1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

"Bầm dập" trong thị trường, ai sẽ "chán" chứng khoán?

Hoàng Dung

(Dân trí) - Sau những đợt giảm điểm mạnh thì thị trường chứng khoán thanh lọc nhà đầu tư hay nhà đầu tư rời bỏ thị trường?

Ai rời bỏ thị trường?

Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Yuanta Việt Nam - cho rằng sau những đợt giảm điểm mạnh, thị trường chứng khoán thường tạo ra đợt thanh lọc. Do đó, một số nhà đầu tư sẽ thoát khỏi thị trường và tìm kênh đầu tư mới.  

Nhóm nhà đầu thường rời bỏ thị trường, theo ông Minh, là những người chơi non kinh nghiệm (các nhà đầu tư mới hay còn gọi là F0) vì thiếu kinh nghiệm hay người chơi sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn (margin) không thể thoát kịp trong giai đoạn vừa qua. Trong đó, đối tượng chịu thiệt hại nhất là những người đầu tư vào các cổ phiếu có tính đầu cơ cao. Vì giai đoạn này, họ phải đối mặt với hiện tượng dư bán sàn liên tục và mất thanh khoản.

"Họ sẽ rời bỏ thị trường", ông Minh khẳng định.

Bầm dập trong thị trường, ai sẽ chán chứng khoán? - 1

Sau những đợt giảm điểm mạnh, thị trường chứng khoán thường tạo ra đợt thanh lọc (Ảnh: Hải Long)

Đồng quan điểm, ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam - dự báo thời gian tới sẽ có lượng lớn nhà đầu tư rời bỏ thị trường vì họ không đi theo trường phái đầu tư dài hạn. Mục đích họ đến thị trường là đầu cơ ngắn hạn, kiếm lời nhanh.

Trải qua nhiều phiên giao dịch rung lắc, phần lớn những người này thua lỗ, đó cũng là lý do vì sao họ rời bỏ thị trường và không quay trở lại. "Từ trước đến nay, mỗi đợt tăng giá thường có thêm những nhà đầu tư mới và mỗi đợt giảm giá cũng có cơ số người rời bỏ thị trường", ông nói.

Ngoài ra, những dòng tiền "nóng" đầu tư vào thị trường trong giai đoạn dịch Covid-19 sẽ được rút ra. Vì khi dịch Covid-19 xuất hiện, các hoạt động kinh doanh bị ngưng trệ khiến lượng lớn nhà đầu tư đổ tiền nhàn rỗi vào chứng khoán.

Khi kinh tế phục hồi, các hoạt động trở lại bình thường thì dòng tiền lại quay về sản xuất. Do đó, thanh khoản trên thị trường sẽ giảm về mức độ nhất định khi một bộ phận nhà đầu tư rút khỏi cuộc chơi.

"Tuy nhiên, thị trường chứng khoán vẫn luôn phát triển dựa trên các dòng tiền bền vững khi có thêm nhiều quỹ đầu tư, người chơi mới gia nhập thị trường", ông Ngọc nhấn mạnh.

F0 có nên gia nhập ngay cuộc chơi?

Theo ông Nguyễn Thế Minh, trong giai đoạn hiện nay, F0 không nên gia nhập thị trường vì họ vẫn còn non kinh nghiệm và chưa có tâm lý vững vàng mỗi khi thị trường xảy ra biến động.

"Lúc này là thời điểm để các nhà đầu tư, đặc biệt là F0, có thể nhìn lại diễn biến thị trường. Từ đó, mọi người có thể rút ra những bài học kinh nghiệm và bổ sung kiến thức về đầu tư. Thay vì chọn cổ phiếu theo hiệu ứng đám đông, FOMO trên thị trường thì mọi người sẽ chọn những cổ phiếu có tính cơ bản, bền vững", ông Minh nói. 

Theo ông, thị trường đang tồn tại vấn đề, nhưng xu hướng dài hạn thì tăng. Tuy nhiên, giai đoạn này, chúng ta đang ở vùng nhạy cảm. Nếu vùng hỗ trợ trong tháng 5 không giữ được mốc 1.200 - 1.300 thì đà giảm chưa dừng lại nên đây không phải là thời điểm tốt để nhà đầu tư mới gia nhập thị trường.

Bầm dập trong thị trường, ai sẽ chán chứng khoán? - 2

Nhà đầu tư mới không nên gia nhập thị trường trong giai đoạn có nhiều biến động (Ảnh: Hải Long).

Ông Đỗ Bảo Ngọc cũng cho rằng các F0 đang có nhiều lợi thế trong giai đoạn này vì họ đang cầm tiền. Điều quan trọng là các nhà đầu tư phải tìm ra điểm ổn định của thị trường vì thị trường hiện nay khá biến động.

Trái ngược với quan điểm trên, ông Nguyễn Hoàng Giang, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần chứng khoán DNSE lại khuyến nghị các nhà đầu tư mới nên gia nhập thị trường vì đây là thời điểm tốt để sở hữu các cổ phiếu tốt với giá rẻ.

Mỗi ngày có gần 7.700 nhà đầu tư mới 

Mới đây, trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam vừa công bố số lượng tài khoản chứng khoán mở mới trong tháng 4 đạt hơn 231.000. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân trong nước mở thêm 230.765 tài khoản chứng khoán. Như vậy, bình quân mỗi ngày có thêm gần 7.700 người tham gia thị trường chứng khoán. 

Con số trên đã hạ nhiệt so với kỷ lục hơn 270.000 tài khoản chứng khoán mở mới trong tháng 3 nhưng vẫn là mức cao thứ hai trong lịch sử thị trường. 

Đến cuối tháng 4, thị trường Việt Nam đã chính thức vượt mốc hơn 5 triệu tài khoản chứng khoán. Trong đó, số lượng tài khoản của nhà đầu tư cá nhân đạt hơn 5,16 triệu đơn vị. 

Tuy nhiên, hơn 230.000 nhà đầu tư mới mở tài khoản trong tháng 4 ngay khi vừa tham gia thị trường đã phải chứng kiến sự khốc liệt của chứng khoán khi chỉ số VN-Index từ hơn 1.500 điểm lao dốc về vùng 1.340 điểm.

Từ đầu tháng 5 đến nay, thị trường vẫn tiếp tục điều chỉnh mạnh và mất mốc 1.200 điểm vào phiên 13/5 vừa qua. Như vậy, VN-Index đã quay lại vùng đỉnh của năm 2018 và cũng là lần đầu tiên ghi nhận việc chỉ số chính quay trở lại vùng giá này trong suốt 13 tháng qua.