Bạn trẻ quen "quẹt thẻ" ở thành phố, về quê loay hoay tiêu tiền mặt

Bùi Sáng

(Dân trí) - Giới trẻ gặp phải khá nhiều tình huống "dở khóc dở cười" khi về quê ăn Tết bởi đã quen với sinh hoạt hàng ngày tại thành phố.

Giới trẻ nhắc nhau nhớ rút tiền mặt trước khi về quê

Những ngày gần đây, trên mạng xã hội, các bạn trẻ đang nhắc nhở lẫn nhau việc đi rút tiền mặt trước khi về quê ăn Tết, tránh trường hợp bị mắng oan vì lý do muốn thanh toán không dùng tiền mặt (hình thức sử dụng các phương tiện thanh toán điện tử ứng dụng công nghệ số như: Ví điện tử, mobile banking, internet banking, thanh toán không chạm...) ở quê nhà.

Bởi lẽ, việc thanh toán không dùng tiền mặt là hình thức khá phổ biến ở thành phố. Tuy nhiên, ở nhiều miền quê, hình thức này vẫn chưa thật sự phổ biến bằng giao dịch tiền mặt.

Bạn trẻ quen quẹt thẻ ở thành phố, về quê loay hoay tiêu tiền mặt - 1

Bài viết trên diễn đàn mạng xã hội nhắc nhở mọi người đi rút tiền trước khi về quê nhận được lượng tương tác rất cao (Ảnh chụp màn hình).

Dưới những bài đăng, mọi người đều bàn luận rất sôi nổi và nhắc tên bạn bè mình vào để nhắc nhở, tránh tình trạng bị mắng oan khi đi mua đồ ở quê.

Trao đổi về việc sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử, bạn Hoàng Phúc (sinh viên năm 2 Trường Đại học Bách Khoa, ĐHQG TP.HCM) cho biết: "Từ sau khi mình lên học đại học, mình bắt đầu ít xài tiền mặt dần và chuyển sang hình thức thanh toán điện tử vì mình nhận thấy nó tiện lợi và an toàn hơn rất nhiều so với cầm theo một số tiền lớn bên người.

Mình có thể tránh được những rủi ro như mất cắp, rách hoặc nhầm lẫn khi trả một khoản tiền lớn, số lẻ. Ngoài ra, mình còn có cơ hội nhận được nhiều ưu đãi từ người bán cũng như ngân hàng khi thường xuyên được giảm giá bởi các chương trình khuyến mãi".

"Trước khi về quê mình cũng đã rút sẵn một ít tiền để tiêu xài cá nhân vì mình biết ở quê còn hạn chế việc thanh toán điện tử. Về quê mà đòi chuyển khoản không khéo lại bị mấy cô bán hàng chửi vuốt mặt không kịp. Mình rút cũng tầm 500.000 đồng thôi vì ở nhà còn "ATM gia đình" nên không phải lo".

"Sơ hở là đòi chuyển khoản"

Cùng với đó, một số bạn trẻ khác cũng đã chia sẻ những câu chuyện "dở khóc dở cười" mà mình gặp phải xoay quanh sự bất tiện khi lỡ quên mang tiền mặt và muốn thanh toán điện tử ở quê nhà.

Bạn trẻ quen quẹt thẻ ở thành phố, về quê loay hoay tiêu tiền mặt - 2
Một bạn trẻ đăng trên diễn đàn của sinh viên về câu chuyện trớ trêu mà mình vừa gặp phải (Ảnh chụp màn hình).

"Đi rửa xe thấy anh kia hỏi chú chủ tiệm có chuyển khoản không do anh ấy quên mang tiền mặt, nghe xong chú nhăn mặt kêu không có đâu lo mà đi mượn tiền trả cho chú. Lúc sau, anh ấy mượn được của bạn kia 35.000 đồng trả chú rồi đi về.

Sau khi anh ấy về rồi mình mới nghe chú nói là chú có tài khoản mà thấy bọn trẻ bây giờ sao sơ hở chút là đòi chuyển khoản này kia thấy ghét quá nên không cho trả thôi. Mình nghe mà thấy ngại theo luôn", Tường Vi thuật lại.

Chị Kim Anh tâm sự: "Mình mới đi làm móng tay hết 15.000 đồng nhưng không đem theo tiền mặt, mình hỏi bà chủ có chuyển khoản được không thì bà ấy kêu "thôi tôi tặng cô luôn đó, khỏi chuyển hay gì đi…", lúc đó mình quê lắm, nên mọi người nhớ có sao đi nữa cũng ráng cầm theo tiền mặt khi ra đường nhé".

"Hôm qua đi mua trà sữa, hỏi anh bán trà sữa có quét mã thanh toán được không do em chỉ mang đủ tiền mua có một ly thôi thì anh nói: "Cứ uống đi, chừng nào đi ngang qua thì trả, lo gì" nghe dễ thương thật sự", bạn Tuyết Mai chia sẻ.

Dưới phần bình luận, tài khoản có tên Nguyễn Hoàng Anh đã mách mọi người một mẹo không cần mang tiền cũng không sợ bị chửi, "chỉ cần nói chủ quán biết con cái nhà ai, ở đâu rồi về báo bố mẹ mang tiền ra trả là được".

Bên cạnh đó, một số bạn đã chứng minh quê hương mình không hề kém phần hiện đại khi ngay cả chị bán rau cũng sẵn sàng nhận tiền chuyển khoản.

Bạn trẻ quen quẹt thẻ ở thành phố, về quê loay hoay tiêu tiền mặt - 3

Thanh toán điện tử đang ngày càng trở nên phổ biến (Ảnh: K.D).

Bạn Thanh Trúc cho biết: "Hôm trước, mình đi chợ quên mang theo tiền mặt nên có hỏi thử chị bán rau xem có nhận chuyển khoản qua ứng dụng ví điện tử không để đỡ phải quay về nhà lấy tiền thì chị trả lời "Ok em, để chị đọc số" rất nhanh gọn luôn".

"Ra tạp hóa mua lốc sữa cho em 25.000 đồng hỏi cô chủ quán có chuyển khoản không, cô nhẹ nhàng rút trong túi chiếc Iphone 14 Pro màu tím ra rồi nói "Chuyển Sacombank cho cô con nhé", tự nhiên thấy cô ngầu ghê", Thanh Hiền kể lại.

Bạn Trần Thương còn cho biết: "Ở chỗ mình, mấy cô bán hàng rong còn có cả mã QR luôn rồi".

Theo đó, một số ý kiến cho rằng các bạn trẻ nên tự điều chỉnh sao cho hợp lý tùy theo nơi ở, không nên mang lối sống ở thành thị áp dụng cho vùng quê, tránh cho những trường hợp làm "khó mình, khó người".