khép kín đã khiến mình bỏ lỡ nhiều cơ hội để hòa nhập với mọi người trong các hoạt động ngoại khóa, mình cũng không dám thể hiện quan điểm hay ý tưởng cá nhân.

Mình muốn làm quen nhiều hơn nhưng không dám bắt chuyện, trong cuộc trò chuyện mình thường rất đề phòng hoặc không biết phải nói gì. Mình đã thử thay đổi, nhưng trong quá trình ấy mình luôn bị căng thẳng liên tiếp và thấy không yên tâm".

Thùy Linh cũng hiểu rằng, nếu bản thân tự tin hơn thì sẽ nắm bắt được nhiều cơ hội hơn.

"Mình luôn nghĩ nếu bản thân cởi mở hơn thì cuộc sống sẽ ý nghĩa hơn, mình sẽ được làm mọi điều mình muốn, dám thể hiện bản thân và được vấp ngã, trưởng thành như bao người. Mình vẫn đang nỗ lực để phá bỏ vỏ bọc mình tự tạo ra nhưng đây là một quá trình rất khó khăn cũng như đòi hỏi sự lâu dài", cô bạn chia sẻ.

Hướng nội và nhút nhát không phải là một

Cũng như Thùy Linh, Trần Nguyễn Bảo Tâm (sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cũng là một bạn trẻ hướng nội. Tuy nhiên, Bảo Tâm có phần tự tin và mạnh dạn hơn.

Bạn trẻ tranh luận: Tính cách hướng nội và nhút nhát khác nhau như thế nào - 1
Với Bảo Tâm, hướng nội không phải bất lợi, cũng không phải là nhút nhát

Cô bạn cho rằng hướng nội không phải là bất lợi, cũng không phải nhút nhát: "Trước đây, mình còn nhiều tự ti và không nhận thức được giá trị của riêng mình nên cho rằng hướng nội là bất lợi. Nhưng bây giờ, mình không cảm thấy điều gì là bất lợi cả, bởi vì mình nhận thức được hướng nội khác với nhút nhát, thiếu tự tin".

"Mình nghĩ là tính cách hướng nội có nhiều thuận lợi hơn, không mang lại bất lợi và quan trọng là đáp ứng được mục tiêu lớn nhất của mình là cảm thấy vui vẻ, thoải mái, là chính mình", nữ sinh chia sẻ.

Là một bạn trẻ hướng ngoại và thích giao tiếp, Hà Khánh Linh (sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho rằng: "Thường người hướng nội thường sẽ có xu hướng tự ti và nhút nhát. Nhưng mình có một người bạn hướng nội và bạn ấy có thể tự tin lúc bạn ấy muốn.

Hồi trước mình thấy hướng nội là không tốt, họ sống khép kín chẳng thể biết được chính xác họ là người thế nào. Nhưng suy nghĩ của mình đã thay đổi, không quá quan trọng chúng ta là người hướng nội hay hướng ngoại, chỉ cần mình thấy vui với cuộc sống của mình là được".

Người hướng nội thường có những mối quan hệ chất lượng

Khánh Linh khẳng định, những người hướng nội dù không giao tiếp nhiều nhưng họ luôn có những mối quan hệ chất lượng. Với cô bạn, hướng nội là một phong cách sống và chúng ta nên tôn trọng lối sống của họ.

Bạn trẻ tranh luận: Tính cách hướng nội và nhút nhát khác nhau như thế nào - 2

Khánh Linh cho rằng những người hướng nội thường sẽ có những mối quan hệ chất lượng.

"Ấn tượng đầu tiên của mình về những bạn hướng nội là lạnh lùng và khó gần. Tuy nhiên, mình thấy nhiều người không coi sự hướng nội của họ là bất lợi, họ thấy vui và tận hưởng cảm giác được ở một mình. Có thể chúng ta thấy họ cô đơn nhưng thực chất họ không nghĩ như vậy. Thông thường người hướng nội ít bạn bè, nhưng đó đều là những người bạn chất lượng", Linh tâm sự.

Bảo Tâm cho rằng việc người hướng nội có thể giao tiếp tốt và quen biết nhiều phụ thuộc vào khả năng giao tiếp và khả năng nhìn nhận bản thân của họ. Cũng như Hà Khánh Linh, cô bạn cho rằng những người hướng nội quan trọng chất lượng hơn số lượng, không có nhu cầu kết giao quá nhiều.