1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Chuyên gia: Đã tiêm vaccine rồi, còn chờ gì nữa mà không mở cửa du lịch?

Việt Đức

(Dân trí) - Các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp ngành du lịch cùng chung quan điểm không thể trì hoãn hơn nữa việc đón khách quốc tế trở lại Việt Nam, tránh nguy cơ lỡ nhịp phục hồi.

Không thể chần chừ hơn nữa

Tiến sĩ Lương Hoài Nam, Thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), cho biết, dù thí điểm Phú Quốc đã thí điểm đón khách quốc tế trở lại từ ngày 20/11, thực tế chỉ mới đón được 2 chuyến bay thuê bao nguyên chuyến (charter) với khoảng 400 khách. Ông Nam kể ông cũng vừa đi  Phú Quốc cũng nhận thấy các khu du lịch trên đảo vẫn rất vắng vẻ. 

Theo ông, các điều kiện để nhập cảnh vào Việt Nam còn khó khăn hơn một số quốc gia láng giềng trong khu vực ASEAN nên chưa đủ hấp dẫn du khách. Ông đặt câu hỏi trong bối cảnh một số địa phương như TPHCM, Hà Nội đã có độ bao phủ vaccine còn cao hơn một số quốc gia châu Âu, Mỹ, liệu các cơ quan còn chờ đợi gì để mở cửa vì không có biện pháp nào phòng chống dịch tốt hơn vaccine. 

"Tiêm vaccine rồi thì phải thích ứng an toàn, phải làm ăn, phát triển chứ còn gì nữa đâu để chờ", TS Lương Hoài Nam nêu quan điểm tại buổi tọa đàm "Mở cửa du lịch, phục hồi kinh tế" do báo Thanh Niên tổ chức ngày 7/12.

Chuyên gia: Đã tiêm vaccine rồi, còn chờ gì nữa mà không mở cửa du lịch? - 1

TS Lương Hoài Nam phát biểu tại sự kiện (Ảnh: TN).

TS Nam kiến nghị để khôi phục ngành du lịch, việc đầu tiên cần làm ngay là các cơ quan chức năng phải tạo điều kiện để các công dân Việt Nam đang ở nước ngoài về nước một cách thuận lợi nhất, không cần đăng ký bất cứ thủ tục xét duyệt nào. 

Hiện tại, do phải đăng ký các chuyến bay charter với tần suất thấp, đợi xét duyệt, mua trọn gói dịch vụ cách ly tại khách sạn nên chi phí từ nước ngoài về Việt Nam rất cao. Ông nêu thực trạng nhiều người đành phải chấp nhận bay về Campuchia rồi đi xe qua cửa khẩu để về Việt Nam để tiết kiệm chi phí.

TS Trần Du Lịch cũng khẳng định không thể chần chừ thêm trong việc mở cửa du lịch. Theo ông, du lịch là ngành kinh tế liên quan đến nhiều lĩnh vực khác. Đặc biệt, hàng loạt chủ đầu tư lĩnh vực lưu trú đang đứng trước nguy cơ không thể phục hồi vì du lịch vẫn điêu đứng. Khi những chủ đầu tư này "chết", vấn đề cũng sẽ xuất hiện với các ngân hàng thương mại vì họ dựa vào dòng vốn tín dụng rất lớn.

Ông Lịch nhấn mạnh để mở cửa, vấn đề quan trọng nhất là giải tỏa tâm lý sợ hãi mặc dù không thể chủ quan trước dịch bệnh. Theo ông, nếu hàng không chỉ cho phép các chuyến bay quốc tế charter như hiện nay, du lịch không thể hồi phục. Do đó, cần tiến đến việc mở cửa lại các đường bay thương mại quốc tế thường lệ và việc mở cửa không thể chần chừ hơn nữa.

Chuyên gia: Đã tiêm vaccine rồi, còn chờ gì nữa mà không mở cửa du lịch? - 2

TS Trần Du Lịch nhấn mạnh không nên chần chừ thêm trong việc mở cửa du lịch quốc tế (Ảnh: TN).

Không mở cửa, doanh nghiệp sẽ chết

Tại tọa đàm, ông Huỳnh Văn Sơn, Tổng giám đốc Công ty Ngôi sao biển Sài Gòn, cho biết đầu tháng 4, doanh nghiệp của mình khai trương khu chợ đêm ở Phú Quốc và phố đêm ẩm thực ở Bà Rịa - Vũng Tàu nhưng sau đó phải "ngủ" luôn đến nay. Khi biết tin Phú Quốc thí điểm đón khách quốc tế, ông rất hào hứng nhưng cuối cùng kết quả cuối cùng không được như kỳ vọng, nhiều tiểu thương ở chợ đêm cũng không muốn hoạt động lại vì lượng khách còn quá ít.

"Mỗi ngày trôi qua, chi phí đè nặng, bòn rút những sức lực cuối cùng của doanh nghiệp. Chúng tôi mong mở cửa du lịch càng sớm càng tốt, mở đúng nghĩa. Với chúng tôi, chỉ có mở cửa hay là chết", ông Sơn tha thiết kiến nghị với cơ quan chức năng.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Vietravel Holdings, doanh nghiệp hoạt động trong cả hai lĩnh vực du lịch và hàng không, kiến nghị sớm mở cửa lại hoạt động hàng không quốc tế. Theo ông, quy mô của thị trường nội địa chưa đủ để giúp ngành du lịch, hàng không phục hồi hoàn toàn. Càng trì hoãn việc mở cửa, ngành du lịch, hàng không sẽ càng tiêu tốn thêm nhiều chi phí nếu muốn hồi phục về sau.

Ông Kỳ cũng cho rằng ngay cả thị trường trong nước, giữa tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt với Covid-19 và hành động thực tế của một số địa phương vẫn còn khoảng cách khá xa. Theo ông, Chính phủ không nên để các địa phương tự đánh giá cấp độ dịch của mình vì nhiều địa phương muốn đảm bảo an toàn nên tự đánh giá ở cấp độ cao hơn. 

Chuyên gia: Đã tiêm vaccine rồi, còn chờ gì nữa mà không mở cửa du lịch? - 3

Ông Nguyễn Quốc Kỳ cho rằng việc chính sách thiếu đồng bộ giữa các địa phương là một trở ngại để mở cửa lại du lịch (Ảnh: TN).

Lắng nghe các ý kiến của chuyên gia, doanh nghiệp tại buổi tọa đàm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho rằng ngành du lịch rất dễ bị tổn thương. Ông Siêu đánh giá nhiều địa phương vẫn chưa tự tin để mở cửa lại hoàn toàn. 

Theo ông, việc thí điểm cho một vài tỉnh, thành đón khách quốc tế chỉ mới là bước tập dợt trong thời gian ngắn. Sau khi thí điểm, các địa phương, cơ quan chức năng sẽ đánh giá để tiến đến đón khách theo đúng tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch, giảm thiểu các điều kiện để hoạt động du lịch.

Cũng tại hội thảo, Phó cục trưởng Cục Hàng không Võ Huy Cường thông tin trong hôm nay, Bộ Giao thông Vận tải sẽ báo cáo Thủ tướng về kế hoạch mở đường bay quốc tế. Ông Cường khẳng định nếu mở cửa du lịch, ngành hàng không cũng cam kết đảm bảo an toàn với hoạt động vận tải hành khách.