DMagazine

"Không được nói không, không được nói khó, không được nói có mà không làm"

(Dân trí) - Đó là tinh thần được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi đối diện với những yêu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Cuộc chuyển giao thế hệ lãnh đạo diễn ra sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII được kỳ vọng sẽ tiếp tục đưa đất nước phát triển, nâng cao vị thế, uy tín trên trường quốc tế, hiện thực hóa khát vọng "Việt Nam hùng cường" vào giữa thế kỷ 21. Cùng với nhiều giá trị to lớn được kế thừa, những thách thức cũng đặt ra với đội ngũ lãnh đạo chủ chốt của cả bộ máy, điều này đòi hỏi quyết tâm, sáng tạo và những đột phá trong thể chế, chính sách và giải pháp cụ thể nhằm đưa Việt Nam "cất cánh" theo kỳ vọng.

Không được nói không, không được nói khó, không được nói có mà không làm - 1

Tính đến nay, Chính phủ mới kiện toàn do Thủ tướng Phạm Minh Chính đứng đầu mới vận hành được hơn 60 ngày. Thủ tướng và Chính phủ đang thể hiện vai trò, trách nhiệm và tầm nhìn chiến lược nhưng cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn khi đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 với diễn biến rất phức tạp.

Không được nói không, không được nói khó, không được nói có mà không làm - 2

Trên cơ sở kế thừa, phát huy chính sách và thành quả của những đợt chống dịch
Covid-19 trước đây, từ đầu tháng 5, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan điểm và tinh thần chỉ đạo mới, cách tiếp cận mới với đại dịch, đó là "chuyển trạng thái phòng chống dịch từ phòng ngự sang chủ động tấn công, song phải hài hòa giữa phòng ngự và tấn công, bảo đảm hiệu quả cao nhất". Tinh thần, quan điểm chỉ đạo này đã tạo ra những tiền đề quan trọng để hiện thực hóa "mục tiêu kép" của Chính phủ là vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.

Đánh giá về những nét mới của Chính phủ nhiệm kỳ này, ông Nguyễn Sỹ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - cho biết: "Tôi thấy Chính phủ mới kiện toàn tương đối ổn, ngày càng chứng tỏ là một Chính phủ kỹ trị. Tôi phấn khởi và có lòng tin vào Chính phủ". Theo ông Dũng, nền tảng của Chính phủ tốt trên cơ sở chính trị sẽ đúng khi nền kinh tế phát triển và sẽ đúng khi chống dịch Covid-19.

Không được nói không, không được nói khó, không được nói có mà không làm - 4

Chứng kiến sự điều hành của Thủ tướng và Chính phủ trong những ngày qua, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói thêm: "Đây là Chính phủ hành động. Chính phủ nói ít làm nhiều. Điều này hình thành nên phong cách mới của Chính phủ, có lẽ sẽ tạo ra một động lực mạnh". 

Trong khi đó, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - nhấn mạnh đến tinh thần của Chính phủ mới kiện toàn, những thông điệp, cách thức điều hành, từ đó bày tỏ niềm tin về một phương thức hoạt động theo hướng tập trung vào Chính phủ hành động, hiệu lực, hiệu quả.

"Nhiều năm trước, Chính phủ có đưa ra một số mục tiêu là phải xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động. Khi chúng tôi khảo sát các doanh nghiệp, phần lớn doanh nghiệp đều có sự lựa chọn hàng đầu như một mong mỏi của cộng đồng kinh doanh đối với Chính phủ, đó là: Chính phủ hành động" - Chủ tịch VCCI nói và cho rằng chúng ta đang hướng tới một Chính phủ như vậy để đảm bảo có thể điều hành, chỉ đạo phát triển kinh tế trong bối cảnh mới.

Không được nói không, không được nói khó, không được nói có mà không làm - 5

Covid-19 đang lan rộng trên cả nước với số ca nhiễm không ngừng tăng lên, diễn biến "nóng" chuyển hướng tập trung ở đầu tàu kinh tế TPHCM. Trong khi đó, dịch Covid-19 ở Bắc Giang và Bắc Ninh vẫn chưa "hạ nhiệt", đây là hai địa phương có nhiều khu công nghiệp với các nhà máy của những tập đoàn tầm cỡ toàn cầu, vì vậy phải nỗ lực khôi phục sản xuất kinh doanh càng nhanh càng tốt nhằm tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, tạo cơ hội mới thu hút đầu tư khi làn sóng chuyển dịch đang có dấu hiệu chững lại.

Trong tình hình mới, chiến lược phát triển kinh tế Việt Nam như thế nào?

Không được nói không, không được nói khó, không được nói có mà không làm - 6

Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, chúng ta đang ở trong bối cảnh duy trì nền kinh tế với nhiều thách thức mới. Quan điểm thực hiện một cách chủ động, tích cực, ưu tiên phòng chống dịch bệnh nhưng vẫn phải phát triển kinh tế, lo sinh kế của người dân là vô cùng quan trọng. Đây là một thách thức rất lớn, đòi hỏi phải có sự vào cuộc, sự đồng tâm của toàn bộ hệ thống chính trị, phải hết sức linh hoạt trong điều hành phát triển kinh tế, trong ứng phó với dịch bệnh.

"Việc chủ động tấn công, đảm bảo hài hòa giữa tấn công và phòng vệ là chiến lược cần thiết và không thể có sự lựa chọn thích hợp hơn. Chính phủ tăng cường sự chủ động, áp dụng những giải pháp linh hoạt chính là những định hướng, cách thức giúp chúng ta sớm vượt qua đại dịch và lấy lại được sức hấp dẫn về đầu tư nước ngoài cũng như đà tăng trưởng" - ông Lộc nói.

Cùng với "cuộc chiến" chống dịch Covid-19, ông Lộc cũng cho biết Chính phủ đang cải cách thể chế và coi đó là nhiệm vụ trung tâm. Việc xây dựng quyết sách được Chính phủ đề cao tính thực tiễn, mang hơi thở cuộc sống vào những quyết sách của Chính phủ.

"Thủ tướng nhấn mạnh với các cơ quan của Chính phủ khi đối diện những yêu cầu của người dân và doanh nghiệp là "không được nói không, không được nói khó, không được nói có mà không làm" - ông Lộc dẫn chứng và cho rằng: Một Chính phủ hành động với tinh thần trách nhiệm được đề cao sẽ tạo ra những cơ hội cho phát triển đất nước.

Không được nói không, không được nói khó, không được nói có mà không làm - 7

Đề cập tới động lực cấu thành tăng trưởng kinh tế, ông Lê Thanh Vân - đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV - cho biết có 5 yếu tố: Vốn, thể chế, công nghệ, nhân lực, văn hóa. Theo ông, sự tăng trưởng tác động đến biểu đồ lên - xuống của nền kinh tế tùy thuộc vào cách sử dụng các công cụ, yếu tố này.

"Thế giới ngày nay không coi trọng yếu tố vốn là quyết định mà nhấn mạnh yếu tố công nghệ, ở đâu có công nghệ đi đầu thì ở đó có sự bứt phá ngoạn mục về kinh tế. Ai là người sử dụng công nghệ? Đó là con người. Theo tôi, tác động đến tăng trưởng là phải kích hoạt đồng bộ cả 5 yếu tố, nhưng 2 yếu tố quan trọng nhất là con người và công nghệ" - ông Vân nêu quan điểm và nhìn nhận tăng trưởng của Việt Nam đang đặt ở thế động, có sự tác động của Covid-19 và Thủ tướng đang đi theo cách chủ động, chủ công và chủ lực.

Dưới nhãn quan của một đại biểu Quốc hội, ông Vân đánh giá Chính phủ mới kiện toàn do Thủ tướng Phạm Minh Chính đứng đầu đặt ra những vấn đề rất quan trọng: Thứ nhất là phương thức hoạt động của Chính phủ đã thay đổi, chuyển từ Chính phủ dựa trên nền tảng trách nhiệm tập thể sang Chính phủ dựa trên nền tảng không chỉ trách nhiệm tập thể mà cá thể hóa trách nhiệm cá nhân. Thứ hai là lựa chọn các đột phá thể chế bằng việc rà soát lại thể chế, chính sách. Thứ ba là lựa chọn trật tự ưu tiên để tạo ra các đột phá về công trình trọng điểm.

Không được nói không, không được nói khó, không được nói có mà không làm - 8

"Người đứng đầu Quốc hội là Chủ tịch Vương Đình Huệ thường xuyên trao đổi với Thủ tướng. Lãnh đạo Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội có nhiệm vụ chủ trì, rà soát các khâu nghẽn trong thể chế, chính sách về kinh tế. Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội được giao chủ trì, rà soát các giải pháp về phòng chống dịch... Rất mừng và tin tưởng đó là sự đồng hành giữa hành pháp và lập pháp, giữa Chính phủ và Quốc hội" - ông Vân cho hay.

Theo ông Vân, nền kinh tế Việt Nam đã có các tập đoàn hùng mạnh, có tính dẫn dắt; trong từng lĩnh vực đã hình thành những "đại bàng" lớn. Đã đến lúc Việt Nam hoàn toàn có thể hấp dẫn các nhà đầu tư trong nước, nhưng phải bỏ tư tưởng "sính" ngoại; phải tạo ra một "sân chơi" thực sự bình đẳng từ huy động vốn cho đến quy hoạch, ứng xử… để hấp dẫn "đại bàng" của nước nhà.

Không được nói không, không được nói khó, không được nói có mà không làm - 10