DMagazine

Nỗi lo lạm phát, nên gửi tiết kiệm, mua vàng, mua cổ phiếu hay ném vào đất?

(Dân trí) - Những thông tin về lạm phát đang gieo nỗi sợ hãi trong tâm trí nhà đầu tư. Người có tiền nên để vào đâu để chống trượt giá, tối ưu hóa lợi nhuận?

NỖI LO LẠM PHÁT HIỆN HỮU

Lạm phát của Anh trong tháng 2 vừa qua ở mức 6,2%, đạt đỉnh 30 năm, cao nhất kể từ tháng 3/1992. Lạm phát tại Mỹ cũng tăng cao trong tháng 3 với mức tăng CPI so cùng kỳ lên tới 2,6%. Những dòng tin này khiến các nhà đầu tư cảm thấy lo ngại trong thời gian gần đây, bởi lạm phát chứ không phải điều gì khác, chính là "kẻ thù" giấu mặt với bất cứ ai đang cầm tiền. Mọi quyết định đầu tư đều phải nỗ lực nhiều hơn để tỷ suất sinh lợi vượt lên trên tốc độ lạm phát, không những chống lại sự trượt giá của tiền mà còn phải tối ưu hóa được nguồn lực tài sản.

Tại Việt Nam, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân trong năm 2022 theo mục tiêu Quốc hội vẫn nằm trong phạm vi 4%. Về mặt lý thuyết, mức lạm phát vừa phải (nằm trong khoảng 2-4%) có tác động tốt tới nền kinh tế, vừa khuyến khích doanh nghiệp sản xuất, đầu tư, giảm thất nghiệp trong xã hội, vừa kích thích được tiêu dùng và giúp tăng trưởng kinh tế.

Năm 2021, mức tăng CPI bình quân chỉ 1,84% so với năm trước, thấp nhất trong 6 năm qua. Tuy vậy, bước sang năm 2022, câu chuyện điều hành "ổn định vĩ mô" lại gặp thách thức lớn do nguy cơ "nhập khẩu lạm phát". Mới đầu năm nhưng người dân, doanh nghiệp đã bắt đầu dần cảm nhận được giá một số mặt hàng đắt lên đáng kể.

Tháng 2 vừa qua, chỉ số CPI đã tăng 1,2% so với tháng 12/2021 và tăng 1,42% so với cùng kỳ năm ngoái, một phần do giá xăng dầu tăng cao. Ngoài ra, giá lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình và giá dịch vụ giao thông công cộng cũng tăng trong dịp Tết Nguyên đán.

Theo chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), lạm phát kỳ vọng vẫn sẽ tăng cao trong các tháng tới, đặc biệt liên quan đến giá xăng dầu trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine chưa hạ nhiệt, chưa kể đến giá cả ở những hàng hóa, dịch vụ khác sẽ đắt đỏ dần. 

Số liệu do Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy, CPI tháng 3 đã tăng 0,7% so với tháng trước, tăng 1,91% so với tháng 12/2021 và tăng 2,41% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung quý I/2022, CPI tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 0,81%. Giá xăng dầu, giá gas tăng theo giá nhiên liệu thế giới; giá nhà ở thuê tăng trở lại sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát; giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và giá xăng dầu là nguyên nhân chính làm CPI tháng 3 tăng.

CÁC KÊNH ĐẦU TƯ THỜI LẠM PHÁT

Nói với Dân trí, ông Nguyễn Minh Tuấn - nhà sáng lập TOPI, đồng thời là CEO tại AFA Capital - cho biết, trong đầu tư, lạm phát được quan tâm vì liên quan đến giá trị thực, sức mua thực và cách tư duy về đầu tư "lấy lợi tức trừ đi lạm phát sẽ ra lợi ích thực".

"Do đó, nếu suy nghĩ trong môi trường vĩ mô, lãi suất đang được Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước giữ ở mức thấp như hiện tại để kích thích nền kinh tế, thì lạm phát nếu có xảy ra sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến các lớp tài sản" - ông Tuấn nhấn mạnh.

Cụ thể, với lớp tiền gửi tiết kiệm, hiện nay lãi suất trung bình khoảng 5-5,5%/năm, nếu lạm phát lớn hơn 4% như mọi người đang đồn đoán hoặc cao hơn nữa thì lãi suất tiền gửi sẽ bị âm. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến chính sách tiền tệ, là giữ một môi trường lãi suất thấp và ổn định để ổn định nền kinh tế, chính vì vậy, các chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa sẽ phải kiểm soát lạm phát rất chặt và không đến mức như thị trường đang kỳ vọng. Mặt khác, ẩn sâu trong đó còn phải nhìn nhận GDP sẽ tăng trưởng bao nhiêu phần trăm.

Nỗi lo lạm phát, nên gửi tiết kiệm, mua vàng, mua cổ phiếu hay ném vào đất? - 1

Ông Nguyễn Minh Tuấn (Ảnh: MT).

Về lớp trái phiếu doanh nghiệp, nếu như lạm phát không ở mức 4% như kế hoạch năm nay mà ở một mức cao hơn, thì với những trái phiếu doanh nghiệp tốt, có tài sản đảm bảo chất lượng, lãi suất cũng chỉ khoảng 8-9%/năm. Khi trừ đi như vậy, lợi ích thực cũng chỉ tương ứng mức 5% là rất thấp.

Đối với thị trường vàng, thời điểm này, những người đầu tư vàng từ đầu năm hoặc một cách đều đặn đang được hưởng thành quả khi nỗi sợ của thị trường về lạm phát bắt đầu tác động. Nghịch lý là hiện tại khi mọi người bắt đầu đổ xô sang mua vàng trong bối cảnh lượng cung vàng miếng được kiểm soát thường xuyên, có sự găm giữ thiếu hụt và thanh khoản thấp, thì giá vàng bị biến động rất mạnh.

"Do đó, nếu chúng ta không có tư duy chu kỳ và chuẩn bị những lớp tài sản đầu tư từ trước và khi có kỳ vọng lạm phát đẩy mà lại đi mua lại tài sản với mức giá chênh lệch với thế giới rất cao thì đó là điều không được khuyến khích" - ông Tuấn đánh giá.

Với hai lớp tài sản còn lại là bất động sảncổ phiếu, đến nay mọi người đang có thiên hướng đổ rất nhiều tiền vào bất động sản, cũng như một số cổ phiếu bất động sản đầu cơ.  "Theo tôi, tất cả các tài sản đầu tư, chúng ta phải hiểu chu kỳ của nó và chuẩn bị từ trước, đến khi sự việc thực sự xảy ra, thì đó chính là thời điểm có thể hái quả ngọt, chứ không phải dựa vào những thông tin trên thị trường mới đi mua vàng, mua bất động sản, hay đầu tư rất nhiều vào cổ phiếu" - ông nhận xét.

Ông Tuấn nói thêm rằng đặc tính của thị trường Việt Nam là cái gì "nóng" thì mọi người đổ xô vào, dẫn đến câu chuyện "đu đỉnh", cho nên nhà đầu tư phải có chiến lược rất rõ ràng để chuẩn bị. Vừa qua, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã có cảnh báo về sức ép lạm phát, đồng thời phải cân đối giữa câu chuyện chính sách tiền tệ và lạm phát, tính toán đến câu chuyện lãi suất. Để ổn định vĩ mô và hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển thì lãi suất có lẽ sẽ không tăng. Do đó, hàng loạt các biện pháp phải đưa ra để kiểm soát lạm phát trong thời gian tới.

Nỗi lo lạm phát, nên gửi tiết kiệm, mua vàng, mua cổ phiếu hay ném vào đất? - 2

Lãi suất tiền gửi tiết kiệm hiện trung bình khoảng 5 - 5,5% (Ảnh: Mạnh Quân).

CHỨNG KHOÁN CÓ CÒN HẤP DẪN?

"Bối cảnh lạm phát và lãi suất tăng thì thị trường cổ phiếu có còn sức hấp dẫn và còn có triển vọng sinh lời tốt như năm 2020, 2021 nữa hay không?" là câu hỏi mà mọi nhà đầu tư đều phải đau đầu suy tính trong thời gian này. 

Chia sẻ với Dân trí, ông Bùi Minh Long, Trưởng phòng Quản lý Danh mục đầu tư quỹ DCDS Dragon Capital Việt Nam, cho rằng, thị trường chứng khoán trong dài hạn luôn là kênh đầu tư hấp dẫn.

"Thực tế tại Việt Nam, mặc dù thị trường chứng khoán còn non trẻ mới trải qua hơn 20 năm với nhiều cuộc khủng hoảng lớn nhỏ nhưng cũng đã tăng tới 14 lần. Còn xa hơn, thị trường chứng khoán Mỹ trong 100 năm qua với nhiều cuộc chiến tranh, khủng hoảng, suy thoái, lạm phát vẫn tồn tại và tăng trưởng hơn 600 lần" - ông Long dẫn chứng.

Dĩ nhiên khi lãi suất tăng quá cao, lạm phát phi mã thì rủi ro nền kinh tế đi vào khủng hoảng là hiện hữu. Ví dụ giai đoạn 2011 - 2012, lãi suất ngân hàng lên tới 15 - 20% thì đầu tư vào đâu cũng khó, lúc này kênh gửi tiết kiệm lại là an toàn nhất.

Mặc dù vậy, theo ông Bùi Minh Long, việc dự báo chính xác khi nào khủng hoảng kinh tế xảy ra là rất khó. Ông Long đề cập đến câu nói nổi tiếng, đại khái là: "Có nhiều tiền bị mất mát do nhà đầu tư cố gắng dự báo khi nào thị trường điều chỉnh hơn là do chính sự điều chỉnh của thị trường".

Vì vậy, hiện tại, khi kinh tế vĩ mô vẫn ổn định, lạm phát và lãi suất có tăng nhưng chưa ở mức quá cao, bất hợp lý thì nhà đầu tư không nên lo sợ mà nên tiếp tục tập trung tìm kiếm và đầu tư vào những doanh nghiệp tốt nhất hiện có trên thị trường.

Về câu chuyện số tài khoản mở mới tháng 2 vẫn đạt trên 200.000 tài khoản nhưng thanh khoản thị trường chứng khoán lại thấp hơn hẳn giai đoạn bùng nổ trước đó, ông Bùi Minh Long cho rằng, điều này có thể được giải thích bởi 2 lý do. Một là do nhà đầu tư đang lưỡng lự, dè dặt trước những thông tin tiêu cực do chiến tranh, lạm phát, lo ngại rủi ro. Nhưng cũng có thể là do nhà đầu tư đã học được nhiều hơn, tâm lý vững vàng hơn, có xu hướng nắm giữ cổ phiếu dài hạn hơn và do đó ít giao dịch hơn trước. Bằng chứng là có nhiều cổ phiếu của những doanh nghiệp tốt vẫn tăng giá với thanh khoản giảm dần, do tính chất cổ đông ngày càng cô đặc hơn.

"Bản chất cổ phiếu là đại diện cho doanh nghiệp, doanh nhân, là thành phần năng động nhất và tạo ra nhiều giá trị gia tăng nhất cho xã hội. Vì vậy kênh đầu tư chứng khoán luôn hấp dẫn do tính chất hiệu quả trong việc điều chuyển vốn, cụ thể là thị trường luôn đào thải những doanh nghiệp yếu kém và tưởng thưởng cho những doanh nghiệp xuất sắc", ông nói. 

Nỗi lo lạm phát, nên gửi tiết kiệm, mua vàng, mua cổ phiếu hay ném vào đất? - 3

Ông Bùi Minh Long, Trưởng phòng Quản lý Danh mục đầu tư quỹ DCDS Dragon Capital Việt Nam (Ảnh: NVCC).

Còn về việc nhà đầu tư nước ngoài đã rút ròng liên tục vài năm trở lại đây, ông Long cho hay, đó là bởi những lý do riêng và không phải đến từ yếu tố nội tại của thị trường Việt Nam. Thị trường hiện tại vẫn ở trong vùng định giá hấp dẫn theo tương quan với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận.

Ông Long nhận xét, sự tham gia mạnh mẽ của nhà đầu tư trong nước đã làm giảm đi đáng kể ảnh hưởng của giao dịch khối ngoại tới thị trường chứng khoán Việt Nam. Ông cũng cho rằng, xu thế này sẽ còn tiếp diễn vì như thực tiễn đã diễn ra ở nhiều nước trong quá khứ, khi mà mức thu nhập trên đầu người tăng cao vượt một mức độ nào đó, người dân trong nước sẽ có xu hướng đa dạng hóa các kênh đầu tư mới thay vì các kênh truyền thống như vàng và tiết kiệm.

TRONG LẠM PHÁT, NHỮNG DÒNG CỔ PHIẾU NÀO HƯỞNG LỢI?

Trên góc độ của một người quản lý quỹ, ông Bùi Minh Long nhìn nhận, trong môi trường lạm phát thì giá cả mọi hàng hóa, ở mọi ngóc ngách đều tăng lên. Những doanh nghiệp được hưởng lợi là những doanh nghiệp có tốc độ tăng giá sản phẩm đầu ra nhanh hơn tốc độ tăng giá hàng hóa đầu vào.

Ông lấy ví dụ, trong khi chúng ta đang dự đoán xem lạm phát năm nay sẽ ở mức 3% hay 4% thì giá cá tra Việt Nam xuất khẩu đi Mỹ đã tăng gấp đôi từ 2,5 USD/kg lên 5 USD/kg. Trong khi giá vốn cá nguyên liệu chỉ tăng khoảng 50%. Như vậy các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản rõ ràng đang được hưởng lợi. Xu hướng này đã bắt đầu từ cuối quý III năm ngoái và vẫn tiếp tục tiếp diễn cho tới đầu năm nay.

Hoặc ví dụ khác là có những doanh nghiệp bất động sản năm ngoái bán sản phẩm với giá 40 triệu đồng/m2, năm nay giá bán đã tăng lên 60 triệu đồng/m2, tương ứng tăng 50%. Trong khi giá vốn của họ không tăng nhiều tới mức đó do phần lớn trong giá vốn là chi phí đất thì doanh nghiệp đã thu gom quỹ đất từ lâu, chi phí xây dựng (xi măng, sắt thép…) tuy có tăng mạnh nhưng chiếm tỷ trọng thấp trong cơ cấu tổng giá vốn.

Tóm lại thành công trong đầu tư không hề dễ dàng, tuy nhiên ông Long cho rằng, cơ hội không phải là không có nếu chúng ta chịu khó tìm kiếm và đầu tư vào những doanh nghiệp, cổ phiếu tốt và không nên quan tâm quá nhiều tới thị trường chung.

Về Dragon Capital, ông Long cho biết, bản thân tổ chức này đang quản lý danh mục hàng chục quỹ đầu tư nhưng có thể chia ra hai loại hình chính. Quỹ đầu tư bị động, hay quỹ ETF là các quỹ đầu tư tuân theo chỉ số chứng khoán, ví dụ như chỉ số VN30, VNDiamond. Tỷ suất sinh lời của các quỹ dạng này sẽ giống gần như tuyệt đối tỷ suất sinh lời của chỉ số chứng khoán. Loại hình thứ hai là các quỹ chủ động, dạng quỹ mở. Đây là các quỹ được quản lý trực tiếp bởi đội ngũ chuyên viên phân tích và nhà quản lý quỹ chuyên nghiệp của Dragon Capital. Mục tiêu của quỹ là lựa chọn các khoản đầu tư chứng khoán tốt nhất trên thị trường để đem lại suất sinh lời tốt nhất cho nhà đầu tư.

CƠN SỐT HÀNG HÓA VÀ HIỆU ỨNG "FOMO"

Trong thời gian vừa qua, cùng với việc giá hàng hóa tăng mạnh, giá cổ phiếu hàng hóa nhiều thời điểm cũng tăng theo "chóng mặt", có thể kể đến cổ phiếu của những doanh nghiệp trong lĩnh vực dầu khí, phân bón, doanh nghiệp có mỏ niken, mỏ đá…

Ông Nguyễn Hoàng Giang - Chủ tịch Công ty Chứng khoán DNSE - cho rằng, từ đầu năm đến nay, VN-Index vẫn đang duy trì xu hướng sideway và theo đó, khi thị trường đi ngang, lợi thế sẽ thuộc về những cổ phiếu "có câu chuyện" dầu khí, than, phân bón…

Nỗi lo lạm phát, nên gửi tiết kiệm, mua vàng, mua cổ phiếu hay ném vào đất? - 4

Trong thời gian vừa qua, cùng với việc giá hàng hóa tăng mạnh, giá cổ phiếu hàng hóa nhiều thời điểm cũng tăng theo chóng mặt (Ảnh: Hải Long).

Dẫn chứng về ngành phân bón, ông Giang cho hay, do Nga chiếm 13% tổng kim ngạch thương mại phân bón chính trên toàn cầu và gần 16% thương mại toàn cầu đối với các loại phân bón thành phẩm quan trọng nên các biện pháp trừng phạt do châu Âu và Mỹ áp đặt lên Nga sẽ gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung toàn cầu, dẫn đến tăng giá phân bón.

Với giả định Nga ngừng xuất khẩu phân bón, bản chất sẽ khiến giá phân bón tăng và giúp các doanh nghiệp cải thiện biên lợi nhuận gộp trong bối cảnh giá khí đầu vào tăng cao. Đây chính là nguyên nhân khiến giá cổ phiếu phân bón tăng. Tuy nhiên, cũng có hiện tượng một số cổ phiếu dầu khí có thể không hưởng lợi từ việc tăng giá dầu nhưng giá vẫn tăng bốc đầu và điều này tất nhiên ẩn chứa nhiều rủi ro. Khi cuộc chiến giữa Nga và Ukraine dừng lại, chắc chắn sẽ tạo ra làn sóng giảm giá và hạ nhiệt trong giá dầu.

Chính vì vậy, ông Nguyễn Hoàng Giang lưu ý nhà đầu tư cần tính đến trường hợp giá hàng hóa cơ bản sẽ giảm khi chiến sự giữa Nga và Ukraine dừng lại. Giá cổ phiếu được hưởng lợi ngắn hạn và tăng bốc đầu nhờ bão tăng giá thì một khi giá hàng hóa giảm cũng sẽ kéo theo sự tụt dốc và bất ngờ không kém đối với giá cổ phiếu trên thị trường.

PHÂN BỔ TÀI SẢN SAO CHO HỢP LÝ?

Theo ông Bùi Minh Long, bên cạnh chứng khoán, kênh bất động sản cũng rất tiềm năng. Còn kênh đầu tư vào vàng có thể sinh lời trong ngắn hạn nhưng dài hạn, ông Long đánh giá không hấp dẫn vì vàng không tạo ra giá trị gia tăng.

"Vàng là kênh trú ẩn rủi ro nên chỉ tăng giá mỗi khi có rủi ro chiến tranh, bệnh dịch mà thôi" - chuyên gia từ Dragon Capital nhận xét.

Bên cạnh đó, gửi tiết kiệm ngân hàng là kênh an toàn ổn định nhưng hiện tại lãi suất vẫn quá thấp và không linh hoạt. Nhà đầu tư có thể xem xét chuyển một phần dòng vốn tiết kiệm sang đầu tư trái phiếu hoặc các quỹ trái phiếu. Sản phẩm quỹ trái phiếu có rất nhiều điểm ưu việt như tính an toàn ổn định không kém kênh tiết kiệm, lợi suất lại tốt hơn, thanh khoản cao hơn đồng thời giữ lãi cho nhà đầu tư trong trường hợp tất toán trước hạn.

Nỗi lo lạm phát, nên gửi tiết kiệm, mua vàng, mua cổ phiếu hay ném vào đất? - 5

Chuyên gia từ Dragon Capital cho rằng, vàng là kênh trú ẩn rủi ro nên chỉ tăng giá mỗi khi có rủi ro chiến tranh, bệnh dịch (Ảnh: Tiến Tuấn).

Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Tuấn lưu ý, việc lựa chọn hướng đi đầu tư theo ngắn hạn, trung hạn hay dài hạn phụ thuộc vào nhiều ý tố, như thời gian theo dõi thị trường, kiến thức và kinh nghiệm đầu tư cũng như định hướng đầu tư của mỗi cá nhân.

Với những người không có nhiều thời gian theo dõi thị trường, ông Tuấn khuyến nghị nên phân bổ danh mục đầu tư góc nhìn trung - dài hạn, rèn luyện được tính lạc quan và kiên nhẫn, tránh để tin tức tiêu cực trong ngắn hạn ảnh hưởng để nhận được lợi nhuận cao vượt trội trong tương lai.

"Việc nắm giữ các danh mục tài sản được quản lý cẩn trọng, tuân thủ nguyên tắc đa dạng hóa qua các lớp tài sản và chất lượng danh mục bao gồm các doanh nghiệp hàng đầu, có tiềm năng tăng trưởng sẽ đem lại hiệu quả tốt trong tương lai. Danh mục đầu tư nên bao gồm cả vàng, tiền gửi, trái phiếu và cổ phiếu với tỉ lệ phù hợp, tùy theo mức độ chấp nhận rủi ro của mỗi cá nhân" - ông Tuấn đưa ra lời khuyên.

"BÀI KIỂM TRA" VỚI TIỂN ẢO, BITCOIN

Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, những sự kiện địa chính trị chính là một trong những thước đo thực tế nhất đối với vai trò và giá trị của tài sản đầu tư. Trước đây, vàng là tài sản trú ẩn an toàn cho các nhà đầu tư và đóng vai trò tiền tệ chủ yếu mỗi khi khủng hoảng xảy ra. Giờ đây là tiền mã hóa, mà dẫn đầu là bitcoin, phần nào đang cho thấy một vai trò tương tự.

Trong 12 tiếng đầu tiên của cuộc chiến, vàng tăng giá khoảng 3-4%, trong khi bitcoin giảm 6%. Thế nhưng, đồng tiền mã hóa đã nhanh chóng hồi phục mạnh mẽ, thậm chí còn tăng giá hơn cả trước đó. Đến cuối tuần, bitcoin tăng 8% còn vàng giảm 1%.

"Những con số không hề nói dối về tâm lý và kỳ vọng của nhà đầu tư với 2 tài sản đặc trưng cho tài chính truyền thống và tài chính 4.0" - ông Tuấn nhận xét. Tất nhiên, bitcoin và tiền ảo vẫn là những thị trường mới mẻ với sự biến động giá lớn, và theo ông, sẽ cần thêm các "bài kiểm tra" để ghi điểm trong mắt nhiều người.

Nỗi lo lạm phát, nên gửi tiết kiệm, mua vàng, mua cổ phiếu hay ném vào đất? - 6

Bitcoin đang là kênh đầu tư được nhiều người quan tâm (Ảnh: Reuters).

Tại Việt Nam, hiện nay vẫn chưa có quy định pháp lý điều chỉnh hoạt động phát hành, mua bán, trao đổi tiền ảo, tài sản ảo, đồng thời cũng chưa quy định đơn vị chính thức quản lý việc phát hành và giao dịch các đồng tiền ảo, tài sản ảo.

Trước thực trạng tội phạm công nghệ cao thông qua đầu tư tiền ảo có nhiều diễn biến phức tạp, các đối tượng sử dụng nhiều hình thức tinh vi, Bộ Tài chính đã lên tiếng cảnh báo về những rủi ro, nguy cơ và hệ lụy của việc tham gia mua bán, giao dịch, đầu tư, kinh doanh tài sản ảo, tiền ảo bất hợp pháp.

Chưa kể trong quá trình giao dịch, nếu nhà đầu tư quên mất tài khoản ví điện tử chứa tiền ảo thì sẽ mất luôn vĩnh viễn vì không thể lấy lại được, từ đó dẫn đến nguy cơ bị đánh cắp. Ông Tuấn cho biết, điều này hoàn toàn trái ngược với chứng khoán vì được lưu ký tập trung tại Trung tâm lưu ký chứng khoán.

Nội dung: Bích Diệp - Hoàng Dung