5/10 tài năng trẻ đoạt giải Quả Cầu Vàng sở hữu bằng độc quyền sáng chế

Mai Châm

(Dân trí) - Số lượng nhà khoa học, tài năng trẻ có phát minh, sáng chế tầm cỡ quốc gia, quốc tế tăng mạnh là dấu ấn của giải thưởng Quả Cầu Vàng năm 2021.

Giải thưởng Quả Cầu Vàng được xét trao cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong khoa học công nghệ, là công dân Việt Nam không quá 35 tuổi, đang học tập, nghiên cứu, làm việc ở trong hoặc ngoài nước.

5/10 tài năng trẻ đoạt giải Quả Cầu Vàng sở hữu bằng độc quyền sáng chế - 1

Anh Bùi Quang Huy - Bí thư Trung ương Đoàn TNCS HCM phát biểu tại buổi lễ trao giải thưởng Quả Cầu Vàng năm 2021. Anh đánh giá cao và ghi nhận nỗ lực của các tài năng trẻ miệt mài nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất và cuộc sống.

Năm nay, giải thưởng được triển khai rộng rãi đến thanh niên trong và ngoài nước và là năm thứ ba các ứng viên đăng ký tham gia xét giải thưởng bằng hình thức trực tuyến tại Cổng thông tin điện tử Tài năng trẻ Quốc gia.

So với những năm trước, số lượng hồ sơ tăng lên, đặc biệt là các ứng viên đang học tập, công tác ở nước ngoài (26 hồ sơ) đến từ các cơ sở đào tạo, nghiên cứu uy tín ở Hàn Quốc, Australia, Pháp, Nhật Bản và Bỉ.

Năm nay, chất lượng hồ sơ tương đối đồng đều ở các lĩnh vực và có số lượng hồ sơ tăng mạnh ở lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số và tự động hóa, công nghệ vật liệu mới.

Để góp phần tăng cường tính chính xác, minh bạch trong việc đăng ký hồ sơ xét chọn, đơn vị thường trực giải thưởng đã phát triển nền tảng đăng ký trực tuyến với các tính năng tự động rà soát minh chứng, tự động chấm điểm hồ sơ theo tiêu chí của giải thưởng. Điều này đã giúp Ban thư ký, Hội đồng Giải thưởng thuận lợi trong việc đánh giá các hồ sơ, góp phần đánh giá chính xác nhất năng lực của các ứng viên.

Hầu hết các hồ sơ có chất lượng cao với nhiều thành tích xuất sắc, trong đó có nhiều cá nhân có bằng sáng chế, giải pháp hữu ích, chủ nhiệm đề tài khoa học công nghệ cấp quốc gia, quốc tế được ứng dụng thực tế đem lại hiệu quả thiết thực, có nhiều công bố quốc tế có chất lượng thuộc danh mục Q1, nhiều giải thưởng, huy chương trong nước và quốc tế. 

5/10 tài năng trẻ đoạt giải Quả Cầu Vàng sở hữu bằng độc quyền sáng chế - 2

Trao giải thưởng Quả Cầu Vàng cho những cá nhân có thành tích xuất sắc trong khoa học công nghệ năm 2021. Do điều kiện dịch bệnh, một số người không thể tham gia lễ trao giải trực tiếp.

Cụ thể, thành tích của 10 cá nhân đoạt giải thưởng Quả Cầu Vàng 2021:

1. TS. Nguyễn Thanh Bình, SN 1986 (Trưởng bộ môn Ứng dụng Tin học, Khoa Toán - Tin học, Trường ĐH KHTN - ĐHQG TPHCM), có 1 bằng độc quyền sáng chế quốc tế và 3 bằng sáng chế khác đang trong giai đoạn xét duyệt; 8 bài báo khoa học đã công bố trên tạp chí khoa học quốc tế, trong đó 5 bài báo thuộc danh mục Q1 (3 bài là tác giả chính), 3 bài báo thuộc danh mục Q2 (1 bài là tác giả chính), 1 bài báo khoa học công bố trên tạp chí khoa học trong nước; 46 bài báo khoa học đã công bố trên hội thảo khoa học quốc tế. TS Bình chủ trì 1 đề tài cấp Cơ sở đã nghiệm thu đạt yêu cầu; hướng dẫn thành công 1 tiến sĩ, 5 thạc sĩ.

2. TS. Phạm Quốc Việt, SN 1990 (Giáo sư hợp đồng - contract professor, ĐH Quốc gia Busan, Hàn Quốc), có 59 bài báo khoa học đã công bố trên tạp chí khoa học quốc tế, trong đó: 49 bài báo thuộc danh mục Q1 (15 bài là tác giả chính), 9 bài báo thuộc danh mục Q2 (5 bài là tác giả chính), 1 bài báo thuộc danh mục Q3; 3 bài báo khoa học đã công bố trên tạp chí khoa học trong nước (1 bài là tác giả chính); 32 bài báo khoa học đã công bố trên hội thảo khoa học quốc tế. TS. Việt chủ trì đề tài hợp tác quốc tế đã nghiệm thu đạt yêu cầu; tác giả của 3 chương sách phục vụ đào tạo được NXB uy tín trên thế giới xuất bản (Chuẩn ISSN); hướng dẫn thành công 2 tiến sĩ, 5 thạc sĩ.

3. ThS. Lê Hoàng Quỳnh, SN 1987 (giảng viên ĐH Công nghệ - ĐHQG Hà Nội), có 2 bằng độc quyền sáng chế quốc gia; 3 bài báo khoa học đã công bố trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc danh mục Q1 (1 bài là tác giả chính); 22 bài báo khoa học đã công bố trên hội thảo khoa học quốc tế. ThS Quỳnh đạt các giải thưởng quốc tế được tổ chức bởi các cộng đồng nghiên cứu uy tín: Top 1 trong nước, top 3% thế giới cuộc thi Women in Data Science (WiDS) Datathon 2021; Rank 2 cuộc thi MEDIQA 2021 - Multi-Answer Summarization (nằm trong chuỗi workshop BioNLP, chuỗi workshop hàng đầu trong lĩnh vực xử lý ngôn ngữ tự nhiên)…

4. TS. Trương Thanh Tùng, SN 1989 (Trưởng nhóm nghiên cứu thuốc mới, Viện Nghiên cứu tiên tiến Phenikaa, giảng viên Khoa Dược, Trường ĐH Phenikaa), có 1 bằng sáng chế quốc tế; 19 bài báo khoa học đã công bố trên tạp chí khoa học quốc tế, trong đó: 14 bài báo thuộc danh mục Q1 (9 bài là tác giả chính), 2 bài báo thuộc danh mục Q2 (1 bài là tác giả chính), tác giả chính 2 bài báo thuộc danh mục Q3, tác giả chính 1 bài báo thuộc danh mục Q4/Scopus. TS Tùng chủ trì 1 đề tài cấp cơ sở đã nghiệm thu đạt yêu cầu; tham gia phản biện cho 20 tạp chí top đầu của hệ thống của các nhà xuất bản Nature, springer Nature, elsevier, wiley...

5. TS.BS. Đào Việt Hằng, SN 1987 (Phó Giám đốc Trung tâm Nội soi can thiệp, Bệnh viện ĐH Y Hà Nội, giảng viên ĐH Y Hà Nội), có 5 bài báo khoa học đã công bố trên tạp chí khoa học quốc tế, trong đó, tác giả chính 2 bài báo thuộc danh mục Q1; 65 bài báo khoa học đã công bố trên tạp chí khoa học trong nước (43 bài là tác giả chính). TS. Hằng chủ trì 4 đề tài cấp cơ sở đã nghiệm thu đạt yêu cầu; tác giả của 2 sách giáo trình, 1 sách tham khảo được NXB uy tín phát hành và 1 chương sách phục vụ đào tạo chuẩn ISSN.

6. TS. Đỗ Phúc Huyền, SN 1986 (Phó Giám đốc Viện Kinh tế và Công nghệ y tế (iHeat), có 25 bài báo khoa học đã công bố trên tạp chí khoa học quốc tế, trong đó,13 bài báo thuộc danh mục Q1 (7 bài là tác giả chính), 9 bài báo thuộc danh mục Q2; 2 bài báo khoa học công bố trên tạp chí khoa học trong nước; 10 bài báo khoa học đã công bố trên hội thảo khoa học quốc tế. TS Huyền chủ trì 1 đề tài cấp Cơ sở và 1 đề tài hợp tác quốc tế đã nghiệm thu đạt yêu cầu.

Năm 2021,TS Huyền đạt giải thưởng cho nghiên cứu viên trẻ tuổi tại Hội nghị Toàn cầu về Dịch tễ học, Hiệp hội Dịch tễ học Quốc tế.

7. TS. Ninh Thế Sơn, SN 1988 (Phó trưởng Phòng Hóa sinh ứng dụng, Viện Hóa học, Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) có 2 giải pháp hữu ích quốc gia; 43 bài báo khoa học đã công bố trên tạp chí khoa học quốc tế, trong đó: 6 bài báo thuộc danh mục Q1 (5 bài là tác giả chính), 21 bài báo thuộc danh mục Q2 (14 bài là tác giả chính); 18 bài báo khoa học đã công bố trên tạp chí khoa học trong nước (3 bài là tác giả chính). Anh Sơn chủ trì 1 đề tài cấp cơ sở đã nghiệm thu đạt yêu cầu; đạt giải thưởng Nhà khoa học trẻ tiêu biểu lần thứ 3 năm 2020; hướng dẫn thành công 1 thạc sĩ, 7 cử nhân.

8. ThS. Hồ Xuân Vinh, SN 1987 (Phó Giám đốc Công ty TNHH Hồ Hoàn Cầu, xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An), có 1 bằng độc quyền sáng chế và 3 giải pháp hữu ích quốc gia; chủ trì 6 đề tài cấp cơ sở và 1 đề tài hợp tác quốc tế đã nghiệm thu đạt yêu cầu.

9. TS. Nguyễn Trọng Hiếu, SN 1988 (Nghiên cứu viên, giảng viên cao cấp, Trường ĐH Quốc gia Australia), có 67 bài báo khoa học đã công bố trên tạp chí khoa học quốc tế, trong đó: 58 bài báo thuộc danh mục Q1 (24 bài là tác giả chính), 6 bài báo thuộc danh mục Q2 (2 bài là tác giả chính); 15 bài báo khoa học đã công bố trên hội thảo khoa học quốc tế, trong đó: 1 báo cáo khoa học xuất sắc tại hội thảo quốc tế (Oral presentation), 1 poster khoa học xuất sắc tại hội thảo quốc tế (Poster presentation), 13 báo cáo khoa học đăng toàn văn trong kỷ yếu hội thảo/hội nghị quốc tế (6 bài là tác giả chính). TS. Hiếu chủ trì 4 đề tài cấp Bộ và tương đương đã nghiệm thu đạt yêu cầu.

10. TS. Phạm Văn Trình, SN 1986 (Nghiên cứu viên chính, Viện Khoa học Vật liệu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), có 1 bằng độc quyền sáng chế và 1 giải pháp hữu ích quốc gia; 48 bài báo khoa học đã công bố trên tạp chí khoa học quốc tế, trong đó: 20 bài báo thuộc danh mục Q1 (12 bài là tác giả chính), 13 bài báo thuộc danh mục Q2 (10 bài là tác giả chính); 10 bài báo khoa học đã công bố trên tạp chí khoa học trong nước (4 bài là tác giả chính); 6 bài báo khoa học đã công bố trên hội thảo khoa học quốc tế, trong đó: tác giả chính 1 poster khoa học xuất sắc. TS. Trình chủ trì 7 đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó: 1 đề tài cấp Nhà nước, 2 đề tài cấp Bộ và 4 đề tài cấp cơ sở đã nghiệm thu đạt yêu cầu.

Năm 2021, giải thưởng Quả Cầu Vàng được đổi tên là giải thưởng Khoa học công nghệ Quả Cầu Vàng, điều chỉnh lĩnh vực "công nghệ thông tin và truyền thông" thành "công nghệ thông tin, chuyển đổi số và tự động hóa" và ưu tiên xét chọn các ngành thuộc danh mục các lĩnh vực khoa học công nghệ ưu tiên quốc gia đến năm 2030 của Chính phủ.

Việc điều chỉnh này sẽ góp phần định hướng, thúc đẩy thế hệ trẻ nghiên cứu, ứng dụng và khởi nghiệp trong lĩnh vực khoa học công nghệ chiến lược quốc gia, tích cực chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số, xã hội số, kinh tế số, chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư theo chủ trương của Đảng, Nhà nước, của Chính phủ. Như vậy, từ năm 2021, 5 lĩnh vực xét giải thưởng là: Công nghệ thông tin, chuyển đổi số và tự động hóa; Công nghệ y - dược; Công nghệ sinh học; Công nghệ môi trường và Công nghệ vật liệu mới.

Sau gần 3 tháng phát động, Ban Tổ chức giải thưởng đã nhận được 66 hồ sơ, đề cử của 27 cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trong cả nước và Đại sứ Quán Việt Nam, Hội Thanh niên, Sinh viên Việt Nam ở nước ngoài, trong đó: lĩnh vực Công nghệ thông tin, chuyển đổi số và tự động hóa có 17 hồ sơ, lĩnh vực Công nghệ sinh học có 10 hồ sơ, lĩnh vực Công nghệ môi trường có 9 hồ sơ, lĩnh vực Công nghệ y - dược có 8 hồ sơ và lĩnh vực Công nghệ vật liệu mới có 22 hồ sơ. Tham gia xét giải thưởng Quả Cầu Vàng năm nay có 55 nam, 11 nữ; 01 thanh niên dân tộc thiểu số (Dân tộc Hoa); 46 tiến sĩ, 20 thạc sĩ, 07 sinh viên; ứng viên nhỏ tuổi nhất sinh năm 2003 (18 tuổi), lớn tuổi nhất sinh năm 1986 (35 tuổi).