1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Quảng Ngãi:

Rộn ràng tiếng chày đóng bánh nổ phục vụ Tết

Quốc Triều

(Dân trí) - Tháng Chạp, tiếng nếp rang, tiếng chày đóng bánh nổ lại vang lên giòn giã tại Tư Nghĩa, Quảng Ngãi. Những miếng bánh nổ thơm phức, trắng muốt ra lò báo hiệu một cái Tết cổ truyền sắp đến.

Bánh nổ là loại bánh Tết được làm từ nếp rang, đường và đóng thủ công trong khuôn gỗ. Ngày trước, bánh nổ là loại bánh không thể thiếu trong ngày Tết của người dân một số tỉnh miền Trung.  Theo thời gian, các loại bánh Tết với nhiều màu sắc, đa dạng chủng loại dần chiếm ưu thế. Bánh nổ thủ công vì thế cũng dần mất đi vị thế. Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ sở sản xuất bánh nổ vẫn cố giữ nghề truyền thống.

Thôn Điền Trang (xã Nghĩa Trung, huyện Tư Nghĩa) là nơi vẫn còn những lò bánh nổ thủ công phục vụ Tết. Đầu tháng Chạp, đi từ đầu làng đến cuối làng đều nghe được tiếng nếp nổ tí tách, cùng tiếng chày đóng bánh vang lên giòn giã.

Rộn ràng tiếng chày đóng bánh nổ phục vụ Tết - 1

Người dân xã Nghĩa Trung, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi đóng bánh nổ phục vụ Tết.

Gia đình bà Nguyễn Thị Liễu đã gắn bó với nghề đóng bánh nổ mấy chục năm nay. Dù thị trường tiêu thụ bị thu hẹp nhưng cứ đến tháng Chạp, căn nhà nhỏ của bà Liễu lại vang lên tiếng chày đóng bánh nổ.

Bà Liễu chia sẻ, để làm ra được cây bánh nổ ngon quan trọng nhất là khâu chọn nguyên liệu. Đầu tiên phải chọn được nếp ngon, còn nguyên vỏ và phơi khô thật kỹ. Nếp được rang trên bếp than hồng sẽ nổ, vỏ trấu tự bung ra ngoài, chỉ còn lại phần ruột trắng ngần, nở bông, được gọi là nổ. Nổ sẽ được kiểm tra, loại bỏ hết vỏ trấu rồi trộn với nước đường. Nước đường được thắng vừa tới, trộn với gừng, mè, vani, quế để tạo mùi thơm cho bánh. 

Rộn ràng tiếng chày đóng bánh nổ phục vụ Tết - 2

Hỗn hợp nếp được rang nổ rồi trộn với nước đường được cho vào khuôn để đóng bánh nổ.

Nổ được trộn với nước đường rồi cho vào khuôn gỗ. Khuôn bánh cao 40 - 45 cm, được làm bằng 4 miếng gỗ tốt ghép vào chân đế cũng bằng gỗ. Người thợ sẽ ghép 4 miếng gỗ vào chân đế rồi dùng niềng cố định khuôn. Sau khi ghép, phần lòng khuôn là một khoảng trống hình vuông chu vi 6 -7 cm. Khuôn bánh còn có một thanh gỗ gọi là chày. Chày được chế tạo để bỏ vừa với lòng khuôn nhằm ép hỗn hợp bên trong.

Hỗn hợp nổ và nước đường được đổ vào khuôn rồi dùng chày ép xuống. Người thợ sẽ dùng búa gỗ đóng vào chày thật mạnh để ép nổ trong lòng khuôn kết lại thật chặt. Cứ thế, người làm bánh sẽ đổ thêm nổ vào khuôn rồi dùng chày đóng thật mạnh đến khi đầy thì tháo khuôn.

Khi tháo rời khuôn sẽ được cây bánh nổ dài 40 - 45 cm. Đòn bánh sau đó được cắt thành từng miếng vuông vức rồi mang đi sấy cho thật giòn. Miếng bánh nổ thành phẩm sẽ có màu trắng ngà của hỗn hợp nổ, nước đường và mùi thơm của nếp, của quế…

Rộn ràng tiếng chày đóng bánh nổ phục vụ Tết - 3

Sau khi tháo khuôn, cây bánh nổ dài từ 40 - 45 cm ra lò.

 Cũng theo nghề đóng bánh nổ hàng chục năm qua, bà Võ Thị Kim Chung cho biết, để có lát bánh nổ ngon, đẹp thì việc cắt bánh cũng cần được chú trọng. Đây là khâu tưởng chừng đơn giản nhưng nếu cắt không đúng cách bánh sẽ bị vỡ, lát bánh không đều.

Theo bà Chung, để lát bánh cắt ra đều, đẹp phải dùng dao to bản, mài thật bén và bôi chút dầu ăn. Khi cắt phải đều sức, để mặt cắt liền mạch, trơn tru.

"Phải quen mới cắt được lát bánh đẹp, mười lát như một. Cắt bánh là công đoạn quan trọng không kém các công đoạn khác", bà Chung chia sẻ.

Rộn ràng tiếng chày đóng bánh nổ phục vụ Tết - 4

Bánh nổ sẽ được cắt thành từng miếng bằng nhau rồi mang đi sấy cho thật giòn để cung cấp ra thị trường Tết.

Hiện thôn Điền Trang còn trên 10 hộ làm bánh nổ. Dịp Tết, mỗi hộ đóng từ 200 - 300 cây bánh bán ra thị trường. Dù ngày nay có vô số loại bánh Tết khác nhau nhưng nhiều người dân vẫn mua bánh nổ để cúng ông bà, tổ tiên. Do đó, nghề đóng bánh nổ dịp Tết vẫn còn được duy trì.

Ngoài tạo thu nhập cho chủ hộ sản xuất, nhiều người dân địa phương cũng kiếm được thu nhập từ việc làm thuê cho chủ cơ sở. Trung bình mỗi người đóng bánh sẽ kiếm được từ 200.000 - 300.000 đồng mỗi ngày để chi tiêu trong dịp Tết.