1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Ngược dòng, những chợ mới theo mô hình truyền thống vẫn hứa hẹn đông khách!

Hà Nguyễn

(Dân trí) - Mặc dù, hiện nay, xu hướng phát triển trung tâm thương mại, siêu thị lớn vẫn là chủ đạo. Tuy nhiên, con số 80% lượng hàng hóa vẫn qua chợ truyền thống cho thấy, mô hình này vẫn...chưa cũ!

Chợ truyền thống vẫn chưa hết khách

Mặc dù trong những năm gần đây, ở nhiều tỉnh, thành phố, các trung tâm thương mại, siêu thị hiện đại, qui mô lớn liên tục ra đời và thu hút lượng khách hàng rất lớn như các siêu thị Aone (100% vốn Nhật Bản), các trung tâm thương mại lớn của Vingroup... Với cung cách tổ chức bán hàng, trưng bày sản phẩm hiện đại, bắt mắt, với nhiều khu vui chơi, giải trí, tiện ích, nguồn hàng phong phú, các trung tâm thương mại, siêu thị đó đã đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng và thu hẹp phạm vi của các chợ truyền thống.

Ngược dòng, những chợ mới theo mô hình truyền thống vẫn hứa hẹn đông khách! - 1

Chợ Du lịch Lào Cai được xây dựng theo mô hình... cũ

Tuy nhiên, điều đó cũng không có nghĩa là các chợ truyền thống đã hết thời. Con số thống kê cho đến thời điểm tháng 10/2020 của Bộ Công Thương cho thấy, cả nước hiện có hơn 9.000 chợ truyền thống, phân phối khoảng 80% lượng hàng hóa đến tay người tiêu dùng. Một con số cho thấy khối TTTM, siêu thị mới vẫn chưa dễ thay thế cho mô hình chợ cũ.

Riêng tại Hà Nội, hiện nay có hơn 400 chợ, 73 siêu thị, khoảng 25 trung tâm thương mại, ngoài ra còn hàng nghìn cửa hàng bán lẻ và hàng trăm chợ cóc, chợ tạm phục vụ nhu cầu của nhân dân thành phố. Trong đó, siêu thị mới đảm nhiệm được khoảng 15% nhu cầu, còn lại chợ và cửa hàng bán lẻ đảm nhiệm tới 85%, riêng chợ truyền thống đảm nhận khoảng 40% nhu cầu.

Lý giải về điều này, nhiều chuyên gia kinh tế, thương mại cho rằng, đến nay, chợ truyền thống vẫn đảm nhận tỷ trọng lớn trong doanh số bán lẻ, nhất là về thực phẩm tươi sống. Một điều quan trọng khiến số đông người tiêu dùng vẫn đến với chợ truyền thống là giá hàng hóa tại đây thường rẻ hơn 30% - 40% so với các TTTM, siêu thị lớn.

Một khảo sát của Công ty chuyên nghiên cứu thị trưởng Nielsen cho thấy, kênh bán lẻ truyền thống nói chung hiện nay gồm chợ và cửa hàng tạp hóa chiếm tới 80% doanh thu ngành bán lẻ.

Khi chợ truyền thống làm theo kiểu mới

Ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch Hợp tác xã đầu tư xây dựng và khai thác quản lý chợ Cường Phát cho rằng, mô hình chợ truyền thống vẫn còn nguyên những giá trị, hiệu quả trong cách thức hoạt động của nó nên sẽ vẫn còn phát triển được, song song cùng với mô hình các TTTM, siêu thị hiện đại.

"Tôi nghĩ rằng, đại đa số người dân khi đến chợ, họ vẫn muốn được mua bán theo kiểu mặc cả. Dù mặc cả được ít hay nhiều thì người ta vẫn thích được quyền nào đó trong giá mua một sản phẩm của mình. Hơn nữa, chợ truyền thống cũng không chỉ là nơi mua bán, nó còn là nơi giao lưu văn hóa, nơi hội họp... mà các TTTM, siêu thị mới dù hiện đại đến đâu cũng không dễ gì thay thế được", ông Cường nói.

Bà Nguyễn Thị Vi Huế - Phó Chủ tịch UBND thành phố Lào Cai cũng cho rằng, việc duy trì, phát triển các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh này vẫn rất hợp lý, cần thiết. Bà này cho biết, tỉnh Lào Cai đang tập trung đôn đốc tiến độ hoàn thành của Chợ Du lịch Lào Cai -một khu chợ mới, tổ chức theo mô hình chợ truyền thống nhưng cũng có những cách tân nhất định về tổ chức, thiết kế, cách thức hoạt động.

Ngược dòng, những chợ mới theo mô hình truyền thống vẫn hứa hẹn đông khách! - 2

Chợ du lịch Lào Cai chuẩn bị đi vào hoạt động 

"Chúng tôi tổ chức chợ này theo hướng vẫn là chợ truyền thống nhưng thiết kế chợ cũng hiện đại, được đầu tư lớn để hoàn thiện hệ thống phòng cháy chữa cháy, có nhiều khu dịch vụ, ăn uống, giải trí, bán hàng tươi sống...và phải thực sự là chợ du lịch và hoạt động 24/24 giờ- theo mô hình kinh tế ban đêm. Hiện, Thành phố đã có văn bản quyết tâm trước Tết Nguyên đán phải hoàn thiện và vào chợ. Chúng tôi hoàn toàn tin rằng, khu chợ mới này sẽ đông người mua bán, thay thế được cho khu chợ Cốc Lếu hiện đã xuống cấp", bà Huế khẳng định.

Không chỉ ở Lào Cai, mà ở nhiều tỉnh, thành phố khác, kể cả Hà Nội và TPHCM, mặc dù vẫn ghi nhận mô hình TTTM, siêu thị hiện đại là xu hướng phát triển vẫn phải đầu tư nhưng chính quyền các tỉnh, thành phố vẫn cho phép duy trì, phát triển song song hệ thống chợ truyền thống, chợ dân sinh vì đó vẫn là mô hình chưa thể thay thế hết được để đáp ứng nhu cầu mua, bán của người dân.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho biết: Ngành công thương đưa ra dự báo hết năm 2020, cả nước có 1.200 siêu thị, 157 trung tâm mua sắm, 180 trung tâm thương mại và các mô hình bán lẻ hiện đại sẽ tiếp tục đà phát triển mạnh mẽ, ảnh hưởng không nhỏ đến việc duy trì vị thế của chợ truyền thống. Tuy nhiên, theo ông chợ truyền thống sẽ không bao giờ mất đi nếu được quan tâm đúng mức.

"Chợ truyền thống đã và sẽ sống với chúng ta. Có những chợ đã trải qua hàng trăm năm như Bến Thành, Đông Ba, Đồng Xuân… Tại một số nước còn đang khôi phục lại chợ truyền thống, bởi lẽ chợ còn là nơi giao lưu văn hóa chứ không chỉ là nơi trao đổi hàng hóa", ông Phú nói.