1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Nghề đứng phía sau sân khấu: Bữa cơm bỏ dở, vợ sắp sinh cũng phải đi!

Nguyễn Vy

(Dân trí) - "Nghề này mới vào làm rất vất vả. Nhiều khi đi làm tới 2-3h sáng mới về tới nhà. Vợ sắp sinh cũng đành phải đi công tác vì nếu vắng mình thì cả ê-kíp sẽ bị mất chén cơm", anh Cường nói.

Làm việc đến sáng là chuyện bình thường

Trong hội nhóm chia sẻ về kinh nghiệm làm việc, chủ đề "góc khuất của các nghề liên quan đến truyền thông đa phương tiện, quan hệ công chúng (tổ chức sự kiện)" có hàng nghìn lượt bình luận.

A.Y., người có 5 năm làm việc trong ngành, cho biết ngành này thường ưu tiên người có ngoại hình và giỏi giao tiếp.

Nghề đứng phía sau sân khấu: Bữa cơm bỏ dở, vợ sắp sinh cũng phải đi! - 1

Nghề tổ chức sự kiện đòi hỏi người làm nghề phải có sức khỏe tốt, chịu được áp lực cao và biết cách đối mặt với các tình huống oái oăm (Ảnh minh họa: Mproduction).

Bên cạnh đó, ngoài việc làm trên cơ quan, thỉnh thoảng nhân viên còn phải đến những bữa tiệc rượu để gặp đối tác.

Không dừng lại ở đó, chị C.T.A., người có kinh nghiệm làm việc trong ngành truyền thông, cho hay vì tính chất công việc, thời gian biểu có thể bị đảo lộn khiến các chuyên viên truyền thông, tổ chức sự kiện dễ mắc các bệnh về dạ dày hoặc mất ngủ.

"Ngành này còn đòi hỏi bạn phải biết "diễn xuất". Nghĩa là dù có đang đau bụng đến sắp ngất, bạn cũng phải nở nụ cười tươi với đối tác, khách hàng hoặc người tham gia sự kiện", A. chia sẻ.

Nghề đứng phía sau sân khấu: Bữa cơm bỏ dở, vợ sắp sinh cũng phải đi! - 2

Không thể chịu áp lực của nghề, không ít chuyên viên tổ chức sự kiện đã phải chuyển công việc khác (Ảnh minh họa: Enchanted Events).

Anh Trần Thanh Cường (46 tuổi, ngụ tại TPHCM), giám đốc một công ty sự kiện, bộc bạch rằng anh vẫn không quên được những ngày tháng vất vả nhất đời khi lần đầu bước chân vào làm nghề.

Anh Cường chia sẻ rằng anh mê nghề tổ chức sự kiện bởi đây là công việc của sự tự do.

"Giới tính, độ tuổi, học vấn như thế nào cũng có thể làm sự kiện. Công việc này còn cho tôi cơ hội được đi nhiều nơi, gặp nhiều người mà cả đời tôi không nghĩ được gặp họ", anh Cường nói.

Thế nhưng, anh Cường tiết lộ ngành này chỉ có ai thực sự đam mê mới có thể thành công bởi đây là công việc "đa nhiệm", vô cùng vất vả. Thời gian đầu, anh Cường phải làm việc liên tục, quên ăn, quên ngủ. Thu nhập mỗi tháng anh Cường nhận chưa đến 1 triệu đồng, không đủ để anh chi cho tiền cước gọi cho khách hàng hằng ngày.

Nghề đứng phía sau sân khấu: Bữa cơm bỏ dở, vợ sắp sinh cũng phải đi! - 3

Anh Cường tỉ mỉ hướng dẫn nhân viên trong đợt thi công sân khấu cho sự kiện (Ảnh: Nguyễn Vy).

Hơn nữa, thỉnh thoảng anh Cường cũng bị công ty điều phối nhân sự đi công tác tỉnh trong nhiều ngày. Nếu từ chối, vị trí của anh có thể bị thay thế hoặc ảnh hưởng đến cả ê-kíp thi công chương trình trị giá hàng tỷ đồng.

"Làm việc 2-3h sáng mới về là chuyện bình thường. Tôi nhớ mãi cảnh bản thân không có mặt lúc vợ sắp sinh, vì bản thân phải hoàn thành nhiệm vụ ở nơi xa. Những lúc như vậy rất buồn, nhưng tính chất công việc mình chọn là thế phải cố gắng vì sự nghiệp tương lai.

Nhờ những nỗ lực, đánh đổi, nhiều năm sau tôi mới nhận được sự tín nhiệm từ cấp trên, đạt mức lương cao hơn gấp nhiều lần. Từ đó, bản thân có thể mở rộng mối quan hệ, tự tạo công ty cho riêng mình như ngày hôm nay", anh chia sẻ.

Những lần "đánh đổi"

T.T. (23 tuổi, ngụ tại TP Hà Nội), từng là một chuyên viên tổ chức sự kiện, cho hay, gần 1 năm trước, cô bị đối tác quấy rối tình dục ngay trong sự kiện mà công ty tổ chức. Đến nay, T. vẫn không vượt qua được nỗi ám ảnh ấy, cũng không dám trở lại công việc.

Trước khi theo nghề, T. bộc bạch rằng bản thân từng ngưỡng mộ những người làm công việc tổ chức sự kiện. Trong nhiều hoạt động ở trường, T. nhận thấy bản thân được thể hiện tính cách năng nổ, hoạt bát nên kỳ vọng rất nhiều vào nghề này.

"Tôi được cảnh báo về việc đụng chạm cơ thể, nhưng chưa từng nghĩ sẽ đến mức bản thân bị quấy rối", T. nói.

Ngày diễn ra sự kiện, T. được phân công phụ trách mảng truyền thông và làm việc với 3 đối tác là người nước ngoài.

"Trong lúc trò chuyện, chúng tôi giao tiếp hoàn toàn bằng tiếng Anh, nhưng thỉnh thoảng tôi bối rối khi họ nói một vài câu tiếng Đức và nhìn nhau cười. Trong khi đó, tôi thì chẳng hiểu họ nói gì", T. nói.

Sau cuộc trao đổi trên, một đồng nghiệp liền kéo T. lại và trao đổi về những câu tiếng Đức nhóm đối tác vừa nói. Đồng nghiệp cũng nhắc T. nên tránh tiếp xúc với nhóm đối tác để tránh những việc không hay.

Nghề đứng phía sau sân khấu: Bữa cơm bỏ dở, vợ sắp sinh cũng phải đi! - 4

Không ít chuyên viên tổ chức sự kiện cho hay chỉ một sơ xuất nhỏ có thể khiến cả chương trình bị hủy bỏ (Ảnh minh họa: Mindfulmeeting).

"Chị đồng nghiệp nhắn nhủ với tôi rằng phải cẩn trọng với họ, vì nhóm đối tác ấy vừa nói với tôi rằng em này "nở" quá, nhìn là muốn quan hệ", T. sợ hãi, kể lại.

Để giữ an toàn cho bản thân, T. đành phải năn nỉ một nam đồng nghiệp phụ giúp việc trao đổi với nhóm đối tác người nước ngoài. Tuy nhiên, có vẻ nhóm đối tác chưa muốn buông tha T.

"Tôi càng sợ hãi, né tránh, họ càng tấn công và tìm cách cọ xát người vào tôi. Họ ngỏ ý muốn đưa tôi về nhưng tôi từ chối thì liền bị ô tô của họ bám theo. Mãi đến khi tôi gọi bạn đi cùng thì họ mới bỏ đi", T. bức xúc.

Dù sau đó sự kiện còn diễn ra thêm 2 ngày nữa, nhưng T. đã nộp đơn xin nghỉ việc vì quá ám ảnh.

"Là sinh viên mới ra trường lại ở tỉnh lên nên lần đầu gặp chuyện như vậy tôi rất sợ. Điều đó ảnh hưởng đến tâm lý khiến tôi không dám đi làm. Khi tôi báo cáo chuyện này lên cấp trên thì cấp trên vẫn không có động tĩnh gì. Đồng nghiệp thì nói đã có nhiều nhân viên gặp chuyện tương tự. Cuối cùng, tôi quyết định nghỉ việc", cô gái nói.

Theo cô gái, không chỉ trải qua trường hợp như trên, người làm nghề tổ chức sự kiện, đặc biệt là nữ giới, có thể chịu nhiều thiệt thòi và vất vả. Có khi, nhân viên phải thức khuya, dậy sớm, thậm chí di chuyển hơn 30-40km để đến điểm diễn ra sự kiện.

Ngoài ra, người làm nghề này phải thật cầu toàn, bởi một sơ xuất nhỏ cũng có thể khiến cả chương trình kinh phí hàng tỷ đồng bị hủy bỏ hoặc xảy ra sự cố đe dọa đến tính mạng con người.

"Sự kiện luôn có sự tham gia của quan chức cấp cao, nghệ sĩ, người nổi tiếng nên tác phong của chuyên viên luôn phải thật chuyên nghiệp. Đôi lúc, thu nhập của người làm nghề cũng không ổn định vì không phải tháng nào cũng có sự kiện, đôi khi còn có chương trình mất vài tháng chuẩn bị", T. cho hay.