Quảng Nam:

Đánh đu mạng sống giữa rừng làm phu keo sau bão

Ngô Linh

(Dân trí) - Quảng Nam là tỉnh có diện tích trồng cây keo nguyên liệu khá lớn, từ đây cũng hình thành nên nghề phu keo. Công việc chủ yếu của họ là cưa keo, bóc vỏ và vận chuyển lên xe.

Sau bão số 4 (bão Noru), nhiều hecta keo nguyên liệu tại các huyện miền núi, trung du Quảng Nam như Tiên Phước, Hiệp Đức, Phú Ninh bị gãy đổ la liệt. Những ngày này, công việc của những phu khai thác keo thuê cũng tất bật hơn.

Đánh đu mạng sống giữa rừng làm phu keo sau bão  - 1

Sau bão số 4, nhiều hecta keo nguyên liệu tại Quảng Nam bị ngã đổ, người dân phải thu hoạch sớm (Ảnh: Ngô Linh).

Buổi sáng đầu tháng 10, ông Đinh Văn Vui (52 tuổi, xã Tam Dân, huyện Phú Ninh) cùng 8 người vượt xe máy hơn 10km đến khu rừng gỗ keo thuộc xã Tiên Phong, huyện Tiên Phước, bắt đầu công việc thu hoạch gỗ keo thuê tại vườn 2ha do người dân trồng.

Điều chỉnh lại chiếc máy cưa tay còn khá mới, ông Vui cho biết do máy cưa cũ đã hỏng nên ông phải bỏ ra 12 triệu đồng đầu tư chiếc máy mới. Mỗi ngày, ông cắt được khoảng 15 tấn keo và nhận tiền công 70 nghìn đồng/tấn. Trừ chi phí dầu nhớt, hao mòn máy móc, ông thu về khoảng 400-500 nghìn đồng/ngày.

Đánh đu mạng sống giữa rừng làm phu keo sau bão  - 2

Thông thường, gỗ keo đủ tiêu chuẩn là 5 năm, nhưng hiện nay nhiều vườn keo mới 3-4 năm tuổi buộc chủ phải khai thác do đã ngã đổ (Ảnh: Ngô Linh).

"Nếu vườn keo gần đường thì đi về trong ngày, xa thì phải dựng lán trại ở lại. Có những chỗ xe tải không thể vào đến nơi, buộc người vận chuyển phải vác bộ trên vai", ông Vui chia sẻ.

Tất bật với công việc lột vỏ keo, bà Nguyễn Thị Nhàn (56 tuổi, xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước) cho hay, công việc nhà nông không đủ thu nhập, thiếu trước hụt sau, hết cách bà theo chân những phu vác keo thuê để trang trải cuộc sống. Theo nghề đã hơn 15 năm, từ khi các con còn đi học đến lúc đã lập gia đình gần hết, bà vẫn miệt mài với cuộc mưu sinh.

Nhọc nhằn nghề thu hoạch gỗ keo (Video: Ngô Linh).

"Với công việc lột vỏ, vác keo thuê, mỗi ngày tôi được trả công 250 nghìn đồng. Người làm nghề này lâu ngày thường bị các bệnh về thoái hóa cột sống, dù vậy vẫn không bỏ nghề được, thu nhập cũng tạm đủ trang trải cuộc sống", bà Nhàn nói.

Ông Phạm Văn Đức, một chủ thu mua keo, cho biết thu hoạch keo không theo mùa, hễ khi nào khai thác, các chủ vườn mới gọi bán. Công việc này rất vất vả, nguy hiểm luôn chực chờ.

Nếu mua được những đồi keo sát đường, đi lại dễ dàng, sẽ giảm được chi phí nhân công, vận chuyển. Còn những vườn ở khu vực khó đi lại, muốn khai thác phải mở đường cho xe chuyên chở vào nơi gần nhất.

Đánh đu mạng sống giữa rừng làm phu keo sau bão  - 3

Công việc thu hoạch gồm đốn cây, phân khúc, bóc vỏ và bốc lên xe tải, nhiều đoạn đường núi cao khó đi lại phải vận chuyển một quãng đường xa (Ảnh: Ngô Linh).

"Trung bình mỗi đợt khai thác, tôi sẽ sử dụng khoảng 20-30 lao động. Nếu không có những người làm nghề thu hoạch keo thuê thì những người thu mua rừng trồng như chúng tôi khó mà làm ăn được", ông Đức cho hay.

Đánh đu mạng sống giữa rừng làm phu keo sau bão  - 4

Dù công việc nặng nhọc, rất vất vả, nhưng vì mưu sinh nên ở đây cũng thu hút khá đông phụ nữ (Ảnh: Ngô Linh).

Với những người làm nghề thu hoạch keo thì việc trầy xước, dẫm phải gai, té ngã chảy máu là chuyện thường. Có lúc bốc gỗ lên xe tải, gỗ rơi trúng chân, trúng người là không hiếm.

Đánh đu mạng sống giữa rừng làm phu keo sau bão  - 5

Vỏ keo bám chặt vào thân cây rất khó tách, thợ dùng rựa cắt một đường vào thân cây rồi kéo mạnh. Để bảo vệ, thợ phải đeo bao tay (Ảnh: Ngô Linh).

Chị Trần Thanh Hương (36 tuổi, xã Tiên Phong, huyện Tiên Phước) cho biết có một lần do trời mưa nên khi chị vận chuyển gỗ keo lên xe, trơn quá, tuột tay rớt trúng chân. Lần đó chị cũng phải nghỉ điều trị mất mấy ngày, tiền công không đủ bù tiền thuốc.

Khó khăn, vất vả là thế, nhưng công việc khai thác keo thuê đã và đang tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động ở các huyện miền núi, trung du Quảng Nam để họ có nguồn thu nhập đáng kể.

Rừng gỗ keo chiếm diện tích chủ yếu trong hơn 150.000 ha rừng trồng toàn tỉnh Quảng Nam. Loại cây này được xem là cứu cánh giúp người dân các huyện miền núi và trung du xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế.

Hàng năm, rừng ở Quảng Nam cung cấp gần 1,2 triệu m3 gỗ tiêu dùng trong nước và chế biến phục vụ xuất khẩu. Giá trị sản xuất lâm nghiệp, chế biến lâm sản và xuất khẩu của tỉnh hơn 1.400 tỷ đồng, chiếm hơn 10% tổng giá trị sản xuất toàn tỉnh.