1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

“Sẽ tập trung đào tạo lao động chất lượng cao”

(Dân trí) - “Chúng tôi chưa bao giờ tuyên bố rằng đây là dự án 1 tỷ USD mà chỉ nói rằng Chính phủ có thể dành mức này hoặc hơn để chúng ta hỗ trợ cho thanh niên học nghề, tạo việc làm”, ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Trưởng ban thanh niên Công nhân và đô thị - TƯ đoàn, người đã chắp bút soạn thảo đề án hỗ trợ cho thanh niên học nghề, tạo việc làm - khẳng định.

Nói đến dạy nghề ở Việt Nam, người ta nghĩ ngay đến việc sẽ lại đào tạo lực lượng lao động phổ thông và ngắn hạn?

 

Thủ tướng khi giao cho chúng tôi thực  hiện đề án này cũng xuất phát từ bức xúc rất nhiều doanh nghiệp lớn khi đầu tư vào đây không có lao động kỹ thuật cao. Lợi thế về nhân công giá rẻ không còn vì giá trị gia tăng rất thấp. 

 

Bởi vậy, đề án này sẽ tập trung chủ yếu vào nghề dài hạn chất lượng cao, ổn định và bền vững chứ không phải chỉ dạy nghề ngắn hạn để có việc làm. Đề án ưu tiên những nghề xã hội có nhu cầu nhưng người học cần đầu tư lớn. Và các doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi từ dự án này vì họ sẽ có nguồn nhân lực chất lượng tốt. 

 

Tại thời điểm này, khi mà chỉ còn hơn 1 tháng nữa theo dự kiến, đề án sẽ được chính phủ phê duyệt, về phía TƯ Đoàn còn băn khoăn điều gì?

 

Đến thời điểm này, chúng tôi không lo tới vấn đề triển khai nữa mà lo làm sao để xã hội và thanh niên hiểu được đề án này. Vì trên thực tế hiện còn rất nhiều ý kiến trong xã hội chưa hiểu rõ về đề án này mà cứ bảo không làm được dù chưa biết nó là gì. Vì vậy công tác tuyên truyền về đề án này là vô cùng quan trọng, hiểu đúng thì mới có thể làm đúng và hiệu quả. Nếu nói khó không, thì đúng là khó. Nhưng nếu khó mà không làm thì sẽ không bao giờ thành công.

 

Nhưng tuy nhiên, với việc đảm đương đề án 1 tỷ USD dành cho đào tạo nghề và giải quyết việc làm sẽ không tránh khỏi sự nghi ngờ về việc có thể thực hiện hiệu quả và không gây thất thoát?

 

Chúng tôi chưa bao giờ tuyên bố rằng đây là dự án 1 tỷ USD mà chỉ nói rằng Chính phủ nói có thể dành mức này hoặc hơn để chúng ta hỗ trợ cho thanh niên học nghề, tạo việc làm. 1 tỷ USD hoặc ít hơn, nhiều hơn là phụ thuộc vào nhu cầu vay vốn và khả năng giải ngân. 

 

Nhưng chúng tôi khẳng định rằng Đề án này sẽ giúp thanh niên vay vốn học nghề, giải quyết việc làm. Lý do là vì đề án giải quyết tận gốc chứ không phải chỉ là ai đi học rồi khó khăn thì tôi sẽ cho vay. Cụ thể là ngay từ khi học sinh PTTH học xong chưa biết làm gì thì chúng tôi tác động tới họ để họ quyết định sẽ học nghề gì để ra trường có việc làm, có thu nhập. Khi học mình có hỗ trợ họ và khi ra trường mình cũng sẽ tác động tới doanh nghiệp để hỗ trợ cho họ và thu hồi vốn về.

 

Với một đề án quy mô lớn như vậy, chắc rủi ro không chỉ dừng lại ở việc khó thu hồi vốn?

 

Chương trình cho vay nào cũng có rủi ro, tất nhiên chúng ta sẽ có những quy định cụ thể về việc này. Đương nhiên sẽ có những rủi ro bất khả kháng, vấn đề rủi ro bao nhiêu thì sẽ do ngân hàng và nhà nước quyết định. Nhưng tôi hy vọng thanh niên vay vốn sẽ trả, nợ quá hạn trong vay vốn việc làm là rất thấp. 

 

Cái rủi ro có thể xảy ra còn là nếu chúng ta làm đại trà và phong trào thì sẽ dẫn đến thực trạng có người không có nhu cầu vẫn đi học vì được vay tiền. Giải pháp ở đây là cơ sở đoàn sẽ phối hợp với chính quyền để khảo sát được người có nhu cầu học nghề thực sự thì mới được vay vốn và tránh vay vốn đi học nhưng để làm việc khác.

 

Hiện nay, Ban chỉ đạo điều tra việc làm TƯ mỗi năm cũng mới chỉ khảo sát điều tra về việc làm và thất nghiệp được 1 lần. Vậy ông có tin là đoàn cơ sở sẽ làm tốt được vậy này?

 

Việc khó thì đoàn phải làm, nhưng cũng không khó vì đây là hoạt động chính của đoàn thanh niên. Đoàn có các bí thư chi đoàn và qua các đoàn viên có thể khảo sát được nhu cầu, nguyện vọng và xem họ mong muốn gì. Đây là hoạt động của đoàn, là nhiệm vụ chính trị và hoạt động xã hội tình nguyện, không có lợi nhuận, không hình thành cơ chế xin cho và chủ trương là tiến hành theo phương thức xã hội hoá.

 

Xin cảm ơn ông!

 

Lan Hương