1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Gia Lai:

Nữ nông dân chặt cà phê, trồng nghệ, thu hàng trăm triệu mỗi năm

Nay Sắt

(Dân trí) - Chị Phạm Thị Nguyệt liều chặt bỏ gần 6.000m2 cà phê để trồng cây nghệ nếp đỏ. Trải qua nhiều khó khăn, chị Nguyệt thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ việc bán tinh bột nghệ.

Xưa nay, gia đình chị Phạm Thị Nguyệt (41 tuổi, trú tại xã Ia Phìn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) đều sống dựa vào diện tích 1,2ha cà phê. Tuy nhiên, nhiều năm liên tiếp, cà phê rơi vào thảm cảnh mất giá, mất mùa khiến  kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn.

Thời điểm đó, gia đình chị tìm đủ loại cây trồng để thay thế cà phê, nhưng không mấy khả quan. Tình cờ, chị thấy có một người trong xã Ia Phìn trồng cây nghệ đỏ, giới thiệu và đưa ra điều kiện bao tiêu sản phẩm nếu chị Nguyệt trồng. Sau đó, chị về nhà bàn bạc với gia đình và quyết định chuyển sang trồng cây nghệ nếp đỏ.

Nữ nông dân chặt cà phê, trồng nghệ, thu hàng trăm triệu mỗi năm - 1

Chị Phạm Thị Nguyệt đã phá bỏ gần 6.000m2 cà phê để trồng nghệ nếp đỏ.

"Sau khi được họ giới thiệu, tôi đã dành nhiều thời gian lên mạng nghiên cứu, tìm hiểu về cây nghệ nếp đỏ này. Tôi còn chăm chỉ lên vườn nghệ để xem trực tiếp mô hình trồng nghệ, chăm sóc ra sao. Ngay sau đó, tôi và chồng vay mượn tiền của người quen, mua giống với giá 18.000 đồng/kg nghệ nếp đỏ, phá bỏ 3.000m2 cà phê để trồng thử nghiệm", chị Nguyệt chia sẻ.

Hơn 8 tháng trồng, diện tích nghệ của chị Nguyệt xanh tốt, củ nào củ nấy đều to. Đang vui mừng vì lần đầu trồng hiệu quả thì nhận tin giá nghệ giảm sâu, chỉ còn 5.000 - 6.000 đồng/kg. Thương lái tới mua cũng ít, chị lại đau đầu vì số lượng nghệ cụ dư thừa quá lớn, không biết đem đi đâu.

Nữ nông dân chặt cà phê, trồng nghệ, thu hàng trăm triệu mỗi năm - 2

Nghề chế biến tinh bột nghệ thường bắt đầu từ trước tết âm lịch nhưng bận rộn nhất là từ sau rằm tháng giêng.

Để xử lý số lượng củ nghệ trên, chị Nguyệt phải mày mò trên mạng, vào các hội nhóm nghề. Qua đó, chị thấy nhiều nông dân đã chế biến củ nghệ thành tinh bột, viên uống có lợi cho sức khỏe, nhiều công dụng chăm sóc da cho phụ nữ.

Khi nghiên cứu cách làm, chị Nguyệt mua máy xay sinh tố, dao cạo phục vụ việc chế biến tinh bột. Đã đủ dụng cụ, chị bắt tay vào gọt vỏ, thái nhỏ củ nghệ bỏ cùng một ít nước cho vào máy xay nhuyễn. Xay xong, chị thu được một hỗn hợp lỏng, rồi dùng vải lọc để chắt nước nghệ. Quy trình tiếp tục với 5-7 lần chờ lắng đọng rồi lại vắt lọc nước và cách nhau 5-6 giờ/lần.

Sau nhiều công đoạn như vậy, chị Nguyệt cũng thu được sản phẩm tinh bột nghệ như ý muốn.

"Hồi mới làm, sau mỗi mẻ bột, chân tay, quần áo tôi nhuộm vàng bởi nghệ, chưa kể tinh dầu nghệ bám chặt vào vải lọc, phải giặt rất mất công. Được mẻ bột đầu tiên đó, tôi đã dành tặng người thân, bạn bè sử dụng thử sản phẩm. Và rất may, mọi người khen ngon, công dụng hiệu quả, trị được bệnh mất ngủ, tăng sức đề kháng", chị Nguyệt cho biết.

Nữ nông dân chặt cà phê, trồng nghệ, thu hàng trăm triệu mỗi năm - 3

Trung bình mỗi tháng, chị sản xuất được từ 50-100kg tinh bột nghệ. Cứ 20-30kg củ nghệ sẽ cho ra 1kg tinh bột nghệ.

Sản phẩm được nhiều người đánh giá cao nên chị đã tiếp tục chế biến và đăng lên mạng xã hội để bán. Không ngờ, hàng được nhiều người đặt, đến tận nhà mua với số lượng lớn. Từ đó, chị có thêm vốn, quyết định tiếp tục chặt phá thêm hơn 3.000m2 cà phê kém hiệu quả để đầu tư mở rộng diện tích trồng nghệ nếp đỏ.

Với số lượng nghệ lớn, chị Nguyệt đã đầu tư mua máy vắt ly tâm, máy xay cỡ lớn và nhiều dụng cụ phục vụ cho việc chế biến tinh bột nghệ. Từ đó, việc sản xuất tinh bột nghệ đạt hiệu quả hơn, ít tốn thời gian, công sức.

Theo chị Nguyệt, để tạo ra tinh bột nghệ chất lượng, chị chỉ chọn nguyên liệu là nghệ đỏ (nghệ nếp) có hàm lượng curcumin cao. Ở vườn, chị đều trồng giống nghệ này.

Được biết, nghề chế biến tinh bột nghệ thường bắt đầu từ trước tết âm lịch nhưng bận rộn nhất là từ sau rằm tháng Giêng âm lịch. Đó là thời điểm nguồn nguyên liệu đạt độ già vừa phải, cho lượng tinh chất nhiều hơn hẳn.

Nữ nông dân chặt cà phê, trồng nghệ, thu hàng trăm triệu mỗi năm - 4

Chị Nguyệt đang chú trọng đầu tư và áp dụng công nghệ cao trong việc chế biến để mô hình được chuyên nghiệp.

Bên cạnh đó, thời điểm này trời không quá nắng, phù hợp cho việc hong khô để vừa đảm bảo chất lượng bột vừa hạn chế được tạp chất, bụi bẩn bay vào như khi phơi sản phẩm ngoài trời.

Với công dụng hỗ trợ điều trị bệnh dạ dày, chăm sóc da, chống oxy hóa, sản phẩm tinh bột nghệ của chị Nguyệt ngày càng được nhiều người tìm mua. Để lấy được tinh chất giá trị nhất của củ nghệ, chị phải lọc nhiều lần để loại bỏ hết xơ và tinh dầu có chứa chất gây nóng gan của nghệ, đồng thời vẫn giữ được màu sắc, hương vị tự nhiên và hàm lượng curcumin cao. 

Những năm gần đây, nhận thấy thị trường có nhu cầu sử dụng tinh bột nghệ cao, năm 2020, chị Nguyệt đã chế biến nhiều dạng viên nghệ, bột nguyên chất phục vụ khách hàng.

Trung bình mỗi tháng, chị sản xuất được từ 50kg -100kg tinh bột nghệ. Cứ 22-30kg củ nghệ sẽ cho ra 1kg tinh bột nghệ. Sản phẩm được làm cẩn thận, kỹ lưỡng trong từng công đoạn nên đạt độ giòn khô, chất bột mịn, có mùi thơm mát, không lẫn tạp chất. Khi thử tan mượt trong miệng, được nhiều người mua làm quà biếu và khách buôn mua bán lẻ.

Nữ nông dân chặt cà phê, trồng nghệ, thu hàng trăm triệu mỗi năm - 5

Sản phẩm của nữ nông dân đã xuất hiện nhiều tại hội chợ và quảng bá trên cả nước.

Với giá bán từ 300.000 - 350.000 đồng/kg tinh chất nghệ và gần 200.000 đồng/kg bột nghệ nguyên chất, sau khi trừ chi phí, chị Nguyệt thu về hơn 100 triệu đồng tiền lãi mỗi năm.

Chị Nguyệt thông tin: "Ngoài bán lẻ trong tỉnh Gia Lai, tôi còn xuất cho các khách hàng ở ngoài tỉnh như TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội… Hầu hết sản phẩm đều được kiểm nghiệm, đánh giá trước nên đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng".

Hiện sản phẩm tinh bột nghệ của chị Nguyệt đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh, đạt tiêu chuẩn 3 sao. Trong thời gian sắp tới, chị sẽ mở rộng diện tích trồng cây nghệ nếp đỏ xen canh nhiều cây ăn quả khác trên diện tích gần 2 ha ở huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai).

Ngoài ra, chị sẽ chú trọng đầu tư và áp dụng nhiều máy móc công nghệ cao trong việc chế biến để mô hình được chuyên nghiệp, nâng tầm chất lượng và phấn đấu sản phẩm đạt 4 sao, 5 sao.