1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Thưởng Tết: Miếng khi đói bằng gói khi no... trong bối cảnh Covid-19

Phạm Công

(Dân trí) - Đối với một số người, thưởng Tết có thể là một món quà. Nhưng với nhiều công nhân, đây là một khoản tiền quan trọng để về quê đón Tết, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh suốt cả năm nay.

Mong thưởng từng ngày

Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Sửu, chị Nguyễn Thị Thúy, quê ở Mỹ Đức, Hà Nội - công nhân tại KCN Bắc Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) - chia sẻ: "Mọi năm cách Tết khoảng 2 tháng, công ty tôi thông báo thưởng, đi làm rất phấn khởi. Năm nay chưa thấy động tĩnh gì, tôi e rằng không có thưởng".

Thưởng Tết: Miếng khi đói bằng gói khi no... trong bối cảnh Covid-19 - 1

Chị Nguyễn Thị Thúy vẫn đang hàng ngày chờ đợi thông tin thưởng Tết

Sau dịch Covid-19, công ty nơi chị Nguyễn Thị Thúy làm việc không phải sa thải công nhân, nhưng giờ làm bị cắt giảm một nửa. Hai vợ chồng cùng làm công nhân, sau dịch, thu nhập giảm đáng kể khiến kinh tế gia đình chị vô cùng khó khăn.

"Thu nhập cả hai vợ chồng tôi mới được hơn 10 triệu đồng, chi phí sinh hoạt cùng gửi về quê nuôi 2 con nhỏ, phải thắt lưng buộc bụng mới đủ. Bằng giờ này năm 2019, công ty tăng ca, thông báo thưởng bằng 1 tháng lương. Chúng tôi đi làm ai cũng háo hức" - chị Nguyễn Thị Thúy tâm sự.

Cùng công ty với chị Nguyễn Thị Thúy, chị Hoàng Quỳnh Trang quê ở Hạ Hòa, Phú Thọ lắc đầu khi nhắc đến thưởng Tết: "Tôi chỉ mong có việc làm ổn định đến cuối năm. Năm nay dịch bệnh, công nhân mới như tôi có thưởng Tết thì khó lắm".  

Được biết, trước đây chị Hoàng Quỳnh Trang nằm trong diện bị cắt giảm nhân sự do dịch Covid-19 tại một công ty sản xuất bao bì tại KCN Quang Minh (Sóc Sơn, Hà Nội). Khoảng 3 tháng trước, chị mới xin được việc và đi làm trở lại.

Theo chị Hoàng Quỳnh Trang, thưởng Tết cho công nhân tuy rằng không được nhiều, nhưng rất quan trọng và càng có ý nghĩa hơn trong năm nay. Nhiều công nhân coi đó là những tấm vé tàu về quê, bánh chưng hay quà về tặng người thân trong gia đình.

"Chúng tôi mong nhận được thông báo thưởng Tết từng ngày. Mỗi ngày lên công ty đều thấy mọi người rất mong mỏi" - chị Hoàng Quỳnh Trang nói.

Không có thưởng là không có Tết

Có thâm niên 8 năm làm công nhân tại KCN Bắc Thăng Long, anh Trần Văn Đức, quê ở Đô Lương, Nghệ An cho hay: "Mọi năm, cứ cuối năm là chúng tôi tăng ca tối ngày, hơi vất vả nhưng đổi lại thu nhập cao. Công ty nhiều việc nên thưởng Tết mỗi năm tôi cũng được gần chục triệu đồng, năm nay thì chỉ mong có việc để tăng ca chứ chưa nghĩ đến thưởng Tết".

Thưởng Tết: Miếng khi đói bằng gói khi no... trong bối cảnh Covid-19 - 2

Anh Trần Văn Đức cho rằng, thưởng chính là Tết của gia đình

Sau khi nhận trợ cấp và lương thưởng, thu nhập của anh những tháng cận Tết có thể lên 9 triệu đồng, nhưng năm nay, số tiền đó đã giảm quá một nửa. Vợ mới sinh con nhỏ, gánh nặng về kinh tế những ngày cuối năm đang đè nặng lên đôi vai của anh.

Theo anh Trần Văn Đức, khi dịch bệnh ổn định, công nhân chỉ mong được tăng ca, nhưng mong muốn đấy không thành hiện thực, hy vọng năm sau bức tranh về kinh tế sáng hơn để được tăng ca. Không chỉ anh Trần Văn Đức mà còn nhiều công nhân khác cùng công ty, chỉ còn mong chờ vào thưởng Tết để có thêm tiền trang trải cho cuộc sống.

Bày tỏ mong muốn của mình, anh Trần Văn Đức nói: "Tôi chỉ mong năm nay được thưởng Tết bằng mọi năm. Số tiền thưởng có thể giúp gia đình tôi có một cái Tết "có bánh chưng". Nếu không có thưởng, có lẽ gia đình tôi năm nay không có Tết.

Theo anh Trần Văn Đức, chi tiêu của công nhân luôn theo một tiêu chí, chỉ được giảm, không được tăng. Bởi vậy, năm nay đã không được tăng ca, tiền lương cũng  ít đi khiến họ chỉ còn cách căn bớt chi phí ăn uống. Dịp tết sắp đến gần, việc chi tiêu, mua sắm đang trở thành bài toán khó với công nhân.

Thưởng Tết: Miếng khi đói bằng gói khi no... trong bối cảnh Covid-19 - 3

Nhiều công nhân vẫn đang mong mỏi từng ngày 

Không chỉ có anh Đức, chị Thúy, chị Trang mà nhiều công nhân đang mong ngóng từng ngày về việc công ty thông báo thưởng Tết. Trước thực tế đó Liên đoàn lao động thành phố Hà Nội đã sớm xây dựng kế hoạch chăm lo Tết cho đoàn viên, người lao động đảm bảo cho mọi công nhân, lao động được đón Tết với tinh thần vui tươi, phấn khởi, an toàn, thiết thực.

Trích 10 tỷ đồng chi cho dịp Tết Nguyên đán

Liên đoàn lao động thành phố Hà Nội dự kiến trích khoảng 10 tỷ đồng hỗ trợ công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn đón Tết Tân Sửu.

Trong đó, 6 tỷ đồng tiền mặt sẽ được trao cho 6.000 công nhân có hoàn cảnh đặc biệt. Đồng thời, tổ chức 40 chuyến xe ô tô đưa 1.600 công nhân khó khăn, mang thai và có con nhỏ về quê ăn tết. LĐLĐ TP Hà Nội dự kiến tổ chức chương trình Tết sum vầy 2021 tại KCN Bắc Thăng Long dự kiến thu hút gần 1.200 công nhân tham gia.

Ngoài ra, LĐLĐ TP Hà Nội sẽ kêu gọi xã hội hóa các nguồn lực của tổ chức, doanh nghiệp đồng hành cùng với công đoàn các cấp chăm lo Tết cho công nhân lao động.