1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Gia Lai:

Rời bục giảng, nữ giáo viên về quê "hốt bạc" từ việc chế biến trà mãng cầu

Phạm Hoàng

(Dân trí) - Gác lại nghề giáo viên, chị Nguyễn Thị Hà quyết định về quê khởi nghiệp với chế biến trà mãng cầu xiêm. Trải qua nhiều khó khăn, chị Hà có được thu nhập cao từ loại trà dược liệu này.

Cơ duyên với trà mãng cầu

Tốt nghiệp đại học chuyên ngành Ngữ văn, chị Nguyễn Thị Hà (sinh năm 1987, xã Ia Vê, huyện Chư Prông, Gia Lai) về làm giáo viên trường THPT tại tỉnh Đồng Nai. Vì cuộc sống khó khăn, luôn đi dạy xa nhà nên vào năm 2014, chị Hà quyết định chia tay với nghề giáo để về Gia Lai làm nông nghiệp.

Rời bục giảng, nữ giáo viên về quê hốt bạc từ việc chế biến trà mãng cầu - 1

Chị Nguyễn Thị Hà, giáo viên dạy Ngữ văn quyết định về quê "bén duyên" với nghề chế biến trà mãng cầu xiêm.

Khi về quê, chị Hà và chồng miệt mài chăm sóc vườn tiêu, cà phê với diện tích gần 2 ha.

Năm 2015, vườn tiêu nhà chị chết gần hết khiến kinh tế gia đình khó khăn. Từ đó, chị Hà mạnh dạn phá bỏ hàng nghìn cây tiêu để chuyển sang trồng cây ăn quả, chủ yếu là mãng cầu xiêm.

Theo chị Hà, ban đầu trồng mãng cầu xiêm chỉ để bán quả, chưa nghĩ đến là chế biến thành trà. Thời điểm đó, chị Hà xuất bán quả mãng cầu rất rẻ, có khi không ai mua. Bên cạnh đó, loại trái này còn phụ thuộc thương lái nên rất bấp bênh, chỉ có con đường chế biến mới mang lại giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Rời bục giảng, nữ giáo viên về quê hốt bạc từ việc chế biến trà mãng cầu - 2

Công đoạn chế biến từ 10 kg mãng cầu tươi sấy được một kg trà khô. Mỗi tháng, cơ sở của chị Hà sấy được gần 3 tạ trà mãng cầu xiêm.

"Khi mới trồng mãng cầu, gia đình tôi rất khó khăn trong việc tìm thị trường tiêu thụ. Trong một lần đi qua nhà của người dân quanh vùng, tôi thấy họ cũng trồng mãng cầu, nhưng chỉ trồng quanh làm hàng rào. Đặc biệt là họ xử lý những quả mãng cầu thành trà bằng cách chặt lát nhỏ, phơi khô rồi đun uống có hương vị rất thơm, mát. Lúc đó, tôi đã có ý tưởng chế biến trà mãng cầu để chia sẻ cho mọi người dùng", chị Hà chia sẻ.

Từ ấp ủ đó, chị Hà đã lên mạng tìm hiểu thì biết quả mãng cầu có tác dụng ngăn ngừa ung thư, tăng cường chức năng thận, chống mất ngủ, ổn định huyết áp, ngừa tim mạch… Nghĩ là làm, năm 2016, chị Hà tập trung nghiên cứu cách chế biến trà từ mãng cầu. Do "trái ngành, trái nghề" nên chị phải mất một thời gian dài để tự tìm hiểu, tự học, đọc tài liệu. 

Rời bục giảng, nữ giáo viên về quê hốt bạc từ việc chế biến trà mãng cầu - 3

Kinh nghiệm chọn quả mãng cầu để làm trà đạt chuẩn là những quả vừa già mới cho ra vị trà thơm, đậm đà và đảm bảo giá trị dinh dưỡng.

Lúc mới bắt đầu chế biến trà mãng cầu, chị đều làm theo quy trình thủ công nên rất nhiều lần sản phẩm không đạt, phải đổ bỏ. Qua nhiều lần thất bại đó, chị Hà mạnh dạn tìm hiểu nguyên nhân và cách khắc phục trên mạng. Sau nhiều thời gian kiên trì, chị Hà cũng làm ra thứ đúng với hương vị mong muốn.

Thành công ban đầu, nhưng kéo theo đó là vấn đề tìm thị trường tiêu thụ trà cũng nan giải. May mắn là chị được kết nạp làm thành viên của Cộng đồng nông nghiệp ở TPHCM. Từ đó, sản phẩm làm ra đã tìm được thị trường tiêu thụ.

"Trà mãng cầu xiêm còn rất mới ở Gia Lai, nên lượng khách hàng đặt mua không nhiều. Lúc đó, tôi tích cực mang sản phẩm lên các trang mạng xã hội, thậm chí còn tặng kèm quà cho khách khi mua", nữ 8X Gia Lai kể lại.

Thành công từ những thất bại

Đến năm 2018, chị Hà đã đầu tư mua máy sấy để tiện cho việc chế biến trà nhanh hơn. Chị cũng đã đăng ký giấy phép kinh doanh trà mãng cầu xiêm và thành lập cơ sở chế biến trà, thuê nhân công để đẩy nhanh tiến độ công việc.

Nhiều lúc mãng cầu trong vườn của chị không đủ cung ứng, chị còn thu mua quả của người dân quanh vùng với giá 8.000-10.000 đồng/kg, cao gấp 2-3 lần giá ngoài thị trường, tạo thu nhập cho các hộ dân quanh vùng.

Rời bục giảng, nữ giáo viên về quê hốt bạc từ việc chế biến trà mãng cầu - 4

Từ những nỗ lực của chị mà trà mãng cầu đã tìm được thị trưởng ở các thành phố lớn.

Theo chị Hà, công đoạn làm trà mãng cầu có 6 bước, từ việc chọn quả chất lượng và làm sạch quả. Sau đó, thái mỏng rồi đưa đi sấy khô và sao thành trà. Đây chỉ là lý thuyết còn khi thực hành, người thợ phải căn chỉnh, chọn lọc nguyên liệu, công đoạn, thời gian sao cho hợp lý. Sấy mãng cầu khoảng 24 giờ với nhiệt độ thấp từ 50-54 độ C là đạt chuẩn nhất.

Công đoạn chọn quả mãng cầu để chế biến rất quan trọng, chị Hà cho biết: "Không phải quả mãng cầu nào cũng có thể mang đi làm trà mà mình phải chọn lọc cho đúng, quả non khi sấy sẽ cho ra vị nhạt, còn hơi chín lại có vị chua, chỉ những quả vừa già mới cho ra vị trà thơm, đậm đà và đảm bảo giá trị dinh dưỡng".

Rời bục giảng, nữ giáo viên về quê hốt bạc từ việc chế biến trà mãng cầu - 5

Chị mong muốn sẽ tiếp tục tìm hiểu và tạo ra những loại trà trên vùng đất bazan của Gia Lai.

Năm 2020, chị Hà mang sản phẩm trà đi kiểm nghiệm ở TP Hồ Chí Minh. Tại đây, trà mãng cầu của chị đều đạt các chỉ tiêu an toàn với 16 thông số. Đó là bước đệm cho chị Hà phát triển thương hiệu trà mãng cầu xiêm.

Hiện nay, cơ sở của chị Hà bán được hơn 1 tấn/năm, thị trường tiêu thụ chủ yếu ở các siêu thị, trung tâm thương mại lớn trong và ngoài tỉnh như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng... Theo tính toán của chị Hà, với giá bán 500.000đồng/kg, sau khi trừ chi phí sản xuất, cơ sở của chị lãi khoảng 200 triệu đồng/năm.

Bên cạnh trà từ quả mãng cầu, sắp tới, chị sẽ chế biến trà từ hoa và lá mãng cầu để tận dụng tối đa nguồn phụ phẩm, nhằm mang lại giá trị gia tăng cho cây mãng cầu xiêm. Ngoài ra cơ sở cũng sản xuất các sản phẩm sấy khác như: mắc ca, chuối, mít, hoa đu đủ…

Rời bục giảng, nữ giáo viên về quê hốt bạc từ việc chế biến trà mãng cầu - 6

Cơ sở kinh doanh của chị còn đảm bảo việc làm thường xuyên cho 5 lao động tại chỗ.

Nói đến dự định tương lai, chị Hà cho hay, thời gian tới, cơ sở sẽ đẩy mạnh việc liên kết với hộ gia đình có đất sản xuất mãng cầu, thông qua đó sẽ hỗ trợ về quy trình kỹ thuật, về giống, phân bón, việc thu hái, bảo quản… Trước mắt, cơ sở khuyến khích các hộ gia đình tận dụng những cây trong vườn đang cho trái, trồng mới thay thế những cây đã cỗi, cằn.