1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An và Thừa Thiên Huế sẽ hưởng cơ chế đặc thù gì?

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Dự thảo Nghị quyết quy định HĐND thành phố Hải Phòng và Thanh Hóa được ban hành phí, lệ phí chưa có trong danh mục; điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu một số loại phí, lệ phí so với quy định của Luật.

Sáng 22/10, Quốc hội nghe báo cáo thẩm tra về Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết nhất trí việc ban hành Nghị quyết nhằm tạo cơ chế huy động nguồn lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương này.

Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An và Thừa Thiên Huế sẽ hưởng cơ chế đặc thù gì? - 1

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường (Ảnh: Quốc Chính)

Cũng theo ông Cường, Ủy ban đã thẩm tra nhiều nội dung cụ thể trong Nghị quyết như chính sách dư nợ vay; ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu từ tăng thu trên địa bàn các tỉnh, thành phố; định mức chi thường xuyên; thí điểm thực hiện chính sách phí, lệ phí trên địa bàn; quản lý đất đai; quản lý quy hoạch; thu từ xử lý nhà, đất; thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức; việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế.

HĐND thành phố Hải Phòng và Thanh Hóa được ban hành phí, lệ phí chưa có trong danh mục

Cụ thể về chính sách dư nợ vay, tờ trình dự thảo cho biết Thừa Thiên Huế, tỉnh Nghệ An được vay với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 40% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp.

Trong khi đó, Hải Phòng, Thanh Hóa được vay với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách Thành phố được hưởng theo phân cấp. Tổng mức vay và bội chi ngân sách các tỉnh, thành phố do Quốc hội quyết định hằng năm.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết đa số ý kiến nhất trí nội dung này, tuy nhiên cũng có đại biểu đề nghị cân nhắc nâng mức trần tổng dư nợ vay.

Vì thực tế hiện nay, các địa phương trên chưa vay được hết mức trần theo quy định hiện hành và trong giai đoạn 2021-2025 tổng mức bội chi ngân sách của các địa phương chỉ là 0,3% GDP.

Ngoài ra, đối với thành phố Hải Phòng, hằng năm, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách Thành phố không quá 70% số tăng thu ngân sách trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương với ngân sách Thành phố và một số khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100% nhưng không vượt quá tổng số tăng thu ngân sách Trung ương trên địa bàn so với thực hiện thu năm trước và ngân sách Trung ương không hụt thu.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết đa số ý kiến nhất trí với Dự thảo. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, quy định điều kiện được hưởng khi "ngân sách trung ương không hụt thu" là chưa bảo đảm thống nhất với cơ chế mà thành phố Hải Phòng đang thực hiện theo Nghị định 89/2017/NĐ-CP. Do vậy, đề nghị quy định như Nghị định 89 mà thành phố Hải Phòng đang được hưởng.

Về thí điểm thực hiện chính sách phí, lệ phí trên địa bàn Hải Phòng và Thanh Hóa, dự thảo Nghị quyết quy định HĐND thành phố Hải Phòng và tỉnh Thanh Hóa được ban hành phí, lệ phí chưa có trong danh mục; điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu một số loại phí, lệ phí so với quy định của Luật.

Lãnh đạo Ủy ban Tài chính Ngân sách cho biết cơ bản nhất trí với dự thảo Nghị quyết này. Tuy nhiên, đề nghị cần bảo đảm nguyên tắc việc điều chỉnh, ban hành mới các khoản phí, lệ phí phải có lộ trình phù hợp với thực tế và yêu cầu phát triển của Thành phố.

Đồng thời việc ban hành nhưng vẫn đảm bảo tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngành, nghề ưu đãi đầu tư; bảo đảm sự thống nhất của thị trường, không cản trở lưu thông hàng hóa, dịch vụ; công khai, minh bạch; không ảnh hưởng đến các địa phương khác.

Cơ chế đặc thù về quản lý đất đai

Đối với Thanh Hóa, Nghệ An, Dự thảo Nghị quyết quy định "Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng và đất rừng phòng hộ đầu nguồn với quy mô trên 50ha; đất trồng lúa 2 vụ trở lên với quy mô trên 500ha. Trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất quy định tại khoản này thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai".

Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, theo quy định hiện hành, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng và đất rừng phòng hộ đầu nguồn từ 50ha trở lên, đất rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, chắn sóng lấn biển bảo vệ môi trường từ 500ha thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Tuy nhiên, Quốc hội chỉ họp 2 lần 01 năm nên việc trình Quốc hội trước khi thực hiện có thể chậm trễ. Để bảo đảm tính kịp thời và vẫn bảo đảm tính công khai, minh bạch, Ủy ban đã đề nghị Quốc hội giao Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Dự thảo Nghị quyết quy định "Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An, tỉnh Thanh Hóa quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500ha; đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng với quy mô dưới 50ha và Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An, tỉnh Thanh Hóa quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất với quy mô dưới 1.000ha".

Ủy ban Tài chính Ngân sách cho biết cơ bản nhất trí với Dự thảo Nghị quyết và cho rằng, cơ chế này góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các địa phương trong trường hợp cần thiết phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Tuy nhiên cơ quan này đề nghị lưu ý việc chuyển đổi phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, mang lại hiệu quả thiết thực, không ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội, môi trường và phát triển bền vững, đảm bảo an ninh lương thực, ổn định đời sống người dân.

Việc phân cấp phải gắn với trách nhiệm cụ thể của các cá nhân, tổ chức, trách nhiệm của người phân cấp và được phân cấp để đảm bảo công khai, minh bạch, tránh tiêu cực, thất thoát, lãng phí.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, có ý kiến chưa tán thành với quy định của Dự thảo Nghị quyết về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đối với rừng phòng hộ, rừng đặc dụng vì, việc không bảo vệ được rừng đã gây hậu quả nghiêm trọng, tác động tiêu cực đến phát triển bền vững và quy định trên có thể sẽ tạo tiền lệ không tốt, đặc biệt trong bối cảnh báo động về môi trường như hiện nay.

Đối với thành phố Hải Phòng, dự thảo Nghị quyết quy định "Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500ha phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định".

Theo quy định pháp luật hiện hành, thẩm quyền quyết định việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa 2 vụ trở lên với quy mô từ 10ha đến dưới 500ha và thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch thuộc về Thủ tướng Chính phủ.

Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền quản lý hiệu quả theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, có thể giao Hội đồng nhân dân tỉnh thành phố Hải Phòng quyết định những nội dung thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, đề nghị lưu ý việc thực hiện cần công khai, lấy ý kiến người dân, được sự đồng thuận của các chủ thể chịu sự tác động, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực và phù hợp với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Dự thảo Nghị quyết cũng quy định "Ngân sách tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Thừa Thiên Huế được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý trên địa bàn tỉnh (trừ các cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh)".

Lãnh đạo Ủy ban Tài chính Ngân sách cho biết, đa số ý kiến cho rằng, để bảo đảm tính thống nhất với chính sách hiện nay TPHCM đang được hưởng và góp phần tạo nguồn lực cho đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Thừa Thiên Huế, đề xuất này là phù hợp.

Tuy nhiên, theo Báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 thì TPHCM vẫn chưa có khoản thu nào từ cơ chế này. Do đó, Ủy ban đề nghị Chính phủ chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn về cơ sở pháp lý để thực hiện thuận lợi.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị bổ sung quy định chỉ để lại 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý trên địa bàn tỉnh (trừ các cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh) sau khi trừ đi chi phí liên quan đến việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chi phí di dời, xây dựng cơ sở vật chất tại địa điểm mới.