Trái Đất năm 2024 "trên bờ vực" nóng kỷ lục

Phạm Hường

(Dân trí) - Liên Hợp Quốc vừa cho biết năm ngoái nhiệt độ toàn cầu đã phá vỡ các kỷ lục, khi các đợt nắng nóng hoành hành và các sông băng tan chảy chưa từng thấy, đồng thời cảnh báo năm 2024 còn nóng hơn nữa.

Trái Đất năm 2024 trên bờ vực nóng kỷ lục - 1
Năm 2024 sẽ đối mặt tình trạng nắng nóng kỷ lục (Ảnh minh họa: Getty).

Báo cáo hiện trạng khí hậu hàng năm của Cơ quan Thời tiết và Khí hậu Liên Hợp Quốc xác nhận dữ liệu sơ bộ cho thấy năm 2023 là năm nóng nhất từ trước đến nay.

Năm 2023 cũng là năm đỉnh điểm của "thời kỳ 10 năm ấm nhất" từng được ghi nhận. Theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), có khả năng năm 2024 sẽ phá kỷ lục của năm 2023.

Trước tình hình đó, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, ông Antonio Guterres, nói rằng "Trái Đất đang đưa ra lời kêu cứu" và "ô nhiễm nhiên liệu hóa thạch đang khiến khí hậu hỗn loạn", đồng thời cảnh báo rằng "những thay đổi đang tăng tốc".

WMO cho biết năm ngoái nhiệt độ trung bình cao hơn 1,45 độ C so với mức ở thời kỳ tiền công nghiệp, tức là cận kề ngưỡng nguy hiểm tăng 1,5 độ C mà các nước tham gia Thỏa thuận Paris đã đồng ý phải kiềm chế không để vượt quá.

Báo động đỏ

Chuyên gia của WMO cho rằng tình trạng khí hậu hiện nay đã ở mức báo động đỏ, trước thực tế năm 2023 phá vỡ kỷ lục ở mọi chỉ số khí hậu. Những gì chúng ta chứng kiến trong năm 2023, đặc biệt là việc các đại dương ấm lên chưa từng thấy, Nam Cực và các sông băng trên khắp thế giới đều mất băng, đáng để chúng ta lo ngại.

Các đợt nắng nóng trên biển đã bao phủ gần 1/3 các đại dương toàn cầu. Đến cuối năm 2023, hơn 90% các đại dương đều trải qua tình trạng nắng nóng cao điểm. Các đợt nắng nóng dữ dội hơn và thường xuyên hơn sẽ tác động tiêu cực sâu sắc đến hệ sinh thái biển và các rạn san hô.

Trong khi đó, các sông băng quan trọng trên toàn thế giới đang bị mất băng nhiều nhất kể từ khi WMO bắt đầu thu thập dữ liệu vào năm 1950. Riêng các sông băng Alpine ở châu Âu, chỉ trong hai năm qua, cũng đã mất 10% khối lượng băng còn lại. Băng trên biển Nam Cực cũng ở mức thấp chưa từng thấy.

Nước biển dâng

Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, vào cuối mùa đông năm ngoái của bán cầu nam, diện tích tối đa đất liền đã giảm 1 triệu ki-lô-mét vuông so với năm thấp nhất trước đó. Diện tích này tương đương với Pháp và Đức cộng lại.

Tình trạng ấm lên của các đại dương và tan chảy ở các sông băng, thềm băng đã khiến mực nước biển năm ngoái dâng lên đến mức cao nhất kể từ khi chúng ta bắt đầu theo dõi mực nước biển bằng vệ tinh từ năm 1993. WMO nhấn mạnh rằng trung bình trong thập kỷ qua, từ 2014 đến 2023, mực nước biển đã dâng cao gấp 2 tốc độ trong thập kỷ theo dõi đầu tiên.

Những biến đổi dữ dội của khí hậu đang gây thiệt hại nặng nề trên toàn thế giới, gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan, lũ lụt và hạn hán, làm di dời và mất đa dạng sinh học, cũng như mất an ninh lương thực. Cuộc khủng hoảng khí hậu này là thách thức rõ ràng mà nhân loại phải đối mặt và nó có mối liên hệ chặt chẽ với cuộc khủng hoảng về sự bất bình đẳng.

Tia hy vọng

WMO cũng nêu lên rằng có một tia hy vọng là việc phát triển năng lượng tái tạo. Năm ngoái, công suất sản xuất năng lượng tái tạo chủ yếu là điện mặt trời, điện gió và thủy điện, đã tăng gần 50% kể từ năm 2022.

Báo cáo của Liên Hợp Quốc đã gây ra một loạt phản ứng và những lời kêu gọi hành động khẩn cấp.

Giáo sư Khoa học địa chất Martin Siegert ở Trường đại học Exeter, Anh, cho rằng việc duy nhất chúng ta phải làm ngay là ngừng đốt nhiên liệu hóa thạch để hạn chế thiệt hại.

Nhà khoa học cấp cao Jeffrey Kargel ở Viện Khoa học Hành tinh, nhấn mạnh rằng biến đổi khí hậu mạnh mẽ không hẳn là sự diệt vong của nền văn minh, nhưng kết quả ra sao là phụ thuộc vào việc các chính phủ và người dân có thay đổi hành vi hay không.

Các chuyên gia thừa nhận rằng chi phí cho các hành động vì khí hậu có thể cao, nhưng cái giá phải trả cho việc không hành động còn cao hơn nhiều.

Theo ScienceAlert