1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Dịch tạm lắng, dân xứ biển Bạc Liêu trở lại với nghề… "trời nắng mới ngon"

Huỳnh Hải

(Dân trí) - Dịch Covid-19 bùng phát, nghề làm khô ở xứ biển Bạc Liêu cũng ngưng lại khiến người dân gặp không ít khó khăn. Nay dịch đang tạm lắng xuống, người dân tranh thủ quay lại với nghề để có thu nhập.

Gắn bó với nghề làm ruốc khô ở xứ biển Gành Hào (huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) từ mấy chục năm, bà Nguyễn Thị Hường (54 tuổi) chưa bao giờ chứng kiến cảnh lao đao của nghề như khi dịch Covid-19 xảy ra.

Bà Hường cho biết: "Xưa nay, nghề này chỉ "sợ" trời mưa" là khó làm ăn chứ bình thường vào những tháng "trời nắng mới ngon".

Dịch tạm lắng, dân xứ biển Bạc Liêu trở lại với nghề… trời nắng mới ngon - 1

Khi dịch tạm lắng, một số người dân ở xứ biển Gành Hào bắt đầu quay trở lại với nghề làm khô. Trong đó, con ruốc tươi được mua từ các ghe cào để làm khô là một trong những đặc sản ở xứ này (Ảnh: Huỳnh Hải).

Bình thường, nghề ruốc khô "trúng mánh" được khoảng 3-4 tháng/năm, nhiều nhất là vào các tháng 4, tháng 7, tháng 8 âm lịch, tùy theo mùa gió, con nước.

Dịch tạm lắng, dân xứ biển Bạc Liêu trở lại với nghề… trời nắng mới ngon - 2

Theo người dân địa phương, con ruốc có nhiều loại với kích cỡ khác nhau, từ loại con bằng cây tăm đến bằng đầu đũa ăn (Ảnh: Huỳnh Hải).

"Con ruốc thì đủ loại nhỏ đến lớn. Như 10 ký ruốc tươi loại lớn cỡ đầu đũa ăn mình mua từ các ghe cào khoảng 200.000 đồng. 10 ký tươi này làm ra được 3 ký ruốc khô, giá 120.000 đồng/kg. Nếu trừ đi một số chi phí, tôi còn được hơn 150.000 đồng", bà Hường chia sẻ.

Đó là nói thời điểm trời nắng, còn trời mưa thì những người làm nghề ruốc khô phải  bỏ dép chạy may  ra mới kịp bảo quản ruốc

Dịch tạm lắng, dân xứ biển Bạc Liêu trở lại với nghề… trời nắng mới ngon - 3

Ruốc được phơi ở đê biển Gành Hào vào những lúc trời nắng tốt (Ảnh: Huỳnh Hải).

Những ngày tháng 7, tháng 8 vừa qua dịch bùng phát, chính quyền địa phương áp dụng các Chỉ thị hạn chế dân ra đường nên nghề làm ruốc khô cũng phải ngưng lại.

Gia đình bà Hường và nhiều hộ dân khác mất nguồn thu nhập cả mấy tháng, phải nhờ vào hỗ trợ mất việc của Nhà nước.

Dịch tạm lắng, dân xứ biển Bạc Liêu trở lại với nghề… trời nắng mới ngon - 4

Theo bà Hường, với những gia đình ở xứ biển không có cơ sở như tàu ghe thì nghề làm ruốc khô cũng tạm đủ sống (Ảnh: Huỳnh Hải).

Mấy ngày cuối tháng 9 (giữa tháng 8 âm lịch), tạm thời dịch Covid-19 ở Bạc Liêu đã lắng xuống, gia đình bà Hường và nhiều hộ dân khác ở xứ biển Gành Hào mới ra mua lại ruốc tươi rồi phơi khô để tiếp tục với nghề.

"Dịch cũng vẫn còn diễn biến phức tạp nên trước mắt mình cũng dè chừng để làm nên không làm số lượng nhiều. Mỗi ngày cố gắng dự tính phơi và bán ruốc khô kiếm thu nhập khoảng 150.000 đồng đến 200.000 đồng tạm sinh sống.

Hy vọng dịch bệnh sớm được đẩy lùi để cuộc sống trở lại như xưa, nghề làm khô ruốc cũng hoạt động thoải mái hơn", bà Hường mong mỏi.

Dịch tạm lắng, dân xứ biển Bạc Liêu trở lại với nghề… trời nắng mới ngon - 5

Một số người dân ở Gành Hào làm nghề cá khô cũng bắt đầu quay lại làm sau khi dịch tạm lắng (Ảnh: Huỳnh Hải).

Không chỉ có nghề làm ruốc khô mà nghề làm cá khô ở xứ biển Gành Hào cũng từng bước quay lại. Cá khô ở đây có nhiều loại được đánh bắt từ biển, nhiều nhất là cá lù đù, cá lưỡi trâu, cá khoai...

Bà Nguyễn Thị Huệ (ngụ thị trấn Gành Hào) cho biết, nghề làm cá khô ở xứ biển Gành Hào có từ rất lâu. Cá tươi được người dân mua từ các ghe đánh bắt hải sản, từ các vựa... rồi làm khô các loại để xuất bán ngay tại chỗ cũng như đưa đi nhiều nơi.

Dịch tạm lắng, dân xứ biển Bạc Liêu trở lại với nghề… trời nắng mới ngon - 6

Cá khô được phơi nắng trên những sàn bằng dây thép (Ảnh: Huỳnh Hải).

"Nghề này cũng phụ thuộc nhiều vào thời tiết, nắng thì ngon, mưa thì khó ăn lắm. Nhìn chung giá cả vẫn vừa phải, trung bình vài chục ngàn đến hơn trăm ngàn một ký tùy loại khô. Ở đây cá khô lù đù một nắng thường được ưa chuộng", bà Huệ chia sẻ.

Dịch tạm lắng, dân xứ biển Bạc Liêu trở lại với nghề… trời nắng mới ngon - 7

Tùy vào nhu cầu người dùng, cá khô ở Gành Hào có thể phơi một nắng hoặc phơi thật khô để bảo quản lâu dài. Nghề này cũng đã giúp nhiều người dân ở đây có cuộc sống ổn định (Ảnh: Huỳnh Hải).

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Trọng Hán, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hải, cho biết thời gian qua do dịch bùng phát nên đời sống người dân gặp không ít khó khăn. Với những người mất việc làm thì địa phương hỗ trợ theo quy định.

"Khi dịch tạm ổn, địa phương nới lỏng giãn cách thì địa phương cũng tạo điều kiện cho người dân làm khô bắt đầu quay lại tiếp tục với nghề và hoạt động đảm bảo phòng, chống dịch", ông Hán chia sẻ.