1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Giá đất ảo, tiếp cận đất đai, mặt bằng là vấn đề "nóng" trong PCI 2021

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Theo khảo sát, 44,8% doanh nghiệp còn gặp khó khăn khi mở rộng mặt bằng kinh doanh. 53,8% trường hợp gặp phiền hà về đất đai đã phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh.

Giá đất ảo, tiếp cận đất đai, mặt bằng là vấn đề nóng trong PCI 2021 - 1

PCI 2021 tiếp tục "gọi tên" Quảng Ninh với vị trí đứng đầu bảng xếp hạng (Ảnh: N.M).

Sáng nay (27/4), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2021 (PCI 2021).

Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI - cho biết, PCI 2021 tiếp tục gọi tên Quảng Ninh với vị trí đứng đầu bảng xếp hạng.

Vị trí á quân thuộc về Hải Phòng. Theo ông Tuấn, đây là lần đầu tiên Hải Phòng vươn lên đứng ở vị trí thứ hai.

"Nhìn bảng xếp hạng có thể thấy Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh thay đổi rất tích cực. Ở khu vực ĐBSCL, Đồng Tháp tiếp tục nằm trong top 5. Môi trường kinh doanh ở Đồng Tháp được doanh nghiệp đánh giá có sự thân thiện", ông Tuấn nói.

Trong khi đó, các địa phương phía cuối bảng xếp hạng PCI năm nay là Cao Bằng (63), Hòa Bình (62), Kon Tum (61), Kiên Giang (60), Hà Giang (59), Ninh Bình (58), Quảng Bình (57), Lai Châu (56), Bạc Liêu (55), Sóc Trăng (54).

Đề cập tới một số phát hiện chính từ khảo sát PCI 2021, ông Đậu Anh Tuấn nhắc tới những cải thiện về vấn đề chi phí không chính thức. "Chi phí không chính thức tiếp tục xu hướng giảm trong nhiều lĩnh vực. Cùng với việc đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin, hoạt động phòng chống tham nhũng đem lại những chuyển biến tích cực", ông Tuấn cho biết.

Theo con số đưa ra tại bảng điều tra, tỷ lệ 27,7% doanh nghiệp trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh tra, kiểm tra năm 2020 đã giảm còn 20,9% trong năm 2021. "Rất phấn khởi khi tốc độ giảm dần ở chỉ số này. Ngoài ra, quy mô các khoản chi cho chi phí không chính thức cũng giảm", ông Tuấn thông tin.

Một điểm đáng chú ý khác tại PCI 2021 là thuế phí, tiếp cận đất đai, thủ tục xây dựng. Đây là nhóm đang bị đánh giá "phiền hà nhất". Thời gian tới các địa phương cần tập trung đẩy mạnh xử lý, cải thiện các vấn đề này, theo khuyến nghị của PCI 2021.

"Qua điều tra thực tế, đất đai, mặt bằng kinh doanh là vấn đề nóng, cản trở doanh nghiệp. Tỷ lệ doanh nghiệp đang đối mặt khó khăn với việc mở rộng mặt bằng kinh doanh, tiếp cận đất đai rất lớn. Rất nhiều nguồn lực đang bị cản trở bởi vấn đề này", Trưởng ban pháp chế VCCI thông tin.

Theo khảo sát, 44,8% doanh nghiệp còn gặp khó khăn khi mở rộng mặt bằng kinh doanh. 53,8% trường hợp gặp phiền hà về đất đai đã phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh.

Cũng theo ông Đậu Anh Tuấn, kỳ vọng thời gian tới giá đất không bị "ảo quá" để tránh ảnh hưởng nhiều đến hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Bên cạnh quỹ đất, giá đất, theo ông Tuấn, nhóm thủ tục hành chính về đất đai cũng còn nhiều khó khăn. Cải cách những thủ tục này sẽ là "chìa khóa lớn" để thay đổi môi trường kinh doanh.

Trong những khó khăn chủ yếu khi tiếp cận, mở rộng mặt bằng sản xuất kinh doanh, vấn đề lớn nhất nằm ở sự phức tạp của các thủ tục hành chính thuê, chuyển nhượng đất đai (42,5%).

Nguyên nhân phổ biến thứ hai đó là quy hoạch đất đai của địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của doanh nghiệp (39,3%). Khoảng 30,5% doanh nghiệp phản ánh "việc cung cấp thông tin dữ liệu về đất đai không thuận lợi, nhanh chóng"; 21,5% doanh nghiệp cho biết địa phương có tình trạng "thiếu quỹ đất sạch".

Các vấn đề khác cũng nằm trong mối quan ngại của doanh nghiệp có thể kể đến như giá đất theo quy định của Nhà nước cao, giá đất theo quy định của Nhà nước tăng quá nhanh, công tác giải phóng mặt bằng chậm, việc cung cấp thông tin dữ liệu về đất đai không thuận lợi và việc xử lý hồ sơ về đất đai lâu hơn quy định.

Những phiền hà liên quan đến thủ tục đất đai là nguyên nhân khiến 53,8% doanh nghiệp phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh.