1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Quảng Nam:

Cụ bà U70 vẫn băng rừng, lội suối hái lá thuốc bán ngày Tết Đoan Ngọ

Ngô Linh

(Dân trí) - Các loại lá mùng 5 ngày càng khan hiếm. Trước Tết Đoan Ngọ một tháng, cụ Nguyễn Thị Miên (70 tuổi) phải vào các khu rừng nguyên sinh tại Quảng Nam để tìm kiếm, sưu tầm về bán.

Tết Đoan Ngọ (mùng 5/5 âm lịch) tại chợ Hội An, từ sáng sớm, cụ Nguyễn Thị Miên (70 tuổi, huyện Hiệp Đức, Quảng Nam) tranh thủ bày bán các loại lá đã cất công sưu tầm hơn một tháng qua để khách lựa chọn.

Cụ bà U70 vẫn băng rừng, lội suối hái lá thuốc bán ngày Tết Đoan Ngọ - 1

Tết Đoan Ngọ, chợ lá mùng 5 lại nhộn nhịp (Ảnh: Ngô Linh).

Gây ấn tượng với vóc người nhỏ nhắn, làn da rám nắng, nụ cười hiền hậu, quầy lá thuốc của cụ Miên luôn tấp nập người mua.

"Từ hơn một tháng trước, tôi đã vào rừng tự nhiên ở huyện Hiệp Đức, Nam Trà My… để tìm lá. Do diện tích rừng nguyên sinh ngày càng thu hẹp nên các loại lá cũng ngày càng khan hiếm, để gom đủ loại lá rất mất công sức", cụ Miên cho biết.

Rộn ràng phiên chợ lá mỗi năm chỉ mở một lần ở xứ Quảng (Video: Ngô Linh).

Cụ Miên tỉ mỉ đọc tên từng loại lá thuốc đã dày công hái như đại tướng quân, lá chổi, lá dằn… Mỗi loại có một công dụng riêng, nhưng đa số là cây thuốc nam nên có thể chữa một số bệnh và rất tốt cho sức khỏe người dùng.

Tùy theo độ hiếm của mỗi loại lá mà có giá tiền khác nhau. Các loại dễ tìm, dễ trồng trong vườn giá 5.000-10.000 đồng/bó; các loại hái trong rừng sâu có giá 15.000-30.000 đồng/bó.

Cụ bà U70 vẫn băng rừng, lội suối hái lá thuốc bán ngày Tết Đoan Ngọ - 2

Cụ Nguyễn Thị Miên (70 tuổi, áo màu xám) đã nhiều năm hái và bán lá thuốc mùng 5 (Ảnh: Ngô Linh).

Kể chuyện đi rừng hái lá, cụ Miên nói: "Tôi thường đi rừng nên quen rồi, tránh được nhiều nguy hiểm. Mỗi năm tôi đều mang lá xuống chợ Hội An bán, mỗi ngày kiếm khoảng 1 triệu đồng, sau khi trừ công sức tìm kiếm chắc cũng chỉ còn vài trăm nghìn đồng thôi".

Cạnh đó, bà Nguyễn Thị Lịch (55 tuổi, trú thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) cũng đang tất bật bày bán lá. Bà Lịch làm nghề hái lá mùng 5 đã hơn 40 năm. Từ những ngày còn nhỏ, bà đã theo chân mẹ vào rừng hái lá.

Cụ bà U70 vẫn băng rừng, lội suối hái lá thuốc bán ngày Tết Đoan Ngọ - 3

Người dân đi chợ gom đủ các loại lá thuốc để nấu uống (Ảnh: Ngô Linh).

Bình thường bà làm đủ việc, nhưng cứ đến dịp Tết Đoan Ngọ lại gác tất cả để đi tìm lá. Một số loại dễ trồng thì bà thu thập về trồng trong vườn, các loại khó trồng thì tìm kiếm ở các vùng bụi rậm hoặc lên rừng mới có.

"Nghề này tuy vất vả nhưng làm riết rồi quen và cũng nhiều niềm vui. Cứ đến dịp Tết Đoan Ngọ, nhất định phải hái lá bán. Mua lá mùng 5 là phong tục, cũng là niềm vui của các bà, các mẹ đi chợ truyền thống dịp này", bà Lịch chia sẻ.

Cụ bà U70 vẫn băng rừng, lội suối hái lá thuốc bán ngày Tết Đoan Ngọ - 4

Bà Nguyễn Thị Hường (58 tuổi) bán lá thuốc tại chợ quê Nồi Rang, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam hơn 10 năm nay (Ảnh: Ngô Linh).

Theo nghiên cứu từ đông y, lá mùng 5 là tên gọi chung của những loại cây dân dã (lá đậu sen, tía tô, bầu đường, rẻ quạt, ngải cứu, mã đề, đinh lăng, hóc hương, đại tướng quân...), có tác dụng chữa bệnh, rất tốt cho sức khỏe. Như ngũ gia bì trị chứng nhức mỏi, đau khớp, đau lưng; lá tía tô có thể giải cảm...

Cụ bà U70 vẫn băng rừng, lội suối hái lá thuốc bán ngày Tết Đoan Ngọ - 5

Lá mùng 5 rất phong phú, từ loại dễ trồng trong vườn đến loại phải hái tận núi sâu (Ảnh: Ngô Linh).

Không đơn thuần là một loại thức uống, lá mùng 5 là một vị thuốc giải nhiệt, thanh lọc cơ thể, giúp mát gan, lợi đường huyết. Và trên hết, đó là truyền thống dân gian xứ Quảng.

Buổi chợ mùng 5 không ôm về một bó lá, trưa mùng 5 thiếu đi ly nước lá. Thiếu món này, ngày Tết Đoan Ngọ chưa thật sự tròn với người dân xứ Quảng.