1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Cả năm thất nghiệp, nghe đến Tết muốn... lộn cả ruột

Hoài Nam

(Dân trí) - Cả năm qua, Trần Quốc Hiệu đi làm chưa được 2 tháng, còn lại trong tình trạng "sống nhờ trợ cấp". Quý cuối năm nghe nhắc đến Tết, cậu lại muốn lộn ruột.

Ra trường 3 năm, làm trong lĩnh vực bị dịch bệnh Covid-19 "dập" tơi tả nhất là du lịch, Trần Quốc Hiệu (26 tuổi, tại TPHCM) đang trải qua thời gian khủng hoảng. 

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, 2 năm qua Hiệu nhảy việc 3 lần, thu nhập chỉ đủ nuôi thân ở thành phố với các khoản như tiền trọ, ăn uống, chi tiêu... Tiết kiệm được chút lại gặp chuyện này chuyện kia, chẳng có gì trong tay. 

Cả năm thất nghiệp, nghe đến Tết muốn... lộn cả ruột - 1

Người lao động di cư tại TPHCM trên đường về quê trong đợt dịch lần thứ 4 (Ảnh: Phạm Nguyễn).

Không thể cầm cự được với nghề đúng chuyên môn được đào tạo, đầu năm nay, Hiệu chuyển hướng xin việc trong lĩnh vực nhà hàng khách sạn. Chưa được 2 tháng thử việc, mới nhận lương một tháng thì nhà hàng cũng đóng cửa vì dịch. Hiệu thất nghiệp từ đầu tháng 5, đến nay đã bước sang tháng thứ 6. 

Đó là những tháng ngày khủng khiếp với Hiệu. Không chỉ bức bí, ngột ngạt khi giam mình trong bốn bức tường của phòng trọ chật chội mà hơn hết là cảm giác mình trở nên vô dụng.

Chàng trai trẻ trải lòng: "Tôi thất nghiệp với đúng 3 triệu đồng trong tài khoản, đủ một tháng tiền phòng. Sau đó, tôi sống qua ngày bằng hỗ trợ thực phẩm từ nhiều nguồn, chủ nhà giảm tiền trọ và bố mẹ, anh chị ở quê gửi tiền vào, giờ vẫn còn nợ hai tháng tiền phòng". 

Thời gian đó, Hiệu cũng kiếm việc làm thêm tại nhà nhưng cũng không đâu đến đâu. Cậu gửi hồ sơ xin việc, phỏng vấn một vài chỗ nhưng nơi không hợp, nơi thì chưa có kết quả. 

Cả năm, tính ra Hiệu chỉ mới đi làm 2 tháng. Đang thất nghiệp, nghe mọi người bắt đầu bàn chuyện cuối năm, nghỉ Tết, Hiệu bảo chỉ muốn "lộn ruột". Tình cảnh của cậu, cứ đà này, Tết muốn về quê có khi cũng phải xin tiền vé từ bố mẹ chứ chưa dám nói kế hoạch này nọ. 

"Đến tuổi này mà tiền không có, công việc chưa đâu đến đâu, vô cùng áp lực. Nhất là khi Tết nhất, phải đối diện với rất nhiều lời hỏi han từ người xung quanh", Hiệu thở dài. 

Đời đang trên hương, bỗng rớt xuống vực thẳm 

Năm 2021 đầy sóng gió với bất kỳ ai do ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4. Rất nhiều người lao động trải qua thảm cảnh thất nghiệp, mất việc làm, mất thu nhập...

Với nhiều người, sự háo hức khi hết năm Tết đến trước đây đã được thay bằng sự lo lắng. Không ít người đã lên kế hoạch gác mọi dự định Tết nhất để lao vào công việc mong vớt vát phần nào sự thiếu hụt trong năm qua. 

Cả năm thất nghiệp, nghe đến Tết muốn... lộn cả ruột - 2

Năm 2021, một năm sóng gió với người lao động, đặc biệt là khu vực phía Nam (Ảnh: Phạm Nguyễn).

Nhìn lại một năm đã trôi vèo, Lê Thị Sinh, 32 tuổi, nhân viên nhân hàng tại quận Bình Thạnh, TPHCM thấy mình chưa làm được gì ra hồn. Hồi tháng 4, cô tính nhảy việc rồi... kẹt dịch đến đầu tháng 10 vừa rồi mới nhận việc ở chỗ mới. 

Chị Sinh là người độc thân, lâu nay làm một chỗ yên ổn, thu nhập khá nên chẳng mấy khi bận tâm vấn đề cơm áo gạo tiền. Tết năm nào chị cũng về quê mừng tuổi, quà cáp cho bố mẹ, ông bà, anh em họ hàng, con cháu... Các năm trước, chị còn đặt tour cho bố mẹ đi du lịch, giúp đỡ họ hàng khó khăn. 

Vậy nhưng Tết năm nay, chị Sinh đã sớm xác định: "Không về quê, cũng không đi đâu hết!". 

Thu nhập khá nhưng tính phóng khoáng, làm đến đâu tiêu đến đó, không giữ được tiền nên mới nửa năm thất nghiệp, Sinh đã liêu xiêu. Chị hài hước lẫn xót xa nói về mình: "Đời đang trên hương, rớt xuống vực thẳm"

Thời gian rồi, cô phải vay tiền để trả góp tiền nhà và chi tiêu hàng ngày. Mới đây, cô vay thêm người bạn thân 4 triệu đồng, để có chút tiền dắt túi khi đi làm lại. 

Sinh gác lại mọi nhu cầu Tết nhất, xác định tăng tốc những tháng cuối năm. Nghỉ làm quá lâu, cô muốn dốc sức vào công việc để bù đắp phần sự thiếu hụt trong nhiều tháng qua. 

Cả năm thất nghiệp, nghe đến Tết muốn... lộn cả ruột - 3

Thất nghiệp, gặp khó khăn trong cuộc sống vì dịch bệnh, nhiều người lao động lo lắng khi cuối năm Tết đến (Ảnh minh họa: H.N).

"Mọi năm, tôi lên kế hoạch Tết trước mấy tháng để đặt vé về quê hoặc tour này kia. Nhưng giờ đây, tôi chỉ mong không có Tết hoặc kỳ nghỉ thật ngắn ngày để tập trung làm việc, kiếm tiền cũng như bớt được những gánh nặng lễ lạt từ Tết", Sinh cho biết.

Được biết, dự thảo đề xuất lịch nghỉ Tết Nhâm Dần của Bộ LĐ-TB&XH thiên về phương án chọn phương án kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022 kéo dài 9 ngày, gồm: 5 ngày nghỉ theo Luật Lao động và 4 ngày nghỉ cuối tuần. Tổng số ngày nghỉ, theo dự kiến, nhiều hơn 2 ngày so với số ngày nghỉ dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.