1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Chủ tịch OCB: Kế hoạch lãi gần 7.000 tỷ đồng không là mục tiêu phi thực tế

Nhật Quang

(Dân trí) - Năm 2024, OCB đặt mục tiêu lãi trước thuế 6.885 tỷ đồng, tăng 66% so với thực hiện 2023. Lãnh đạo ngân hàng tự tin với kế hoạch này.

Sáng 15/4, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB, mã chứng khoán: OCB) tổ chức họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2024.

Điều gì khiến OCB tự tin đặt mục tiêu lãi gần 7.000 tỷ đồng?

Năm 2024, OCB đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 6.885 tỷ đồng, tăng 66% so với kết quả năm 2023. Mục tiêu đến cuối năm, tổng tài sản đạt 286.562 tỷ đồng, tăng 19% so với đầu năm.

Tổng huy động vốn thị trường 1 dự kiến đạt 197.346 tỷ đồng và tổng dư nợ thị trường 1 ở mức 177.592 tỷ đồng, tăng lần lượt 17% và 20%. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới 3%.

Tuy nhiên, ngân hàng này không hoàn thành mục tiêu lợi nhuận năm 2022, 2023 đề ra. Trong đó, năm 2023, ngân hàng lãi trước thuế 4.139 tỷ đồng, thực hiện được 69% kế hoạch năm. Lãi trước thuế 2022 đạt 4.389 tỷ đồng, thực hiện được 62% kế hoạch. 

Chia sẻ tại phiên thảo luận, Chủ tịch HĐQT OCB Trịnh Văn Tuấn, cho biết bản thân ban lãnh đạo ngân hàng cũng là những nhà đầu tư vào ngân hàng, do đó luôn muốn ngân hàng có lợi nhuận cao. 

Chủ tịch OCB: Kế hoạch lãi gần 7.000 tỷ đồng không là mục tiêu phi thực tế - 1

Chủ tịch HĐQT OCB Trịnh Văn Tuấn tại phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 (Ảnh: OCB).

Năm 2022 và 2023 là 2 năm mà OCB không đạt được kế hoạch do lạm phát cao, hậu Covid-19 làm cho nền tài chính toàn cầu đổi chiều, tác động đến ngành ngân hàng, trong đó có cả ngân hàng này.  Bên cạnh đó, doanh thu cốt lõi từ tín dụng những năm trước vẫn chiếm tỷ lệ cao. Khi đi vào thời kỳ thay đổi lãi suất, do thị trường thế giới, năm 2022 OCB không đạt chủ yếu là kinh doanh trái phiếu Chính phủ.

Năm 2023, doanh thu từ phí mảng bảo hiểm (bancassurance) chưa phục hồi, dẫn đến thu ngoài lãi giảm. Thêm vào đó, thị trường khó khăn nên nợ quá hạn, nợ xấu bị ảnh hưởng, tác động đến kết quả 2023.

Năm 2024, ban điều hành ngân hàng này tự tin đạt được mục tiêu lợi nhuận trước thuế. "OCB đặt ra mục tiêu gần 7.000 tỷ đồng không phải là mục tiêu điều hành phi thực tế", ông Trịnh Văn Tuấn nhấn mạnh. 

Cũng tại phiên họp đại hội, Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng, chia sẻ thêm việc lợi nhuận năm 2023 đi xuống thì HĐQT có trách nhiệm rất cao và sẽ thay đổi, sẽ có nhiều gương mặt mới để kỳ vọng có trang mới cho ngân hàng.

Đối với hai khoản nợ của FLC và Đại Nam, OCB đã được giải trình với cổ đông rất kỹ trong năm 2023 và OCB đã thu hồi đầy đủ các khoản nợ của 2 khách hàng này.

Riêng đối với khách hàng FLC, hoạt động cho vay của OCB rất chặt chẽ, rõ ràng và minh bạch, còn sai phạm chỉ mang phương diện cá nhân. Đại Nam đã có sự thay đổi tốt và trở thành khách hàng tốt của công ty.  

Các khoản vay đều có tiêu chí đánh giá xanh

Ông Nguyễn Đình Tùng, cho biết từ đầu năm 2024, OCB đã thông qua chiến lược ESG - Environmental (môi trường), Social (xã hội) và Governance (quản trị).

Ngân hàng đã có hoạt động về "xanh" từ nhiều năm trước. Tất cả những khoản vay đều có tiêu chí đánh giá bảo vệ môi trường. Năm 2024, ngân hàng này sẽ điều chỉnh đưa ESG vào một trong những trụ cột phát triển. Đây là xu hướng bắt buộc và nếu tham gia sớm, sẽ tạo ra lợi thế kinh doanh cho ngân hàng.

OCB sẽ trở thành ngân hàng tiên phong xanh, các chương trình cho vay góp phần thúc đẩy hoạt động tiêu chuẩn xanh. Ngân hàng đảm bảo tiêu chuẩn chăm sóc người lao động. Đồng thời, ngân hàng lựa chọn khách hàng có thu nhập trung bình, góp phần tăng khả năng tiếp cận tài chính.