Vì sao Mỹ muốn thiết lập chuẩn thời gian riêng cho Mặt Trăng?

Minh Khôi

(Dân trí) - Giờ Mặt Trăng sẽ đóng vai trò quan trọng cho các sứ mệnh quốc tế được thực hiện trong tương lai.

Vì sao Mỹ muốn thiết lập chuẩn thời gian riêng cho Mặt Trăng? - 1

Mỹ muốn thiết lập chuẩn thời gian riêng cho Mặt Trăng nhằm cung cấp các tiêu chuẩn đo lường cho tàu vũ trụ và vệ tinh (Ảnh: NASA).

Theo Reuters đưa tin ngày 4/4, Nhà Trắng trong phiên làm việc trước đó 2 ngày, đã nêu rõ quan điểm mong muốn NASA thiết lập một tiêu chuẩn thống nhất về thời gian cho Mặt Trăng và các thiên thể khác.

Yêu cầu này được nhấn mạnh trong bối cảnh cuộc chạy đua hướng tới Mặt Trăng ngày càng gia tăng, với thành phần tham gia là chính phủ các nước, và các công ty tư nhân.

Ông Arati Prabhakar - người đứng đầu Văn phòng Chính sách Khoa học và Công nghệ (OSTP) của Nhà Trắng - gọi khái niệm này là Giờ âm lịch phối hợp (LTC).

Ông lý giải rằng, về cơ bản, lực hấp dẫn khác nhau và các yếu tố tiềm ẩn trên Mặt Trăng, cũng như các thiên thể khác, đã góp phần làm thay đổi cách thời gian diễn ra so với cách mà chúng ta cảm nhận nó trên Trái Đất.

Bởi vậy, LTC được thiết lập nhằm cung cấp các tiêu chuẩn đo lường thời gian cho tàu vũ trụ và vệ tinh thám hiểm Mặt Trăng - những thiết bị đòi hỏi độ chính xác cực cao cho các sứ mệnh của chúng.

"Chiếc đồng hồ mà chúng ta có trên Trái Đất sẽ hoạt động với tốc độ khác trên Mặt Trăng", ông Kevin Coggins, giám đốc điều hướng và truyền thông không gian của NASA, cho biết. "Bởi vậy, chúng ta cần một tiêu chuẩn đo lường thống nhất".

Vì sao Mỹ muốn thiết lập chuẩn thời gian riêng cho Mặt Trăng? - 2

Giờ Mặt Trăng có thể sẽ là định nghĩa mới, được thiết lập trong tương lai gần (Ảnh: Getty).

Ước tính đối với một người trên Mặt Trăng, đồng hồ tính giờ ở Trái Đất sẽ "trôi mất" trung bình 58,7 micro giây mỗi ngày. Bởi vậy, khi kết hợp với các biến đổi định kỳ khác, thời gian trên Mặt Trăng sẽ ngày càng trôi xa hơn so với giờ Trái Đất.

Theo Arati Prabhakar, nếu không có tiêu chuẩn thời gian mặt trăng thống nhất, sẽ rất khó để đảm bảo rằng việc truyền dữ liệu giữa các tàu vũ trụ diễn ra một cách an toàn và thông tin liên lạc giữa Trái Đất, vệ tinh Mặt Trăng, căn cứ và phi hành gia được đồng bộ hóa.

Quan chức này cho biết, sự khác biệt về thời gian cũng có thể dẫn đến sai sót trong việc lập bản đồ và định vị các vị trí trên hoặc quay quanh Mặt Trăng.

Bên cạnh đó, khi các hoạt động thương mại mở rộng lên Mặt Trăng, tiêu chuẩn thời gian thống nhất sẽ là điều kiện cần thiết để điều phối các hoạt động, đảm bảo độ tin cậy của các giao dịch và quản lý hậu cần của hoạt động thương mại diễn ra tại đây.

Vì sao Mỹ muốn thiết lập chuẩn thời gian riêng cho Mặt Trăng? - 3

Giờ Mặt Trăng sẽ đóng vai trò quan trọng cho các sứ mệnh quốc tế được thực hiện trong tương lai (Ảnh: NASA).

Mặc dù Mỹ hiện là quốc gia duy nhất thành công đưa phi hành gia lên Mặt Trăng, nhưng các quốc gia khác cũng có những tham vọng của riêng mình.

Cụ thể, mục tiêu đang được để mắt tới là nguồn tài nguyên khoáng sản tiềm năng trên mặt trăng, cũng như cơ hội để xây dựng các căn cứ đặc biệt. Theo NASA, những căn cứ này có thể giúp hỗ trợ các sứ mệnh của phi hành đoàn tới Sao Hỏa và nhiều nơi khác trong tương lai.

Nga từng lên kế hoạch đưa các phi hành gia đáp xuống Mặt Trăng lần đầu tiên trong lịch sử trong thập kỷ tới, và bắt tay xây dựng một nhà máy điện hạt nhân trên Mặt Trăng từ năm 2035.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng cho biết họ đặt mục tiêu đưa phi hành gia đầu tiên lên Mặt Trăng vào năm 2030.

Bên cạnh 3 cường quốc trong lĩnh vực vũ trụ - không gian nêu trên, nhiều quốc gia thành viên khác cũng cho thấy bước tiến không ngừng trong "miếng bánh" đầy tiềm năng này.

Vào tháng 1, Nhật Bản đã trở thành quốc gia thứ 5 đưa tàu vũ trụ lên Mặt Trăng. Trước đó, Ấn Độ đã trở thành quốc gia đầu tiên hạ cánh tàu vũ trụ gần cực nam Mặt Trăng - vốn là khu vực chưa từng được khám phá. Quốc gia Nam Á này cũng đã công bố kế hoạch đưa một phi hành gia lên Mặt Trăng vào năm 2040.