1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Quảng Nam:

Người phụ nữ gần 30 năm làm chổi đót, tạo việc làm cho nhiều chị em

(Dân trí) - Gần 30 năm bám trụ với nghề làm chổi đót, bà Hồ Thị Hoa đã góp phần lưu giữ nghề truyền thống, phát triển kinh tế gia đình, và tạo việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương.

Cơ sở chổi đót của gia đình bà Hồ Thị Hoa (51 tuổi, làng Trường An, xã Đại Quang, huyện Đại Lộc) được nhiều người biết đến bởi đã duy trì thành công nghề truyền thống, dù trải qua bao thăng trầm của cuộc sống và nhiều người đã bỏ nghề.

Người phụ nữ gần 30 năm làm chổi đót, tạo việc làm cho nhiều chị em - 1

Bà Hồ Thị Hoa với gần 30 năm lưu giữ nghề truyền thống, tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương

Khoảng năm 1991, bà Hoa bắt đầu nghề làm chổi đót với một cơ sở nhỏ, lúc bấy giờ tất cả các công đoạn để làm ra cây chổi bà đều phải tự tìm tòi và học hỏi.

“Nghề làm chổi đót lời lãi không bao nhiêu, nhưng được cái đầu ra sản phẩm thì ổn định. Lúc bắt đầu với nghề cũng lắm nhiêu khê, lo đủ bề, từ khâu làm ra cây chổi sao cho đảm bảo chất lượng, mẫu mã đẹp, phù hợp thị hiếu khách hàng. Khi có được sản phẩm ưng ý, tôi mang chổi đi khắp nơi để quảng bá, tìm đầu ra”, bà Hoa cho biết.

Người phụ nữ gần 30 năm làm chổi đót, tạo việc làm cho nhiều chị em - 2

Đót tươi sau khi thu mua, sẽ được phơi khô sao cho đủ nắng, đúng kỹ thuật nhằm giữ lâu dài, đảm bảo chất lượng sản phẩm

Theo bà Hoa, để chổi đều, đẹp và bền thì cần thợ khỏe có tay nghề, khéo léo. Từ đó, cơ sở dần khẳng định được uy tín với khách hàng, tạo nhiều mẫu mã mới đáp ứng thị hiếu và mở rộng thị trường.

Hiện tại, mỗi ngày xưởng của bà Hoa sản xuất từ 300-400 cây chổi đót các loại. Trải qua nhiều công đoạn thủ công nhưng giá thành của một cây chổi đót lại khá rẻ, dao động từ 20.000-25.000 đồng/cây tùy vào độ dày, mỏng. Với giá bán này dù chỉ thu lãi khoảng 2.000 đồng/cây, nhưng cũng giúp đời sống kinh tế ổn định hơn.

Chổi đót ở làng nghề Trường An đã trở thành hàng hóa, với nhiều chủng loại sản phẩm như chổi cán mây, chổi cán nhựa, chổi dây cước, chổi hộp… với thị trường tiêu thụ rộng khắp trong tỉnh và các địa phương khác như Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai… 

Người phụ nữ gần 30 năm làm chổi đót, tạo việc làm cho nhiều chị em - 3
Người phụ nữ gần 30 năm làm chổi đót, tạo việc làm cho nhiều chị em - 4
Người phụ nữ gần 30 năm làm chổi đót, tạo việc làm cho nhiều chị em - 5

Các khâu chính phải đảm bảo khéo léo, đúng kỹ thuật, bền chắc và mẫu mã đẹp để đáp ứng nhu cầu thị trường

Cơ sở chổi đót của bà Hồ Thị Hoa đang tạo công ăn việc làm cho 10 lao động tại địa phương, với mức lương 3 - 4 triệu đồng/tháng.

Theo bà Hồ Thị Hoa, để sản xuất ổn định thì cần phải đảm bảo nguồn cung nguyên liệu đót trong và ngoài tỉnh cùng các vật liệu được sản xuất sẵn như cán nhựa, dây nylon.

Do nguồn đót ngày càng khan hiếm nên việc khai thác, thu mua đót để ổn định sản xuất, duy trì làng nghề là khâu quan trọng. Bên cạnh việc thu mua nguồn đót ở các địa phương miền núi trong tỉnh, gia đình bà còn đặt hàng mua đót ở Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế và các tỉnh Bắc miền Trung. 

Người phụ nữ gần 30 năm làm chổi đót, tạo việc làm cho nhiều chị em - 6

Chổi đót của cơ sở đa dạng về mẫu mã, đảm bảo chất lượng nên được thị trường tin dùng

Đây là cây đót mọc tự nhiên, được người dân vào rừng khai thác rồi bán lại cho nhà nghề. Ban đầu phải thu mua đót tươi, đem về phơi cho đủ nắng, đúng kỹ thuật đảm bảo giữ được lâu dài, không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

“Tùy mỗi công đoạn mà bố trí nhân công phù hợp, thời gian làm nghề chổi đót chủ yếu ở trong nhà nên có thể tranh thủ bất kỳ lúc nào. Tôi rất vui vì các sản phẩm của cơ sở mình làm ra được bà con và nhiều doanh nghiệp lựa chọn, đặt hàng lâu dài”, bà Hoa chia sẻ.

Người phụ nữ gần 30 năm làm chổi đót, tạo việc làm cho nhiều chị em - 7
Người phụ nữ gần 30 năm làm chổi đót, tạo việc làm cho nhiều chị em - 8

Cơ sở tạo việc làm cho 10 lao động, trong đó còn có học sinh và người già lúc nhàn rỗi

Không những tạo việc làm cho nhiều lao động là phụ nữ, người già… có được công việc khi nông nhàn. Bà Hoa còn dạy nghề cho nhiều phụ nữ trong làng, hiện nay họ cũng đã có những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ để phát triển kinh tế gia đình.

Bà Trần Thị Kim Quyên (với hơn 20 năm gắn bó với nghề làm chổi đót) chia sẻ: “Bó cổ chổi là công đoạn khó nhất quyết định chất lượng của sản phẩm. Nếu người bó không khéo léo, tay không đủ lực thì bó đót không đều, chổi xấu và dễ gãy, mau hư… Tôi theo nghề cũng lâu rồi, nhờ có cơ sở chị Hoa mà giải quyết công việc cho nhiều chị em phụ nữ, cả người lớn tuổi có thêm tiền trang trải cuộc sống”.

Được biết, sản phẩm chổi đót Trường An của hộ sản xuất Hồ Thị Hoa được địa phương đăng ký tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Quảng Nam năm 2020.

Công Bính - Ngô Linh