1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Cao Bằng:

Có của ăn, của để nhờ mô hình nuôi cá lồng đặc sản trên dòng sông Vi Vọng

Xã Độc Lập, huyện Quảng Uyên (tỉnh Cao Bằng) là địa danh được thiên nhiên ưu đãi có dòng sông Vi Vọng chảy qua, tạo ra nhiều ghềnh thác đẹp và là nơi để nhiều hộ nông dân nuôi cá lồng đặc sản mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Bế Thành Đông, hội viên Hội Nông dân xóm Pác Đa, xã Độc Lập, huyện Quảng Uyên (tỉnh Cao Bằng) là người có ý tưởng và áp dụng mô hình nuôi cá lồng đầu tiên trên địa bàn xã. 

Ông đã đầu tư làm lồng nuôi cá trắm cỏ, bình quân mỗi lồng nuôi thả từ 150 - 200 con cá trắm cỏ giống với kích cỡ từ 0,3 - 0,5kg. Sau một năm nuôi cá trắm cỏ có thể đạt trọng lượng mỗi con từ 3 - 4kg với giá thành bình quân 100 nghìn đồng/kg. 

Nếu quy mô một hộ nuôi 2 lồng cá trắm cỏ thì sau khi trừ chi phí hằng năm cho thu nhập từ 70 - 80 triệu đồng.

Có của ăn, của để nhờ mô hình nuôi cá lồng đặc sản trên dòng sông Vi Vọng - 1

Ông Bế Thành Đông (phải) hướng dẫn hội viên nông dân xóm Pác Đa, xã Độc Lập, huyện Quảng Uyên (Cao Bằng) về kỹ thuật nuôi cá lồng. Ông Đông nuôi cá trắm cỏ là chủ yếu.

Ông Bế Thành Đông, hội viên Hội Nông dân xóm Pác Đa, xã Độc Lập kể về những ngày đầu thực hiện mô hình nuôi cá lồng: "Trước đây tôi chỉ dùng cọc tre, nứa để làm thành lồng nuôi cá, thời gian sử dụng của lồng không lâu, hơn nữa tỷ lệ cá bị thất thoát là khá cao. Sau khi đưa lồng sắt chống gỉ để nuôi cá lồng, hiệu quả cho thấy rõ rệt...".

Theo ông Đông, cá trắm cỏ nuôi lồng trên sông Vi Vọng sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ thu hồi vốn nhanh; góp phần giúp bà con nông dân trong xóm Pác Đa xóa được đói, giảm được nghèo..

Từ con số nhỏ lẻ 1- 2 lồng cá, hiện nay cả xóm đã có 23 lồng nuôi cá với 12 hộ tham gia mô hình nuôi cá lồng trên sông Vi Vọng.

Tổng diện tích đất canh tác của xóm Pác Đa là 17,6ha thì hiện nay bà con nông dân đã chuyển đổi 2,8ha diện tích mặt nước để đầu tư vào lĩnh vực nuôi thủy sản, trong đó có mô hình nuôi cá lồng; chiếm 15,9%.

Bà Lô Thị Vân, hội viên hông dân xóm Pác Đa, xã Độc Lập nói lên sự ân cần chỉ bảo của ông Bế Thành Đông trong việc hướng dẫn bà con nông dân ở xóm phát triển mô hình nuôi cá lồng: "Được sự giúp đỡ tận tình của ông Đông mà mô hình nuôi cá lồng của gia đình tôi đã phát huy được hiệu quả. Từ một gia đình thuộc diện hộ nghèo, đến nay đời sống gia đình tôi đã có của ăn, của để, không phải lo từng bữa ăn như trước nữa nhờ nuôi cá trắm cỏ trong lồng trên sông Vi Vọng...".

Hiện nay, với quy mô 12 hộ dân xóm Pác Đa tham gia mô hình nuôi cá lồng trên sông Vi Vọng thì nguyện vọng của bà con nông dân nơi đây mong muốn cấp trên giúp đỡ làm thủ tục pháp lý để tiến tới thành lập hợp tác xã nuôi cá lồng. 

Hội Nông dân huyện Quảng Uyên (tỉnh Cao Bằng) tiếp thu nguyện vọng của người dân và đang gấp rút hoàn thiện thủ tục trình cấp trên xem xét, sớm quyết định việc thành lập hợp tác xã nuôi cá lồng cho bà con nông dân xóm Pác Đa, xã Độc Lập.

Ông Bế Bình An - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quảng Uyên (tỉnh Cao Bằng) cho biết: "Với trách nhiệm chăm lo quyền và lợi ích cho người nông dân, Hội Nông dân huyện Quảng Uyên đang tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, các ngành chức năng của huyện tạo điều kiện giúp đỡ hội viên nông dân trong toàn huyện nói chung và hội viên nông dân xóm Pác Đa, xã Độc Lập nói riêng có hướng đi mới trong việc phát triển nuôi cá lồng...".

Ông Bế Bình An cũng cho hay, Hội cũng sẽ hỗ trợ tìm đầu ra, tạo thương hiệu và hướng đến thành lập hợp tác xã nuôi cá lồng để bà con có thể nhân rộng mô hình; góp phần cải thiện cuộc sống, tăng thu nhập cho người nông dân...