1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Đắk Nông:

Mùa kiếm tiền của những người làm nghề "đi giật lùi" giữa lòng thành phố

Dương Phong

(Dân trí) - Trung bình, mỗi người sẽ dầm mình trong nước khoảng 6 tiếng đồng hồ để cào hến. Nghề cào hến được ví như nghề đi giật lùi, nhưng mang lại thu nhập ổn định cho người làm công việc này ở Đăk Nông.

Kiếm tiền triệu mỗi ngày nhờ nghề… "đi giật lùi" giữa lòng thành phố
Mùa kiếm tiền của những người làm nghề đi giật lùi giữa lòng thành phố - 1
Đầu tháng 3 hàng năm là cao điểm của mùa khô, hồ chứa nước ngay trung tâm thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông đã cạn, trơ đáy. Thời điểm này, nhiều người từ khắp nơi đổ về làm nghề cào hến trước khi mùa mưa bắt đầu.
Mùa kiếm tiền của những người làm nghề đi giật lùi giữa lòng thành phố - 2
Mùa cào hến rơi vào thời điểm nông nhàn, khi việc thu hái cà phê đã kết thúc. Tranh thủ thời gian này, nhiều lao động nông thôn đã đến lòng hồ trung tâm thành phố Gia Nghĩa để đánh bắt thủy hải sản, trong đó chủ yếu là cào hến.
Mùa kiếm tiền của những người làm nghề đi giật lùi giữa lòng thành phố - 3
Dụng cụ để làm công việc này chỉ có chiếc cào và túi đựng hến. Mỗi người tự nhận một góc hồ rồi dầm mình hàng giờ liền dưới nước để cào hến.
Mùa kiếm tiền của những người làm nghề đi giật lùi giữa lòng thành phố - 4
Nghề cào hến được ví như nghề đi giật lùi. Người cào hến dùng một cây cào cán dài, cào sâu xuống dưới lớp bùn rồi đi giật lùi. Hến ẩn mình dưới lớp bùn nhão, nên khi đi lùi, nước sẽ giúp loại bỏ bùn và rác nhỏ.
Mùa kiếm tiền của những người làm nghề đi giật lùi giữa lòng thành phố - 5
"Đồ bảo hộ" của những người đi cào hến chỉ là đôi tất tay, tất chân. Đeo tất khi đi cào hến giúp họ tránh được mảnh sành hoặc thân cây mục phía dưới nước. Người cào hến chỉ mặc một chiếc áo mỏng để không "nặng người".
Mùa kiếm tiền của những người làm nghề đi giật lùi giữa lòng thành phố - 6
Công việc cào hến bắt đầu từ khoảng 8h30 sáng. Đây là thời điểm mặt trời đã lên cao, nước không còn lạnh. Tuy nhiên, công việc đòi hỏi sức khỏe, sự dẻo dai và khả năng chịu lạnh tốt, nên phần lớn người đi cào hến là nam giới.
Mùa kiếm tiền của những người làm nghề đi giật lùi giữa lòng thành phố - 7
Chỉ trong vòng 1 tiếng đồng hồ "đi giật lùi", anh Nguyễn Đoàn Ngọc Đức (trú phường Nghĩa Đức) cùng vợ đã cào được gần 5kg hến. Hiến giá bán hến dao động từ 12.000 -15.000 đồng/kg, tùy thời điểm.
Mùa kiếm tiền của những người làm nghề đi giật lùi giữa lòng thành phố - 8
"Dầm mình lâu trong nước, nếu không có sức khỏe sẽ rất dễ bị cảm lạnh. Thế nên cứ cào hến được một lúc, tôi lại lên bờ để nghỉ ngơi, phơi nắng cho ấm. Tuy việc cào hến mang lại thu nhập khá nhưng khá vất vả, thậm chí là nguy hiểm", anh Đức nói.
Mùa kiếm tiền của những người làm nghề đi giật lùi giữa lòng thành phố - 9
Đây là năm thứ 2 anh Nguyễn Văn Tới (trú xã Đắk Nia, TP.Gia Nghĩa) cùng vợ đi cào hến. Đối với vị trí xa bờ, nước sâu thì anh Tới đóng bè chuối, buộc theo thùng xốp. "Mỗi ngày được khoảng 60kg đến gần 1 tạ hến, trung bình hai vợ chồng kiếm được khoảng trên dưới 1 triệu đồng", anh Tới cho hay.
Mùa kiếm tiền của những người làm nghề đi giật lùi giữa lòng thành phố - 10
Những con hến được lựa chọn đều có kích thước lớn, riêng hến nhỏ được thả lại nhân giống cho năm tiếp theo. Đến khoảng 16h chiều, hến được mang đến các chợ dân sinh để bán lẻ.
Mùa kiếm tiền của những người làm nghề đi giật lùi giữa lòng thành phố - 11
Đôi bàn tay nhăn nheo, tái nhợt của người làm nghề cào hến do ngâm nước trong thời gian dài. Chính vì vậy, dù ban đầu có nhiều người đến đây cào hến nhưng sau đó đều bỏ cuộc vì không chịu được sự khắc nghiệt của công việc.
Mùa kiếm tiền của những người làm nghề đi giật lùi giữa lòng thành phố - 12
Kết thúc thời gian dài ngâm mình trong nước, người cào hến bắt đầu lên bờ để đưa hến đi bán. Công việc chỉ kéo dài khoảng 1 tháng nhưng mang lại thu nhập ổn định cho khoảng 30 người đang "mưu sinh" tại lòng hồ Gia Nghĩa.