1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

iMoney số 11: Gen Z có thích mua vàng?

Hoàng Dung
iMoney

(Dân trí) - Có tiền, một số bạn trẻ gen Z vẫn bỏ vào vàng vì cho rằng kênh đầu tư này mang lại cảm giác an toàn. Nhưng một số khác lại nghĩ khác và chọn những kênh đầu tư "bắt trend" hơn.

Hiện nay, gen Z (những người sinh năm 1997 trở về sau) có nhiều cách kiếm tiền như đầu tư vàng, chứng khoán, tiền số, góp vốn kinh doanh, gửi tiền vào ngân hàng hoặc đưa tiền cho cha mẹ. Mỗi hình thức đầu tư lại cho gen Z những triết lý đầu tư riêng và trải nghiệm thú vị.

Ra trường 3 năm mua được 8 cây vàng

Khánh Linh, sinh năm 1997, tự nhận mình là một gen Z chính hiệu nhưng vẫn trung thành với cách đầu tư truyền thống là mua vàng để dành. Với Linh, chứng khoán và tiền số "quá nguy hiểm", trong khi lãi suất tiền gửi ở ngân hàng hiện nay lại không mấy hấp dẫn, còn đầu tư bất động sản thì cần quá nhiều vốn.

Linh kể bắt đầu mua vàng từ hồi học đại học với các công việc làm thêm. "Thời điểm đó, tôi chỉ muốn giữ tiền, không muốn tiền mất giá nên chọn vàng là kênh đầu tư. Vì tôi tìm hiểu vàng rất ít khi xuống giá quá thấp. Hơn nữa, số tiền tôi dành ra mua vàng là số tiền không dùng đến sau khi đã trang trải chi phí sinh hoạt", Linh nói.

iMoney số 11: Gen Z có thích mua vàng? - 1

Nhiều người trẻ vẫn thích mua vàng để đầu tư vì tính an toàn (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Gen Z này cho hay, cô từng mang 90 triệu đồng đi gửi tiết kiệm ở ngân hàng nhưng sau một năm, số tiền lãi cô thu về chỉ khoảng 5 triệu đồng. Do đó, theo cô, nhược điểm của hình thức đầu tư này là khi có việc cần tiền gấp thì khó rút ra sử dụng vì rút trước hạn sẽ phải hưởng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn, cũng là mức lãi suất thấp nhất tại ngân hàng. Trong khi đó, với vàng, người đầu tư có thể bán bất cứ lúc nào và có thể bán lẻ theo từng chỉ.

"Hiện tại, tôi đang có khoảng hơn 80 chỉ vàng. Tính theo giá gần nhất, tất cả số vàng tôi mua đều có lãi", cô nàng gen Z tâm sự.

Quan điểm đầu tư của Linh là cô sẽ mua vàng bất cứ khi nào có đủ tiền nhưng sẽ không mua vào ngày vía Thần tài. Vì ngày này giá vàng thường lên cao nên không có lợi cho việc đầu tư lâu dài. Do đó, nếu có đến tiệm vàng dịp này, cô chỉ bán chứ không mua.

"Đa phần, người đi mua vàng vào ngày vía Thần tài đều là người làm ăn, kinh doanh với quan niệm mua vàng vào ngày này sẽ gặp may mắn, đó là tín ngưỡng của họ. Còn tôi, với thu nhập của người làm văn phòng thì tôi không muốn mua. Vì tôi sẽ mất một khoản tiền mà không giúp mình có giá trị thực tế nào cả. Với lại, tôi không biết đến khi nào, giá vàng mới tăng giá cao như ngày Thần tài", Linh bày tỏ quan điểm.

"Bố mẹ thích vàng, mình thích chứng khoán"

Đó là lời tâm sự của Chu Hiển, sinh năm 2001, đang là sinh viên ở một trường kinh tế ở Hà Nội. Hiển kể, các thành viên gia đình cậu có 2 xu hướng đầu tư là truyền thống và hiện đại. "Bố mẹ tôi thì thích vàng, còn tôi thích chứng khoán. Vì tôi thấy rằng đầu tư vàng khá an toàn trong khi chứng khoán lại hấp dẫn hơn dù đi kèm nhiều rủi ro hơn", Hiển kể.

Gen Z cho biết, năm ngoái, khi cơn sốt chứng khoán bùng nổ, anh đã vào sàn hơn 20 triệu đồng để mua 3 mã cổ phiếu. Hiện Hiển có lãi, thậm chí, lãi còn tốt hơn là mua vàng. "Với số tiền đầu tư nhỏ, phương châm của mình là lướt sóng nhiều hơn là dài hạn. Mình thấy mã nào có tiềm năng, đủ target đều bán luôn mà không đợi lâu. Tiền lãi thì mình không rút ra mà lại quay vòng vào đầu tư tiếp", Hiển tiết lộ.

iMoney số 11: Gen Z có thích mua vàng? - 2

Một số bạn trẻ chọn đầu tư chứng khoán thay vì mua vàng (Ảnh: Hải Long).

Hiển chấp nhận chơi cả cổ phiếu mà trên thị trường gọi là rác vì cậu cho rằng, rác hay không rác phụ thuộc vào quan điểm của từng người và cậu quan điểm rác tạo thành tiền còn tốt hơn là tiền không tạo ra tiền.

"Người ta không thích mua cổ phiếu trà đá, cổ phiếu rác vì tính bất ổn nhưng mình lại thích. Vì tôi nhìn thấy ở đó có cơ hội đầu tư. Không nói đâu xa, năm nay, có một mã chứng khoán, tôi đã nhân 2 tài khoản", chàng trai sinh năm 2001 hào hứng khoe.

"Mình cũng thích đầu tư nhưng lại không có tiền"

Ai cũng thích đầu tư nhưng không phải ai cũng có đủ tiền để đầu tư. Nếu chọn mua vàng, ít nhất mọi người phải có trong túi tầm 5 triệu đồng, đầu tư chứng khoán thì phải có tầm 2 triệu đồng để mua được 100 cổ phiếu. Còn với tiền số, một kênh đầu tư mới lạ mang tính xu hướng tương lai nhưng đi kèm nhiều rủi ro nên không phải ai cũng thích.

Hà Trí, sinh năm 1999, nhân viên ở một công ty công nghệ cho hay, đến nay, anh vẫn chưa đầu tư vào bất cứ lĩnh vực nào mà chỉ đi làm công ăn lương đúng nghĩa. Thứ nhất vì bản thân chưa có đủ tiền để đầu tư, thứ hai là bản thân chưa hứng thú với việc này.

"Hiện tại, tôi chỉ muốn làm thật tốt công việc của mình và phát triển bản thân ở lĩnh vực đó, còn chuyện đầu tư thì chưa nghĩ đến. Nếu sau này, khi kinh tế dư dả, tôi cũng định đầu tư, còn bây giờ thì không", Hà Dương nói.

iMoney số 11: Gen Z có thích mua vàng? - 3

Nhiều người đổ xô đến các tiệm vàng trước ngày vía Thần tài để mua vàng cầu may (Ảnh: Hoàng Dung).

Dương còn bày tỏ quan điểm, những ngày đầu năm, mọi người thường đổ xô đến các tiệm vàng để mua vàng cầu may là cách không khôn ngoan vì giá vàng những ngày này khá đắt.

"Tôi không phải là người mê tín nên việc mua vàng đầu năm để lấy may tôi chưa thực hiện lần nào. Dù mọi người hay truyền tai nhau rằng mua vàng vào ngày vía Thần tài sẽ gặp nhiều thuận lợi trong công việc. Còn tôi nghĩ thuận lợi hay không là do sự cố gắng, nỗ lực của bản thân mình", chàng trai gen Z nói.

Trái ngược với ý kiến trên, Nguyễn Dương, sinh năm 2000 cho rằng, nếu mọi người có kinh tế thì nên mua một chút vàng vào ngày vía Thần tài để lấy may.

"Tôi nghĩ việc mua vàng đầu năm để lấy may là xuất phát từ tâm nên ai có kinh tế thì nên mua một chút. Còn mua thật nhiều vàng để buôn bán, tích trữ thì có lẽ cũng không đem lại tác dụng gì. Bởi các cụ ngày xưa có câu vàng nhẫn 1 lượng mang ý nghĩa cầu phúc, 1 chỉ cầu lộc, 2 chỉ cầu phát, 5 chỉ cầu tài", Dương nói.

Trong phiên giao dịch chiều qua 8/2, doanh nghiệp lớn tại Hà Nội niêm yết giá vàng miếng SJC tại 61,8 - 62,52 triệu đồng/lượng (mua - bán). Tại TPHCM, giá thu mua tương đương Hà Nội nhưng chiều bán ra là 62,5 triệu đồng/lượng. Giá này đã giảm 900.000 đồng/lượng so với phiên sáng.