1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Khó khăn do Covid-19, gần 30 % lao động di cư tiêu đến tiền tiết kiệm

Hoài Nam

(Dân trí) - Trong đại dịch Covid-19, lao động di cư đứng trước các thách thức lớn của sự sinh tồn: Gần 60 % trong số họ tiết kiệm chi tiêu, gần 30 % sử dụng tới các khoản tiết kiệm và 13 % vay mượn sống qua ngày.

Lao động di cư là vấn đề được quan tâm tại tọa đàm trực tuyến "An sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người lao động sau đại dịch" do Viện Nghiên cứu Đời sống xã hội (Social Life) và Trung tâm Tâm lý học ứng dụng Hoàng Đức tổ chức ngày 5/9.

Người di cư "mắc kẹt"

Trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4, PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội (Social Life), cùng cộng sự đã tiến hành khảo sát về đời sống người dân, đặc biệt là các nhóm yếu thế, người di cư "mắc kẹt" tại thành phố. 

Khó khăn do Covid-19, gần 30 % lao động di cư tiêu đến tiền tiết kiệm - 1

Tọa đàm "An sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người lao động sau đại dịch".

Nghiên cứu đã chỉ ra lao động di cư là nhóm dễ tổn thương nhất trong đời sống đô thị hiện nay.

Theo khảo sát của Social Life, khó khăn của người lao động làm công ăn lương gồm: Tạm nghỉ việc không lương 53%, bị cắt giảm lương 19% và mất việc làm 10,7%.

Cách giải quyết khó khăn về tài chính do ảnh hưởng của dịch chủ yếu dựa vào: Tiết kiệm chi tiêu (gần 60%), sử dụng các khoản tiết kiệm (28,4%) và vay mượn để trang trải cuộc sống (13%). 

Lý do là thu nhập thấp, chỗ ở chật chội cùng dự báo người nghèo và cận nghèo mất khả năng cầm cự. Nếu không có lưới an sinh đủ rộng sẽ dẫn đến các hiệu ứng domino căng thẳng xã hội.

Theo ThS Nguyễn Thu Quỳnh (thành viên tổ nghiên cứu của Viện), dữ liệu của Tổng cục thống kê trước khi có đại dịch cho thấy: Nhóm 20% hộ nghèo nhất và nhóm 20% cận nghèo chỉ có tiền tiết kiệm tương đương 7-16,1 triệu đồng/năm. Sau cú sốc của những lần đại dịch, tích lũy chắc chắn bị giảm, đặc biệt là ở nhóm di cư.

Về tình trạng "mắc kẹt" của người di cư, ThS Nguyễn Thu Quỳnh đưa ra biên bản cầm đồ và tiền nợ của một người phụ nữ ở Trà Vinh mà bà thực hiện phỏng vấn trong quá trình nghiên cứu.

"Vợ chồng họ có 2 con nhỏ, một gửi ở quê, một ở cùng bố mẹ tại TPHCM. Khi dịch bùng phát, họ muốn về quê nhưng đến chốt Long An phải quay lại phòng trọ. Lúc này, họ đang nợ (tiền phòng, điện, nợ cũ) số tiền là 4.335.000 đồng, họ đã đi cầm chiếc xe Nouvo được 5 triệu đồng", bà Nguyễn Thu Quỳnh cho hay. 

Khó khăn do Covid-19, gần 30 % lao động di cư tiêu đến tiền tiết kiệm - 2

Phiếu nợ tháng 8 và biên bản cầm xe máy của một cặp vợ chồng người Trà Vinh làm việc tại TPHCM. 

Theo nghiên cứu của Ngân hàng thế giới (World Bank) về Đô thị hóa Việt Nam trước ngã rẽ: Chủ yếu các hoạt động kinh tế ở các đô thị TPHCM, Hà Nội và các vùng lân cận, người di cư không thể tìm đến các khu vực khác để kiếm việc. 

Người di cư không phải gánh nặng mà đang "nặng gánh" 2 đầu: Với đô thị là nguồn lao động giá rẻ bậc nhất trong các khu công nghiệp, là những "mao mạch" duy trì nền kinh tế phi chính thức ở các đô thị. Với quê hương, dựa vào Điều tra di cư quốc gia, số tiền người di cư gửi về khoảng 6 tỷ USD để chăm sóc sức khỏe, giáo dục, sửa sang nhà cửa. 

Xuất hiện giữa sinh tồn 

Theo PGS. TS Nguyễn Đức Lộc, khi đời sống bình thường ít ai thấy bóng dáng của người lao động di cư. Rồi đột nhiên, dịch bệnh xảy ra, giữa sinh tồn, họ như ở đâu xuất hiện với lượng người rần rần hồi hương. 

Khó khăn do Covid-19, gần 30 % lao động di cư tiêu đến tiền tiết kiệm - 3

Một nghịch lý được cảnh báo sau dịch: Doanh nghiệp thiếu lao động, người lao động không có việc làm (Ảnh: Nguyễn Quang).

Điều này phù hợp với lý thuyết về kinh tế đạo đức theo mô hình của học giả Jama C. Scott: Người lao động nếu duy trì được trong ngưỡng sinh tồn họ sẽ cứ vậy mà làm, chừng nào rơi xuống ngưỡng sinh tồn thì họ xuất hiện. 

PGS. TS Nguyễn Đức Lộc chỉ ra: Sau đại dịch tất cả chúng ta đều gặp khó khăn và người di dân càng khó khăn hơn.

Lượng người lao động di dân trở về quê khá lớn, kéo theo tình trạng doanh nghiệp thiếu lao động, người lao động không có việc làm. Chưa kể những thương tổn, sang chấn tâm lý, nghèo... là điều khó tránh khỏi. 

Khó khăn do Covid-19, gần 30 % lao động di cư tiêu đến tiền tiết kiệm - 4

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, đảm bảo ngưỡng an sinh tối thiểu cho người di cư chính là đảm bảo nguồn lao động cho thành phố sau đại dịch.

Từ đại dịch, theo ông Nguyễn Đức Lộc, vấn đề người lao động được quan tâm nhiều hơn. Các vấn đề an sinh xã hội của người lao động được đặt lên bàn nghị sự nhiều hơn, xuất hiện với tần suất cao trong các văn bản, chỉ thị, công điện, quyết định liên quan đến dịch. Các định chế an sinh xã hội cho người lao động, người yếu thế như các trung tâm, các chính sách trợ cấp được quan tâm. 

"Tôi tin rằng đây sẽ là định chế bền vững cho câu chuyện dài hơi chứ không phải là định chế tình thế", Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội nói. 

Đảm bảo an sinh để giữ nguồn lao động 

Các chuyên gia khẳng định, với tốc độ phát triển như hiện nay, trong điều kiện bình thường, các siêu đô thị khó có thể thiếu được người di cư, dù chỉ một tuần. 

Chính quyền đô thị nơi người di cư đang cư trú cần có chính sách hỗ trợ người di cư không chỉ vì lý do nhân đạo, đảm bảo ổn định xã hội; mà còn vì 2 lẽ: Người di cư đã có đóng góp vào xây dựng thành phố và gửi tiền về quê hương. Đảm bảo ngưỡng an sinh tối thiểu cho người di cư chính là đảm bảo nguồn lao động cho thành phố sau đại dịch.

TS Nguyễn Đức Lộc và nhóm chuyên gia nghiên cứu đề xuất cách thức cứu trợ cần dựa trên nguyên tắc hiệp lực công - tư. Nếu chỉ chờ vào nguồn lực Nhà nước là không thể đủ, rất cần huy động nguồn lực xã hội cho công tác cứu trợ, huy động sức mạnh cộng đồng, nhằm bao phủ, nhanh chóng đến được với các nhóm yếu thế, lao động phi chính thức, người di cư. 

Hệ thống phúc lợi xã hội cho người lao động không chỉ cứu trợ khẩn cấp mà còn là tiểu hệ thống phúc lợi như nhà ở, việc làm, chăm sóc sức khỏe, bảo trợ khẩn cấp...