1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Đề xuất đẩy mạnh đưa người lao động nghèo đi làm việc ở nước ngoài

Công Bính

(Dân trí) - Sáng 16/12, tại tỉnh Quảng Nam, Bộ LĐ-TB&XH và UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức hội thảo khoa học bàn giải pháp đưa người lao động các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.

Đây là hội thảo dành cho người lao động các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo các tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lê Văn Thanh - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH khẳng định: "Việt Nam với dân số gần 100 triệu người, có nguồn lao động dồi dào và cơ cấu lao động trẻ, được xem là một trong những nguồn tài nguyên để phát triển đất nước. Người lao động Việt Nam cần cù, chịu khó, thông minh, tiếp thu nhanh là lợi thế trong việc thu hút đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam, cũng như sự quan tâm của các nước trong việc tiếp nhận lao động Việt Nam đến làm việc".

Đề xuất đẩy mạnh đưa người lao động nghèo đi làm việc ở nước ngoài - 1

Hội thảo khoa học bàn giải pháp đưa người lao động các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo tại tỉnh Quảng Nam sáng 16/12

Trong thời gian qua, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã đạt được những kết quả nhất định. Giai đoạn 2016-2020, số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 597.378 lao động, trong đó số lao động đã qua đào tạo chiếm khoảng 85% lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Bình quân hằng năm, số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng góp phần giải quyết việc làm khoảng 10% lao động của cả nước.

"Công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài giúp người dân xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm với thu nhập tương đối cao là một trong những đột phá chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Người lao động thuộc các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển đi làm việc ở nước ngoài cũng góp phần giảm nghèo bền vững, giúp người lao động và thành viên trong gia đình tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản", Thứ trưởng Lê Văn Thanh phát biểu.

Ông Nguyễn Hồng Quang - Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam - cho rằng, trong bối cảnh nước ta đã cơ bản kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 , nhưng trên thế giới dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường nên đây là hội thảo có ý nghĩa lớn trong việc thực hiện mục tiêu kép là vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đề xuất đẩy mạnh đưa người lao động nghèo đi làm việc ở nước ngoài - 2

Ông Nguyễn Hồng Quang - Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam phát biểu tại hội thảo

Theo ông Nguyễn Hồng Quang, từ năm 2016-2019, số lượng lao động tỉnh Quảng Nam đi làm việc ở nước ngoài tăng nhanh hằng năm, bình quân năm sau tăng so với năm trước liền kề là 36,6%. Hiện toàn tỉnh có trên 3.000 lao động đang làm việc ở nước ngoài, trong đó tại Nhật Bản chiếm 87,7%, Hàn Quốc 7,8%, các nước khác 4,5%.

"Thu nhập của người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã góp phần đáng kể giải quyết khó khăn, cải thiện cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình, góp phần đảm bảo an sinh, phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã học tập, tích lũy được nhiều kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm ở nước ngoài để lập thân, lập nghiệp sau khi về nước", ông Nguyễn Hồng Quang phát biểu.

Cũng theo ông Quang, kết quả công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng của tỉnh Quảng Nam trong thời gian qua đã góp phần tích cực trong công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững của tỉnh, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh cũng còn những khó khăn, trở ngại, hạn chế cần phải được khắc phục triệt để trong thời gian tới, nhất là những hạn chế xuất phát từ những nguyên nhân chủ quan trong chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện ở các cấp, các ngành.

Tại hội thảo, các đại biểu đánh giá các hoạt động trong lĩnh vực người lao động đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2016-2020; một số chính sách, hoạt động hỗ trợ người lao động thuộc dự án thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2021-2025, đặc biệt là đối với các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.

Hội thảo cũng trao đổi các giải pháp tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp và địa phương trong công tác tư vấn, tuyển nguồn, đào tạo người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Thông qua hội thảo, các đại biểu chia sẻ và rút ra những bài học kinh nghiệm trong 5 năm tới.