1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Chủ tịch Quốc hội: Ổn định kinh tế như yếu tố "bất biến" để ứng "vạn biến"

Nguyễn Mạnh Thảo Thu

(Dân trí) - Dẫn bài học 2 năm qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô như là yếu tố "bất biến'' để ứng với " vạn biến'' của tình hình kinh tế quốc tế.

Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 với chủ đề ''Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững'' được khai mạc sáng nay (18/9). Diễn đàn do 4 cơ quan đồng chủ trì, gồm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam đang và sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, ông cho rằng củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, tăng cường khả năng chống chịu và tự cường của nền kinh tế luôn là mục tiêu hàng đầu, nhất là do kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn và tình hình thế giới, khu vực luôn có biến động bất thường, khó dự báo.

Nêu bài học thực tiễn qua hơn 35 năm đổi mới, kể cả trong những giai đoạn khó khăn, thử thách khắc nghiệt như trong 2 năm qua, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô như là yếu tố " bất biến'' để ứng với "vạn biến'' của tình hình kinh tế quốc tế.

Chủ tịch Quốc hội: Ổn định kinh tế như yếu tố bất biến để ứng vạn biến - 1

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc tại Diễn đàn Kinh tế 2022 (Ảnh: QH).

Song người đứng đầu Quốc hội cũng nhận định, việc giữ vững, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô mà nói rộng hơn là nâng cao năng lực chống chịu, tính tự cường của nền kinh tế, thúc đẩy, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội còn rất nhiều thách thức.

Ông đã nhắc tới các rủi ro, thách thức đến từ suy giảm kinh tế, bất ổn tài chính trên thế giới, dịch Covid-19 vẫn tiềm ẩn nguy cơ tăng trở lại và diễn biến phức tạp; nguy cơ dịch đậu mùa khỉ xâm nhập. Chưa kể, bất ổn gia tăng đối với thương mại và thị trường tài chính toàn cầu ảnh hưởng đến khả năng phục hồi, đặc biệt đối với những ngành thiếu nguyên liệu, phụ kiện do gián đoạn chuỗi cung ứng.

"Ngân hàng trung ương các nước thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng mạnh lãi suất để kiềm chế lạm phát, khiến kinh tế thế giới có nguy cơ rơi vào tình trạng đình lạm ở một số quốc gia, nhất là các đối tác thương mại lớn của Việt Nam", Chủ tịch Quốc hội nói. Ông cũng nhận định, nguy cơ khủng hoảng năng lượng, lương thực vẫn còn ở mức cao, rủi ro nợ quốc gia bao gồm nghĩa vụ trả nợ công và nợ của doanh nghiệp tăng khi tăng lãi suất và tỷ giá...

Một số cấu phần của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội triển khai còn chậm, chưa đạt mục tiêu cũng được Chủ tịch Quốc hội đề cập tới.

Theo ông, yêu cầu đề ra tại Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ, nhất là việc giải ngân gói hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; gói hỗ trợ lãi suất qua ngân hàng thương mại, cấu phần đầu tư cơ sở hạ tầng (quy mô 113.000 tỷ đồng ) vốn được kỳ vọng sẽ tạo cú hích cho phục hồi kinh tế nhưng chỉ vừa mới được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua danh mục dự án cuối tháng 8 chủ yếu do chậm trễ, khó khăn trong chuẩn bị đầu tư...

Ông cũng chỉ ra giải ngân đầu tư công còn chậm và vẫn là điểm nghẽn. Đến hết tháng 8, giải ngân mới chỉ đạt 39,2%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021, trong đó giải ngân ODA chỉ mới đạt 15% so với kế hoạch.

"Lạm phát tăng chậm lại song vẫn duy trì ở mức cao và áp lực tăng trở lại khi hoạt động kinh tế trở lại bình thường. Giá năng lượng cao, chi phí vận tải và các mặt hàng như phân bón và thức ăn chăn nuôi tăng cũng có thể khiến giá cả nhiều loại hàng hóa và dịch vụ tăng, gây thêm áp lực lạm phát", Chủ tịch Quốc hội nêu. 

Bên cạnh đó, nợ xấu tiềm ẩn, xử lý các tổ chức tín dụng, ngân hàng yếu kém, cơ cấu lại hệ thống tài chính - ngân hàng còn nhiều thách thức, khó khăn. Thị trường tiền tệ, chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp...), thị trường bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro, phát triển thiếu lành mạnh, bền vững.

Xuất phát từ tình hình đó, Chủ tịch Quốc hội cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cân nhắc, quyết định lựa chọn vấn đề "củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững" làm chủ đề cho Diễn đàn năm 2022.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận, đánh giá, làm rõ thực trạng, bối cảnh tình hình kinh tế, tài chính, tiền tệ khu vực, thế giới; dự báo xu hướng trung hạn, dài hạn...

Phát biểu tại Diễn đàn, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, cũng khẳng định, ổn định kinh tế vĩ mô đồng thời ứng phó chủ động, linh hoạt với sự thay đổi nhanh chóng là chìa khóa để nền kinh tế Việt Nam tiếp tục "lội ngược dòng" thành công và duy trì đà tăng trưởng trong bối cảnh thế giới, khu vực có nhiều biến động.

"Thực tiễn trước đây đã chứng tỏ rằng chỉ khi các chỉ số vĩ mô được giữ ổn định, nền kinh tế mới hội đủ năng lực chống chịu, có dư địa để chủ động ứng phó có hiệu quả với các diễn biến bất ngờ và phục hồi nhanh chóng sau các biến động đó", ông nói.

Ông Thắng cũng cho biết, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô không chỉ nằm ở chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ hay quản lý, điều tiết giá cả mà còn nằm ở việc tháo gỡ những điểm nghẽn để nền kinh tế vận hành thông suốt. Từ đó, các doanh nghiệp có thể tự tin đưa ra các quyết định kinh doanh và đầu tư, khơi thông dòng chảy trên thị trường và khai thác có hiệu quả mọi nguồn lực trong xã hội.

Diễn đàn Kinh tế xã hội 2022 sẽ có một phiên khai mạc, 2 phiên thảo luận chuyên đề và một phiên toàn thể.

Trong đó, phiên 1 bàn luận về đẩy mạnh cải cách thể chế, hoàn thiện chính sách về đất đai, giải pháp quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Ở phiên 2, các chuyên gia sẽ thảo luận, tìm giải pháp thúc đẩy các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững.

Còn phiên toàn thể và tọa đàm cấp cao sẽ bàn luận về củng cố nền kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững.