Đồng Tháp: Nữ cựu chiến binh hết lòng với hoạt động xã hội

Nguyễn Hành Hòa Bình

(Dân trí) - Năm 16 tuổi, cô gái Nguyễn Thị Khoa đã rời nhà tham gia cách mạng. Sau khi xuất ngũ, nữ cựu bình về nhà, chăm lo học sinh nghèo, cất nhà và tạo điều kiện cho đồng đội phát triển kinh tế.

Từ khi nghỉ hưu, cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Thị Khoa, ngụ khóm Mỹ Phú Đất Liền, thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp vẫn không nghỉ việc, luôn noi theo gương sáng Bác Hồ, tiếp tục có nhiều hoạt động dân vận khéo, nghĩa tình vì đồng đội và cộng đồng.

Lo cho học trò nghèo…

“Tôi sinh ra và lớn lên trong giai đoạn cả nước bước vào giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nên tôi đã nhanh chóng hòa vào khí thể sục sôi đó, sớm tham gia cách mạng khi mới 16 tuổi.

Nhập ngũ được 3 tháng, tôi được cử đi học y tá và phục vụ trong quân đội”. Bà Khoa hào hứng kể cho tôi nghe về những tháng ngày đáng nhớ của một thời tuổi trẻ sôi nổi, nhiều kỷ niệm khó quên.

Khi vào phục vụ trong quân đội, bà Khoa trải qua nhiều nhiệm vụ khác nhau, như: Trợ lý dân quân, tuyển quân, Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Cao Lãnh.

Sau đó, bà Khoa ngã sang chính quyền và được phân công làm Trưởng Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Cao Lãnh; Phó Trưởng Ban Tổ chức huyện ủy Cao Lãnh; Trưởng Ban Tổ chức chính quyền huyện Cao Lãnh; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra huyện ủy Cao Lãnh, Chủ tịch Hội CCB huyện Cao Lãnh...

Đồng Tháp: Nữ cựu chiến binh hết lòng với hoạt động xã hội - 1

Nghỉ hưu đầu 2011, bà Khoa chọn cho mình cuộc sống cùng con, cháu ở vùng quê yên bình, nhưng rồi hằng ngày thấy hình ảnh những học sinh nghèo chưa được đến trường đã thôi thúc bà tiếp tục làm công tác xã hội, thiện nguyện.

Nghĩ là làm, tháng 6/2011, bà Khoa tham gia Hội Khuyến học huyện Cao Lãnh và được bầu là Phó Chủ tịch hội. Bà trực tiếp đi vận động các nhà hảo tâm tặng học bổng, dụng cụ học tập cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, giúp các em được đến trường.

“Được quan tâm, hỗ trợ học sinh nghèo, tôi cảm thấy hạnh phúc mỗi khi nhìn những nụ cười thân thiện và sự ấm áp, hồn nhiên trên gương mặt trẻ thơ. Tôi tâm niệm, còn sức lực thì còn tiếp tục đóng góp cho quê hương”, bà Khoa trải lòng.

Nói về số tiền cũng như số học sinh được bà Khoa giúp đỡ, bà không sao nhớ hết. Với lại, niềm vui của bà là cùng Ban chấp hành Hội vận động càng nhiều tiền, học bổng để cấp phát cho học sinh nghèo vượt khó là điều bà quan tâm nhất, hơn là việc thống kê số lượng, thành tích.

… đến lo cho đồng đội thoát nghèo

Ngay từ khi nhận nhiệm vụ mới, bà tích cực đi vận động, tập hợp những người lính năm xưa tham gia Hội cựu chiến binh; tập trung xây dựng hệ thống tổ chức hội từ cấp huyện đến cơ sở ngày càng vững mạnh, liên tục nhiều năm được Hội cựu chiến binh tỉnh Đồng Tháp đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Đồng Tháp: Nữ cựu chiến binh hết lòng với hoạt động xã hội - 2

Ở tuổi 60, nữ cựu chiến binh Nguyễn Thị Khoa khởi nghiệp với nghề làm dưa chua 

Với vai trò là người “đứng mũi chịu sào”, bà Khoa có nhiều phong trào dân vận khéo giúp đỡ cựu chiến binh cùng nhau làm kinh tế, giảm nghèo, nâng cao đời sống. Bà đã xây dựng và nhân rộng mô hình 9+1 (9 hộ khá, giúp 1 hộ nghèo), giúp đỡ bằng vốn làm kinh tế, khoa học kỹ thuật.

Chỉ trong 5 năm, đã có hơn 100 hộ CCB thoát nghèo bền vững và giúp 2 xã Tân Nghĩa, Nhị Mỹ của huyện Cao Lãnh không còn hộ cựu chiến binh nghèo.

Như cựu chiến binh Trần Văn Cỏi, ngụ ấp 3, xã Gáo Giồng (huyện Cao Lãnh) được hỗ trợ chăn nuôi bò vỗ béo, đã được công nhận thoát nghèo. “Nhờ chị Út Khoa đưa tôi vào tham gia mô hình 9+1 để giúp hỗ trợ tiền mua bò về nuôi, nên tôi đã được công nhận thoát nghèo. Tôi mừng lắm! Gia đình tôi cảm ơn chị Út Khoa vô cùng”, ông Cỏi tâm sự.

Đồng Tháp: Nữ cựu chiến binh hết lòng với hoạt động xã hội - 3

Bà Nguyễn Thị Khoa vinh dự được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng hai, hạng ba; Huân chương Lao động hạng Ba; Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng…

Thực hiện việc xóa nhà ở tạm bợ cho hội viên cựu chiến binh, nhiều người thường bắt gặp hình ảnh nữ cựu chiến binh Nguyễn Thị Khoa trên chiếc xe gắn máy cũ kỹ của người chồng đã qua đời để lại, đi vận động nhiều tổ chức, cá nhân, hoặc tranh thủ nguồn tài trợ của cấp trên.

Qua đó, bà đã giúp xây dựng được hơn 160 căn nhà cho đồng đội, với tổng số tiền hơn 20 tỷ đồng (bao gồm tiền trích từ ngân sách).

Ở bất kỳ cương vị nào, bà Khoa cũng nhiệt tình, đặt công việc lên trên hết, không nghĩ đến quyền lợi cho riêng mình. Bà xứng đáng là một đảng viên, cựu chiến binh trung kiên một lòng theo Đảng, sống và làm việc noi theo gương sáng Bác Hồ.

Khởi nghiệp ở tuổi 60

Chồng qua đời để lại cho bà Khoa hai người con trai trong độ tuổi cắp sách đến trường. Cùng lúc, bà vừa làm mẹ, vừa làm cha để nuôi dạy các con trưởng thành. Bà Khoa làm việc, tích cóp mua được 10 công đất, trồng vườn xoài xen canh cây chanh. Mỗi năm, bà thu lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng.

Bà Khoa được công nhận là cựu chiến binh sản xuất kinh doanh giỏi, nên được nhiều nông dân tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm Hội quán Thuận Mỹ, với mục đích tập hợp nông dân lại, trao đổi phát triển nâng cao giá trị cây ăn trái, tìm đầu ra cho nông sản, không bị thương lái ép giá.

Quá trình công tác, bà Nguyễn Thị Khoa vinh dự được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng hai, hạng ba; Huân chương Lao động hạng Ba; Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng…