1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Tỷ phú Trần Đình Long:

Bỏ ra 7 tỷ USD mà không được bảo vệ, thà đầu tư bất động sản còn hơn

Phương Liên

(Dân trí) - Chia sẻ tại họp đại hội cổ đông 2024, tỷ phú Trần Đình Long khẳng định rằng việc điều tra chống bán phá giá thép cuộn cán nóng là bình thường. Ông cũng tin rằng sản xuất trong nước sẽ được ủng hộ.

"Không có nước nào chấp nhận tình trạng lượng thép nhập khẩu còn lớn hơn sản xuất trong nước"

Tại phiên họp đại hội cổ đông thường niên 2024 của Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán: HPG) sáng nay (11/4), trước câu hỏi của cổ đông về vụ đệ đơn khởi xướng điều tra chống bán phá giá thép cuộn cán nóng (HRC) nhập khẩu, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT của Hòa Phát, khẳng định rằng việc khởi xướng điều tra chống bán phá giá là điều thông thường.

Khi Việt Nam xuất khẩu ra thị trường quốc tế cũng sẽ phải đối mặt với nhiều vụ kiện chống bán phá giá.

"Trước khi chúng ta là cổ đông của Hòa Phát thì đều là công dân của Việt Nam cả, mọi người nên có quan điểm ủng hộ sản xuất trong nước. Nhìn nhận một cách khách quan công bằng thì không có nước nào trên thế giới chấp nhận tình trạng lượng thép nhập khẩu còn lớn hơn phần sản xuất trong nước", ông Long nói.

Ông chia sẻ rằng 30 năm trước, Việt Nam còn chưa có tên trên bản đồ thép thế giới, nay tự hào trở thành nước sản xuất thép lớn nhất Đông Nam Á với tổng sản lượng trên 20 triệu tấn và đã sản xuất được thép chế tạo cao cấp.

"Thép là bánh mì của công nghiệp, đặc biệt qua cuộc xung đột Nga - Ukraine, càng thấy vai trò của sản xuất công nghiệp nội địa", ông Long khẳng định.

Ông Long nói về vụ điều tra chống bán phá giá HRC (Video: Phương Liên).

Về diễn biến vụ gửi đơn điều tra bán phá giá thép, ông Long nói lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam đang quá lớn và có nguy cơ đè bẹp sản xuất trong nước. Hòa Phát đã gửi kiến nghị điều tra chống bán phá giá và đơn đang được Cục quản lý cạnh tranh của Bộ Công Thương thẩm định.

Với quan điểm của ông Long, không một nước nào chấp nhận sản xuất thép lớn mà lại để hàng nhập khẩu ồ ạt vào nước mình. Ở Mỹ khi lượng nhập khẩu lên bằng 10% tự sản xuất họ đã áp thuế chống bán phá giá.

Ông cũng cho biết rằng Hòa Phát không khởi kiện các công ty trong nước. "Họ mà đúng thì họ sợ gì việc điều tra chống bán phá giá. Ngược lại tôi thấy họ rất sợ việc điều tra này. Không có lý do gì chúng tôi bỏ ra 7 tỷ USD mà không được bảo vệ, thà chúng tôi đi đầu tư bất động sản còn hơn", ông Long nhấn mạnh.

Quý I/2024, Hòa Phát và Formosa sản xuất được hơn 2 triệu tấn thép nhưng lượng nhập khẩu vào đã hơn 3 triệu tấn. Ông cũng bày tỏ niềm tin rằng các bộ ban ngành sẽ ủng hộ sản xuất trong nước.

Chủ tịch Hòa Phát cũng cho rằng áp thuế chống bán phá giá không có nghĩa sẽ khiến giá bán bị đẩy lên cao. Nếu có thuế chống bán phá giá thì ngành tôn mạ có thể sẽ tốt hơn, giá cả ổn định hơn. 

Không muốn nhận hậu quả "kinh hoàng" do dùng đòn bẩy tài chính

Trả lời cổ đông về kế hoạch phòng vệ gì khi tỷ giá tiếp tục tăng, ông Long chia sẻ Hòa Phát đang hạn chế tối đa vay ngoại tệ. Hết quý I/2024, công ty đang vay 400 triệu USD ngoại tệ nên công ty đang áp dụng nhiều biện pháp để làm giảm bớt rủi ro tỷ giá.

Trong tương lai gần, công ty sẽ không tăng việc sử dụng đòn bẩy tài chính. Nhiều công ty đã phải nhận hậu quả "kinh hoàng" do dùng đòn bẩy tài chính. Hòa Phát đã chuẩn bị lượng tiền mặt lớn cho dự án Dung Quất 2 và không thể phiêu lưu cầm tiền đi đầu tư, "ôm" bất động sản.

Chia sẻ về kết quả kinh doanh quý I/2024, ông Trần Đình Long cho biết kết quả tương đối tốt, tập đoàn làm được tốt 2 việc. Thứ nhất là tăng sản lượng bán hàng so với cùng kỳ.

Thứ hai là bán hết tồn kho giá cao, quý này có thể thiệt một chút nhưng sẽ tốt cho các quý sau. Chưa bao giờ tập đoàn kéo tồn kho xuống thấp như hiện nay. Ước tính sơ bộ, Hòa Phát ghi nhận khoảng 31.000 tỷ đồng doanh thu quý I, 2.800 tỷ lợi nhuận sau thuế.

"Tôi cũng xin thông báo một tin, không biết là vui hay buồn. Chúng tôi đã nghiên cứu sản xuất bô xít và nhôm tại Đắk Nông nhưng 2 tuần trước tôi cũng phải chia sẻ với lãnh đạo tỉnh rằng, Hòa Phát chưa tuyên bố bỏ nghiên cứu dự án này. Nếu có doanh nghiệp khác ngỏ lời, thì có thể để cơ hội cho người ta. Trong 5-10 năm tới, Hòa Phát muốn dành toàn lực cho sản xuất thép, khó để mở rộng sản xuất sang kim loại màu", ông Long nói.

Bỏ ra 7 tỷ USD mà không được bảo vệ, thà đầu tư bất động sản còn hơn - 1

Cổ đông vây kín ông Trần Đình Long (Ảnh: Phương Liên).

Về tiến độ dự án Dung Quất 2, Chủ tịch Hòa Phát dự kiến tháng 9/2026 toàn bộ dự án Dung Quất 2 sẽ hoàn tất. Năm 2025, ước tính có thể sản xuất hơn 2 triệu tấn HRC ở Dung Quất 2 cộng với 3 triệu tấn ở Dung Quất 1.

Một cổ đông đặt câu hỏi: "Khi Dung Quất 2 đi vào hoạt động, nếu bất động sản Trung Quốc vẫn gặp khó khăn thì công ty sẽ bán hàng thế nào?"

Ông Nguyễn Việt Thắng, Tổng giám đốc Hòa Phát, cho biết công ty đang chiếm 35% thị phần thép xây dựng. Doanh nghiệp vẫn duy trì thị phần kể cả lúc khó khăn, thị trường trong nước vẫn là chính và có cả xuất khẩu. Trong năm 2024, đầu tư công đang được đẩy mạnh và Hòa Phát đang cung cấp thép cho một loạt dự án trọng điểm và đây sẽ là cơ hội tốt cho tập đoàn.

Chia sẻ về lĩnh vực nông nghiệp, ông cho biết ngành này đang có biến động "khủng khiếp".

"Giá trứng trên thị trường đang bán trong siêu thị là 3.000 đồng, nhưng chúng tôi đang bán chỉ 1.200-1.300 đồng", ông nói. Theo ông, năm nay, ngành thịt heo sẽ có giá tốt, tỷ trọng tương đối lớn nên ngành nông nghiệp sẽ có lợi nhuận cao hơn năm ngoái.